|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá cà phê giảm trước áp lực thanh lý

14:54 | 24/03/2017
Chia sẻ
Giá cà phê arabica tiếp tục giảm trước áp lực thanh lý, trong khi giá cà phê robusta chững giá, chờ xu hướng mới.
Giá cà phê giảm trước áp lực thanh lý. Ảnh: Reuters

Cụ thể, giá cà phê arabica kỳ hạn giao dịch trên sàn ICE Mỹ giảm thêm khoảng 0,8% trong phiên hôm qua (23/3). Như vậy, giá cà phê arabica đã giảm trong 3 phiên liên tiếp với mức giảm hơn 3%.

Hiện tại, thị trường arabica đang chịu áp lực thanh lý rất lớn trước triển vọng khả quan hơn về nguồn cung tại một số khu vực sản xuất lớn như Brazil, Colombia hay khu vực Trung Mỹ.

Cũng giảm phiên thứ 3 liên tiếp nhưng đà giảm của giá robusta có phần chậm hơn so với arabica. Chốt phiên hôm qua, giá robusta kỳ hạn giao dịch trên sàn ICE London gần như không đổi so với phiên kế trước.

Nguồn: giacaphe.com

Trong khi thị trường lạc quan về nguồn cung arabica thì thị trường robusta vẫn đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng tại Brazil và Việt Nam.

Theo thông tin mới công bố của Conab - cơ quan phụ trách việc đấu giá cà phê của Brazil, phiên đấu giá ngày 22/3 với mục đích thu hút các nhà cung cấp robusta cho Brazil đã thất bại khi không có hợp đồng nào được ký kết.

Trong khi đó tại thị trường Việt Nam, giao dịch cà phê cũng rất trầm lắng. Giá có xu hướng giảm trở lại dù nguồn cung vẫn bị thắt chặt.

Đến sáng nay, giá thu mua cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên đều không đổi so với hôm qua, giao dịch trong khoảng 45.900 - 46.600 đồng/kg.

Chênh lệch giá robusta loại 2 của Việt Nam so với giá robusta giao tháng 5 trên sàn ICE London theo đó cũng thu hẹp về 35 - 50 USD/tấn, từ mức 30 - 50 USD/tấn của tuần trước.

Nguồn: giacaphe.com

"Tuần qua, hầu hết chỉ có thị trường nội địa giao dịch, còn hoạt động xuất khẩu lại rất chậm chạp. Các doanh nghiệp nhập khẩu của nước ngoài hạn chế mua bởi họ vẫn còn dư thừa dự trữ," chuyên gia phân tích Nguyen Quang Binh cho biết.

Hiện tại, một số thương lái đã bắt đầu chuyển sang giao dịch hợp đồng giao tháng 7 trên sàn ICE London.

Tại Indonesia, đối thủ xuất khẩu cà phê của Việt Nam, giao dịch cà phê bắt đầu sôi động trở lại từ đầu tuần này. Nguồn cung khá dồi dào bởi người dân bắt đầu thu hoạch vụ cà phê.

Thanh Tùng