|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chỉ bằng một văn bản giữa mùa dịch, Grab đã có thể thu hút thêm hàng triệu người dùng, cho thấy đội ngũ marketing chất lượng

15:27 | 27/08/2021
Chia sẻ
Grab đề xuất cung cấp miễn phí hạ tầng công nghệ giúp lực lượng chức năng cung ứng hàng hoá thiết yếu cho người dân tại vùng cam, vùng đỏ trên địa bàn TP HCM.

Ngày 21/8, Công ty TNHH Grab (Grab) đã gửi công văn tới UBND TP HCM và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố, nhằm đề xuất giải pháp cung cấp miễn phí hạ tầng ứng dụng Grab để hỗ trợ kết nối lực lượng đi chợ thay với đơn vị cung ứng hàng hoá và người dân tại các vùng cam và vùng đỏ.

Thời gian triển khai dự kiến bắt đầu từ thời điểm cơ quan chức năng phê duyệt cho đến hết thời gian áp dụng vùng cam, vùng đỏ. Phạm vi tại tất cả các vùng cam, vùng đỏ áp dụng mô hình lực lượng chức năng đi chợ thay người dân, theo hướng dẫn của cơ quan chức năng. Trong đó trước mắt tại Quận 8, Quận 12, quận Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn, và TP Thủ Đức.

Lực lượng tham gia gồm Grab, những người có nhiệm vụ đi chợ hộ người dân, các đơn vị cung ứng lương thực, thực phẩm và hàng hoá thiết yếu được phép hoạt động, người dân có nhu cầu mua hàng hoá thiết yếu, cơ quan quản lý nhà nước và phương thức thực hiện kết nối.

Chỉ bằng một văn bản giữa mùa dịch, Grab đã có thể thu hút thêm hàng triệu người dùng, cho thấy tài marketing đỉnh cao - Ảnh 1.

GrabMart sẽ có khả năng tiếp cận với hàng triệu người dùng nếu đề xuất của Grab được chấp thuận. (Ảnh: Grab).

Với đề xuất này, người dân sẽ tự tải ứng dụng Grab xuống điện thoại thông minh và tạo tài khoản Người dùng trên ứng dụng (nếu chưa có). Vào danh mục GrabMart trên ứng dụng Grab, nhập địa chỉ cư trú, lựa chọn các mặt hàng và số lượng cần mua. Người dùng sẽ chỉ đặt hàng được tại các Đơn vị cung ứng hàng hóa trong khu vực sinh sống của mình.

Kiểm tra lại các thông tin (địa chỉ, chi tiết đặt hàng hóa), lựa chọn phương thức thanh toán và nhấn nút Đặt hàng. Tại bước này, người dùng được khuyến khích lựa chọn phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trên ứng dụng để giảm thiểu các tiếp xúc vật lý. Trường hợp người dùng chưa có thẻ ngân hàng, thẻ thanh toán, ví điện tử, có thể lựa chọn thanh toán bằng tiền mặt cho Người đi chợ thay khi nhận hàng.

Về phía đơn vị cung ứng hàng hoá, để bán hàng phải tạo lập một gian hàng trực tuyến trê Grab. Gian hàng sẽ hiển thị đầy đủ các mặt hàng có sẵn cập nhật theo từng thời điểm. Hàng hoá sẽ được sắp xếp theo dạng đơn lẻ hoặc theo gói combo (ví dụ combo thực phẩm bao gồm rau củ, thịt/cá, gạo/mì, nguyên liệu cần thiết để nấu ăn hàng ngày; combo thiết yếu bao gồm xà bông, chất tẩy rửa, đồ vệ sinh cá nhân).

Khi Người dùng đặt hàng trên ứng dụng Grab, đơn vị cung ứng hàng hóa sẽ chuẩn bị hàng hóa theo chủng loại và số lượng được đặt và giao khi người đi chợ thay tới nhận. Nếu người dùng thanh toán bằng tiền mặt, đơn vị cung ứng hàng hóa sẽ nhận tiền mặt từ người đi chợ thay. Nếu người dân thanh toán theo phương thức không dùng tiền mặt, đơn vị cung ứng hàng hóa sẽ nhận tiền hàng hoá qua tài khoản ngân hàng.

Đối với lực lượng đi chợ hộ, mỗi tổ công tác đặc biệt của phường/xã tạo lập một tài khoản người đi chợ thay, bao gồm tên, số điện thoại đầu mối liên hệ, email, tài khoản ngân hàng. 

