Chỉ được đầu tư BOT trên tuyến đường mới
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vừa ban hành Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện, đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Chưa bảo đảm quyền lựa chọn của người dân
Nghị quyết nêu rõ trong thời gian qua, nhiều công trình giao thông trọng điểm quốc gia đã được đầu tư, nâng cấp, góp phần quan trọng trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ của nước ta, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia. Việc thực hiện chủ trương huy động nguồn lực xã hội, trong đó có hình thức hợp đồng BOT là đúng đắn, giúp giảm bớt gánh nặng của ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các dự án giao thông theo hình thức hợp đồng BOT tồn tại nhiều hạn chế cần được khắc phục.
Cụ thể là các văn bản quy phạm pháp luật chưa được ban hành kịp thời, đầy đủ, đồng bộ; tính pháp lý chưa cao, văn bản có hiệu lực pháp luật cao nhất mới chỉ là nghị định, một số quy định chưa rõ ràng, chồng chéo, chưa phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế.
Việc lựa chọn dự án đầu tư và thứ tự ưu tiên đầu tư chưa hợp lý. Đa số các dự án tập trung trong lĩnh vực đường bộ theo phương thức cải tạo, nâng cấp tuyến đường độc đạo hiện hữu nên chưa bảo đảm quyền lựa chọn của người tham gia giao thông. Việc thu hút nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng. Ngoài ra, chính sách chưa ổn định gây khó khăn trong việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Trạm thu phí BOT bị người dân phản đối do thu phí bất hợp lý, đặt sai chỗ Ảnh: Lê Phong |
Việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án còn bất cập, thiếu minh bạch; công tác thiết kế, dự toán còn sai sót và chưa chặt chẽ làm tăng giá trị dự toán công trình. Hầu hết các dự án đều chỉ định thầu nhưng nhiều nhà đầu tư, nhà thầu nguồn lực hạn chế dẫn đến những vi phạm trong quá trình thực hiện, vận hành và khai thác công trình gây thất thoát và giảm hiệu quả đầu tư.
Cũng theo nghị quyết của UBTVQH, các quy định của pháp luật và thực tế triển khai về thu phí (giá), vị trí đặt trạm thu phí còn chưa hợp lý dẫn đến việc một số dự án gây bức xúc trong dư luận xã hội. Ngoài ra, việc quy định, thực hiện công khai, minh bạch các thông tin về dự án còn bất cập. Công tác thông tin tuyên truyền còn thiếu thống nhất dẫn đến sự thiếu đồng thuận và có cách hiểu khác nhau trong xã hội đối với các công trình giao thông theo hình thức họp đồng BOT.
Phải kịp thời chấn chỉnh
UBTVQH cho rằng nguyên nhân các hạn chế, yếu kém trên là do các cơ quan quản lý còn ít kinh nghiệm; sự phối hợp, kết hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa thực sự hiệu quả, trách nhiệm chưa cao, vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, thanh tra chưa thường xuyên, chưa kịp thời, chế tài xử lý các vi phạm chưa nghiêm. Đáng chú ý là trong khi Chính phủ và các cơ quan chức năng chưa chủ động tổng kết, đánh giá và kịp thời sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT nhưng đã cho phép triển khai đầu tư nhiều dự án giao thông theo hình thức này.
Để kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập trên, UBTVQH yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó có việc triển khai các phương án xử lý kịp thời những yếu kém và kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra khuyết điểm, vi phạm; tổng hợp kết quả báo cáo UBTVQH và QH vào kỳ họp cuối năm 2018.
Song song đó, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật, quy định chặt chẽ về tiêu chí lựa chọn dự án để đầu tư; rà soát quy định về lập, phê duyệt, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT. Đặc biệt, sớm ban hành định mức, đơn giá và việc công bố chỉ số giá thị trường phù hợp với điều kiện thực tế.
Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và các cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới hạ tầng giao thông đồng bộ trong phạm vi cả nước. Đối với các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức BOT, chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân; không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu. Việc lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu phải thực hiện đấu thầu công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật, hạn chế tối đa chỉ định thầu.
UBTVQH cũng lưu ý Chính phủ khẩn trương hoàn thiện việc rà soát tổng thể về vị trí đặt trạm, chính sách miễn giảm giá tại tất cả trạm thu phí BOT để có những giải pháp đồng bộ kịp thời, thống nhất, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng.
Hôm nay, trạm BOT Biên Hòa hoạt động lạiChiều 25-10, ông Trịnh Tuấn Liêm, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, cho biết trạm thu phí BOT Biên Hòa sẽ hoạt động trở lại từ hôm nay (26-10). Như vậy, sau hơn 20 ngày tạm ngưng, trạm này hoạt động lại trong bối cảnh vẫn bị tài xế và người dân phản đối vì vị trí đặt trạm bất hợp lý - trên Quốc lộ 1 thay vì tuyến tránh TP Biên Hòa. Liên quan đến trạm thu phí này, sáng 25-10, một số tài xế đã đến làm việc với Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai theo thư mời. Trong biên bản làm việc trực tiếp với 4 tài xế có nội dung: Các tài xế điều khiển phương tiện qua trạm thu phí sử dụng tiền lẻ mệnh giá thấp không vi phạm các quy định của pháp luật, không bị xử lý. Sau buổi làm việc, các tài xế cho biết họ vẫn phản đối trạm BOT Biên Hòa đặt sai vị trí và yêu cầu dời trạm. X.Hoàng |
Ngoài con gái Thượng tá Võ Đình Thường, BOT Biên Hoà còn những cổ đông nào?
Cường Thuận IDICO là một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Đồng Nai, nắm trong tay hàng chục dự án lớn nhỏ với ... |