|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Hạn hán nghiêm trọng đang gây áp lực lên giá lương thực toàn cầu

07:03 | 29/08/2022
Chia sẻ
Cảnh báo mới nhất được phát ra từ vùng Midwest nước Mỹ, nơi ghi nhận tình trạng những cây ngô khô héo, sản lượng đậu tương ngày càng ít hơn bình thường. Ngoài ra, báo cáo không mấy tích cực từ tổ chức nông nghiệp Pro Farmer Crop Tour cũng khiến giá ngũ cốc tăng trở lại mức cao nhất kể từ tháng Sáu.

Tình trạng hạn hán đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cây trồng từ các khu vực trồng trọt quan trọng của nước Mỹ đến lưu vực sông Dương Tử của Trung Quốc, làm dấy lên lo ngại về nạn đói toàn cầu và triển vọng “hạ nhiệt” lạm phát.

Cảnh báo mới nhất được phát ra từ vùng Midwest nước Mỹ, nơi ghi nhận tình trạng những cây ngô khô héo, sản lượng đậu tương ngày càng ít hơn bình thường. Ngoài ra, báo cáo không mấy tích cực từ tổ chức nông nghiệp Pro Farmer Crop Tour cũng khiến giá ngũ cốc tăng trở lại mức cao nhất kể từ tháng Sáu.

Thế giới đang tuyệt vọng tìm kiếm nguồn cung ngũ cốc dự trữ bị mất đi do gián đoạn thương mại ở khu vực Biển Baltic và điều kiện thời tiết không thuận lợi ở một số khu vực trồng trọt có quy mô lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, những quan chức và người tham gia thị trường – thậm chí có cả những người từng rất lạc quan – đã phải sửng sốt khi thực hiện chuyến đến tham quan các cánh đồng nước Mỹ trong tuần qua và nghe báo cáo về thiệt hại trên diện rộng, do tình trạng nắng nóng gay gắt và thiếu nước.

Trong khi đó, hạn hán cũng đang ảnh hưởng đến các khu vực ở châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ, giữa lúc triển vọng xuất khẩu lương thực từ Ukraine (U-crai-na), nước xuất khẩu ngô và dầu thực vật hàng đầu thế giới, là khó có thể dự đoán khi cuộc xung đột giữa nước này và Nga vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Joe Glauber, cựu chuyên gia kinh tế trưởng tại Bộ Nông nghiệp Mỹ, cho biết: “Ngay cả trước khi tin tức về thiệt hại trên các cánh đồng được phát đi, tôi đã lo ngại rằng lượng hàng tồn kho sẽ là không đủ nhiều cho đến năm 2023”.

Theo chuyên gia này, "việc Ukraine có thể mở cửa các cảng là một tín hiệu đáng hoan nghênh, nhưng khối lượng xuất khẩu hiện vẫn thấp hơn nhiều so với mức bình thường".

Các thương nhân luôn theo dõi chặt chẽ các dự báo thời tiết nhưng năm nay sự cảnh giác đã được tăng cường. Trong khi giá ngô, lúa mỳ và đậu tương dù đã hạ nhiệt từ mức cao kỷ lục hoặc gần kỷ lục được ghi nhận vào đầu năm nay nhưng giá ngũ cốc kỳ hạn vẫn biến động mạnh. Những bất ngờ về thời tiết từ nay đến khi hết kỳ thu hoạch vào mùa Thu có thể khiến giá tăng vọt trở lại.

Chỉ số theo dõi giá ngũ cốc và đậu tương đang cao hơn gần 40% so với mức trung bình của 5 năm và hiện tượng giá cây trồng tăng cao là nguyên nhân chính gây ra lạm phát toàn cầu. Hiện nay, tình trạng thiếu lương thực đã dẫn đến sự sụp đổ của Chính phủ Sri Lanka (Xri Lan-ca) giữa bối cảnh quốc gia này cạn kiệt tiền để thanh toán cho nhập khẩu.

