'Chi phí tăng vì giá điện nhưng doanh nghiệp không dám tăng giá vì sợ mất đơn hàng'
Lo lắng vì giá điện tăng
Vừa qua đợt tăng giá một số mặt hàng thực phẩm do cơn bão số 3, người dân lại tiếp tục lo lắng vì giá điện tăng 4,8% kể từ tháng 10. Đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu, khi đơn hàng vừa có lại thì chi phí tăng.
Chị Mai Hương, sống tại Hà Nội cho biết, hơn một tháng nay, nhiều mặt hàng đã tăng giá sau bão số 3, đặc biệt là rau xanh. Chưa kịp mừng vì giá rau giảm thì hiện giá điện lại tăng, chị cảm thấy lo lắng vì biết chắc nhiều chi phí sẽ lên theo giá điện.
“Những tháng cuối năm vốn là thời điểm giá cả hàng hóa, chi phí sinh hoạt tăng rất mạnh. Nhưng nay việc giá điện tăng rất có thể là lý do để giá hàng tiêu dùng tăng sớm, dù chưa đến Tết”, chị Hương lo lắng.
Trong lĩnh vực sản xuất, ông Hà Mạnh, Giám đốc điều hành Tổng Công ty Cổ phần May 10 cho biết, với mức tiêu thụ 20 triệu Kwh/năm, doanh nghiệp phải chi trả 50 tỷ đồng/năm tiền điện. Vừa rồi, giá điện tăng 4,8% tương đương chi phí tăng thêm 2 tỷ đồng /năm thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng giá thành của sản phẩm trong thời gian tới.
Tuy nhiên, đơn hàng xuất khẩu vừa phục hồi trở lại nên việc tăng giá thời điểm này là rất nhạy cảm. Vì vậy, doanh nghiệp đành chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ chân khách hàng.
Nguy cơ lạm phát kỳ vọng 2025
Theo ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), ước tính đến cuối năm 2024, lạm phát nhập khẩu toàn cầu có thể tăng 1,5%. Đây là tín hiệu đáng lo ngại cho các quốc gia nhập khẩu như Việt Nam, khi lạm phát không chỉ gia tăng mà còn làm suy giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước
Trong bối cảnh đó, nếu như các mặt hàng trong rổ hàng hóa tiếp tục tăng lên do chủ trương tăng lương cơ bản và lương tối thiểu từ 1/7; bình quân giá điện tăng 4,8% từ 11/10; và đến năm 2025 nhiều mặt hàng thiết yếu tăng hơn nữa cũng tạo ra cho áp lực lạm phát kỳ vọng trong xã hội.
“Để tạo đà cho sự phát triển của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng thì giữ ổn định cán cân vĩ mô, trong đó chỉ số lạm phát”, ông Việt nêu rõ.
Đại diện Tổng cục Thống kê cũng cho rằng, dù còn nhiều dư địa, song việc thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ do nhà nước quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố, các chi phí thời điểm này cần được cân nhắc thận trọng, phù hợp về mức độ cũng như thời điểm tăng giá. Tránh điều chỉnh giá nhiều mặt hàng trong cùng một thời điểm sẽ tạo ra lạm phát kỳ vọng và tạo áp lực lên việc điều hành giá trong năm 2025.
Đặc biệt, Chính phủ cần kiểm soát giá, tránh hiện tượng "tát nước theo mưa" theo việc tăng giá điện gây ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp. Trong đó, công tác thông tin truyền thông rất quan trọng, tức là phải thông tin một cách hiệu quả, rõ ràng về các chỉ đạo điều hành của Chính phủ, tránh thông tin sai lệch gây nên lạm phát kỳ vọng.
Về phía doanh nghiệp, khi giá điện tăng chắc chắn ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, dẫn đến giá các mặt hàng sẽ có xu hướng tăng. Vì vậy, thời gian tới, doanh nghiệp cũng cần phải quan tâm đến việc tiết kiệm điện, coi tiết kiệm điện là giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh, từ đó tối đa hóa lợi nhuận của doanh nghiệp và giảm giá thành sản phẩm.