Giá lương thực toàn cầu lên cao nhất 18 tháng
Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), chỉ số giá lương thực toàn cầu (FFPI) bình quần đạt 170,9 điểm trong tháng 9/2016, tăng khoảng 2,9% so với tháng trước và tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức FFPI cao nhất kể từ tháng 3/2015.
Chỉ số FFPI duy trì được đà tăng ổn định từ đầu năm nay chủ yếu nhờ giá đường tăng mạnh và giá sữa, thịt, dầu thực vật phục hồi.
Cụ thể, chỉ số giá đường trung bình đạt 304,6 điểm trong tháng 9/2016, tăng 6,7% so với tháng trước đó và ghi nhận 5 tháng tăng liên tiếp. Giá đường thế giới tăng mạnh chủ yếu do lo ngại thiếu hụt nguồn cung ở Brazil - nước sản xuất và xuất khẩu đường lớn nhất thế giới - do điều kiện thời tiết không thuận lợi tại vùng trồng mía chính Trung Nam. Cùng với đó, sản lượng đường tại Ấn Độ - nước sản xuất đường lớn thứ hai thế giới - cũng bị ước giảm trong niên vụ này và nguồn cung đường tại Thái Lan, Trung Quốc đều bị thắt chặt hơn.
Đối với giá sữa, chỉ số giá sữa trung bình đạt 176 điểm trong tháng 9/2016, tăng 13,8% so so với tháng trước đó. Báo giá của tất cả các sản phẩm từ sữa, đặc biệt là bơ, đều tăng mạnh do lượng tồn kho giảm trong nhu cầu tiêu thụ tại Liên minh châu Âu tăng mạnh. Kể từ tháng 4/2016, chỉ số giá sữa đã tăng 38%.
Đối với giá thịt, chỉ số giá thịt của FAO trung bình đạt 163,5 điểm trong tháng 9/2016, tăng rất nhẹ so với tháng trước đó. Như vậy kể từ tháng 1/2016, chỉ số giá thịt đã tăng 12.6%, trong đó tăng mạnh nhất là giá thịt lợn. Nhu cầu tiêu thụ trên thị trường quốc tế, đặc biệt là ở châu Á, tăng cao đã đẩy thịt lợn và thịt gia cầm tăng giá mạnh trong khi lo ngại thiếu hụt nguồn cung cũng đẩy giá thịt cừu lên cao hơn. Ngược lại, giá thịt bò giảm do Mỹ phục hồi hoạt động sản xuất trong nước, kéo giảm lượng nhập khẩu mặt hàng này.
Ngoài ra, chỉ số giá dầu thực vật tháng 9 của FAO cũng tăng 1,7% so với tháng trước đó, trong đó dầu cọ, dầu đậu nành và dầu hạt cải đều tăng giá.
Duy chỉ có chỉ số giá ngũ cốc tháng 9 của FAO giảm 1,9% so với tháng 8 xuống còn 140,9 điểm. Đây là tháng giảm thứ 3 liên tiếp của giá ngũ cốc với nguyên nhân chủ yếu là nguồn cung dư thừa quá lớn. Sản lượng lúa mì đạt kỷ lục, cùng xu hướng sự phục hồi trong hoạt động sản xuất gạo trên toàn cầu, sẽ tiếp tục gây áp lực giảm lên giá xuất khẩu ngũ cốc.
Theo FAO, giá lương thực vẫn còn khá thấp nhưng thị trường lương thực toàn cầu nhìn chung sẽ vẫn ở trạng thái cân bằng cho đến cuối năm nay do giá của hầu hết các mặt hàng nông nghiệp đều giữ được ổn định.
Chuyên gia kinh tế cấp cao Abdolreza Abbassian của FAO dự đoán rằng, giá lương thực sẽ tiếp tục tăng chậm trong những tháng tới. "Giá lương thực tăng là điềm tốt cho người nông dân nhưng với người tiêu dùng thì không.