Tại Mỹ, ngô là cây trồng chiếm ưu thế nhất và một vụ mùa thu hoạch mờ nhạt sẽ gây ảnh hưởng xấu đến chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, tạo thêm áp lực cho khu vực Nam Mỹ trong việc sản xuất vụ mùa vào đầu năm tới.

Điều này sẽ trở nên trầm trọng hơn nữa nếu Trung Quốc, nước đang hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất kể từ đầu những năm 1960, buộc phải nhập khẩu nhiều ngũ cốc hơn để nuôi đàn gia súc khổng lồ và tích trữ hàng tồn kho trong nước.

Sau chuyến tham quan đến các cánh đồng gần đây, các quan chức ước tính rằng sản lượng ngô của Mỹ sẽ thấp hơn 4% so với dự báo chính thức của chính phủ. Trước đó, sự sụt giảm cũng đã được ghi nhận đối với lúa mỳ tại Mỹ và đậu tương ở Brazil (Bra-xin).

Triển vọng ngành nông nghiệp toàn cầu trong năm 2023 đang khiến các nhà theo dõi thị trường lo lắng. Lần đầu tiên sau hơn 20 năm, thế giới phải đối mặt với năm thứ ba liên tiếp xảy ra hiện tượng La Nina.

Điều này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với tình trạng hạn hán trên khắp nước Mỹ cũng như tình trạng khô hạn ở các vùng trồng trọt quan trọng của Brazil và Argentina (Ác-hen-ti-na). Các nhà phân tích cảnh báo rằng sự nóng lên toàn cầu sẽ là lực cản ngày càng lớn đối với sản lượng nông nghiệp trong những năm tới.

Theo phân tích sơ bộ của các chuyên gia từ Trung tâm nghiên cứu chung của Liên minh châu Âu (EU), hiện nay, châu Âu đang phải đối mặt với đợt hạn hán dường như là tồi tệ nhất trong ít nhất 500 năm qua.

Một số cây trồng ở EU đang bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Dự báo sản lượng ngô sẽ thấp hơn 15% so với mức trung bình 5 năm.

Abdolreza Abbassian, chuyên gia phân tích thị trường thực phẩm và cựu chuyên gia kinh tế của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), cho biết: “Với việc giá năng lượng vẫn tiếp tục tăng trong mùa Đông tới, bất kỳ sự thiếu hụt lớn nào về nguồn cung ngô cũng sẽ tác động khủng khiếp đến lĩnh vực thực phẩm và thức ăn chăn nuôi”.

Tại Trung Quốc, tình trạng hạn hán lịch sử đã xảy ra ở các vùng dọc sông Dương Tử và vùng Tứ Xuyên, làm ảnh hưởng đến cây lúa, nguồn cung cấp lương thực hàng đầu của nước này.

Sản lượng lúa của Ấn Độ cũng giảm 8% trong mùa này do tình trạng thiếu mưa ở một số khu vực. Chính phủ đang thảo luận về các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo tấm, loại gạo chủ yếu được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc sản xuất ethanol ở Ấn Độ.

Những nước nhập khẩu hàng đầu như Trung Quốc sử dụng gạo tấm để chăn nuôi gia súc, trong khi một số nước châu Phi nhập khẩu ngũ cốc để làm thực phẩm. Ấn Độ cung cấp khoảng 40% nhu cầu gạo toàn cầu và là chủ hàng lớn nhất thế giới.

Randy Huls, một người nông dân trồng ngô, đậu tương và lúa mỳ ở bang Nebraska của Mỹ, đang lo lắng về vụ mùa ngô trong năm nay do thiếu mưa. Ông cho biết: “Họ đang dự đoán khu vực Vành đai ngô của nước Mỹ sẽ di chuyển về phía Bắc".

Ông Huls nói: “Chúng ta có thể chứng kiến tình trạng khô hạn hơn rất nhiều và đó là điều mà họ đang nói về biến đổi khí hậu”.

Người nông dân 71 tuổi này cũng bày tỏ lo ngại về tương lai của các thế hệ sau ông trước tình trạng này.

Phương Nga

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.