|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá lương thực toàn cầu lên cao nhất 15 tháng

06:00 | 09/09/2016
Chia sẻ
Ngoại trừ ngũ cốc, tất cả các loại hàng hóa khác trong chỉ số giá lương thực toàn cầu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đều tăng giá; trong đó tăng mạnh nhất là giá sữa, dầu và đường.

Theo báo cáo mới nhất của FAO, chỉ số giá lương thực toàn cầu (FFPI) bình quân đạt 165,6 điểm trong tháng 8, tăng 1,9% so với tháng trước đó và tăng gần 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức FFPI cao nhất của kể từ tháng 5/2015.

gia luong thuc toan cau len cao nhat 15 thang

Trong đó, tất cả các loại hàng hóa, trừ ngũ cốc, đều tăng giá, với giá sữa, dầu và đường tăng mạnh nhất, bù lại đà giảm giá liên tiếp 2 tháng liên tiếp của ngũ cốc.

gia luong thuc toan cau len cao nhat 15 thang

Đối với sữa, đồn đoán xung quanh tình trạng thiếu thụt nguồn cung đã đẩy giá tất cả các sản phẩm làm từ sữa, đặc biệt là phô mai, sữa bột nguyên kem và bơ, đồng loạt tăng mạnh trong tháng 8. Chỉ số giá sữa theo đó tăng 8,6%. Trong khi đó, giá sữa bột tách kem lại đi ngang do lượng tồn kho ở Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục tăng cao.

Đối với dầu thực vật, chỉ số giá trung bình tăng 7,4% sau khi đã liên tiếp giảm trong 3 tháng trước đó. Giá dầu thực vật phục hồi chủ yếu nhờ giá dầu cọ tăng trước đồn đoán thiếu hụt nguồn cung tại Malaysia và tồn kho toàn cầu giảm. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này ngày càng tăng ở một số nước nhập khẩu chính, như Trung Quốc, Ấn Độ và EU.

Đối với đường, chỉ số giá trung bình chỉ tăng 2,5% trong tháng 8, lên 285,6 điểm – mức cao nhất kể từ tháng 10/2012. Giá đường được hỗ trợ lớn bởi đà phục hồi mạnh mẽ của đồng real Brazil.

Ngược lại, chỉ số giá ngũ cốc giảm 3% so với tháng trước, do nguồn cung dồi dào hơn khi công tác thu hoạch vụ mùa 2016 – 2017 vừa kết thúc. Việc Ai Cập cấm nhập khẩu giống lúa mì có chứa mầm bệnh cũng tác động không nhỏ đến chỉ số này. Theo đó, FAO nâng ước tính sản lượng ngũ cốc toàn cầu trong niên vụ 2016 – 2017 lên gần 2,566 tỷ tấn, tăng 1,6% so với niên vụ trước. Sản lượng của cả lúa mì và gạo đều được ước đạt mức kỷ lục.

Ngoài ra, chỉ số giá thịt cũng tăng 0,3% trong tháng 8.

Theo chuyên gia kinh tế cấp cao - Abdolreza Abbassian tại FAO, dù tăng mạnh trong tháng 8 nhưng giá lương thực toàn cầu khó có thể trở về mức ghi nhận được hồi tháng 1/2016. Trong báo cáo tháng 7, FAO dự báo rằng, giá lương thực có xu hướng ổn định hơn trong vòng 10 năm tới.

Kim Dung