Khi người dân đặt hàng trên Grab, cán bộ đi chợ thay sẽ nhận được thông báo qua ứng dụng và đến đơn vị cung ứng hàng hóa để nhận hàng hoá và giao cho người đặt theo đúng địa chỉ hiển thị. Mỗi cán bộ đi chợ thay có thể nhận và giao nhiều đơn hàng trong cùng một chuyến.

Về phía Grab, công ty cho biết sẽ phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước để hướng dẫn, hỗ trợ tạo tài khoản Grab cho lực lượng đi chợ thay và đơn vị cung ứng hàng hoá. Đồng thời cam kết miễn toàn bộ chi phí sử dụng ưng dụng đối với các đơn vị cung ứng hàng hoá và người dùng.

Grab đề xuất cơ quan quản lý cung cấp cho công ty danh sách và thông tin của lực lượng đi chợ thay để tạo lập tài khoản Người đi chợ thay (bao gồm tên đơn vị, số điện thoại, email, số tài khoản ngân hàng). Cung cấp cho Grab danh sách các Đơn vị cung ứng hàng hóa được phép hoạt động trong địa bàn thực hiện để Grab hỗ trợ tạo lập tài khoản (nếu có).

Ngoài ra, đơn vị logistic này cũng đề xuất cơ quan chức năng hỗ trợ tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân tại các khu vực thực hiện về việc sử dụng ứng dụng Grab để đặt mua lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu.

Lợi ích từ việc sử dụng nền tảng đi chợ hộ trên ứng dụng Grab

Trong văn bản gửi thành phố, Grab cho hay giải pháp đi chợ hộ trên ứng dụng của hãng thay cho phương án thủ công (lực lượng đi chợ thay phát và nhận đơn mua hàng bằng giấy của từng hộ gia đình, đảm nhiệm việc mua hàng, đối soát hàng hóa và thu, chi tiền mặt và giao hàng cho người dân), sẽ có các tác động tích cực.

Về phía cơ quan nhà nước, lực lượng chức năng, giải pháp này giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho lực lượng đi chợ thay mà vẫn đảm bảo cung ứng được nhu cầu về lương thực, thực phẩm và hàng hoá thiết yếu cho 33% nhu cầu của người dùng của toàn thành phố. Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ có dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý (số lượng hàng hoá, tần suất giao dịch, truy vết, v.v).

Đối với người dân, nhờ phương thức giao kết điện tử, ít nhất 1,9 triệu người dùng được phục vụ một cách an toàn nhờ giảm thiểu tiếp xúc vật lý. Việc giao dịch được thuận tiện, nhanh chóng và hiệu quả; được miễn hoàn toàn phí đặt hàng trên Ứng dụng; được đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày trong thời gian ở nhà tuân thủ giãn cách xã hội.

Đối với đơn vị cung ứng hàng hoá, giải pháp giúp tăng hiệu quả kết nối với người tiêu dùng; thuận tiện hơn trong quản lý đơn hàng, doanh thu; tiết kiệm thời gian; nâng cao hiệu quả kinh doanh; có cơ hội được tham gia vào chuyển đổi số trong vận hành thương mại (với đơn vị mới tham gia ứng dụng); miễn hoàn toàn phí giao dịch.

Đối với xã hội, Grab cho biết sẽ góp phần đảm bảo mục tiêu thực hiện hiệu quả giãn cách xã hội, an toàn cho người dân, phòng, chống dịch bệnh, trong khi vẫn đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu.

Hiện số lượng cửa hàng quy mô nhỏ chiếm hơn 95% tổng số đối tác thương mại đã đăng ký sử dụng ứng dụng Grab và chịu trách nhiệm cung ứng đến 89% nhu cầu đặt hàng qua ứng dụng. Do đó, việc huy động các cửa hàng này tiếp tục tham gia vào chuỗi cung ứng sẽ giúp đảm bảo không bị đứt gãy chuỗi cung ứng cho người dân tại vùng cam, vùng đỏ.

Dịch vụ đi chợ hộ GrabMart được Grab triển khai từ cuối tháng 3/2020 tại hai TP là Hà Nội và TP HCM nhằm hỗ trợ những nhu cầu mua sắm thiết yếu của người dân trong mùa dịch, giao hàng từ các cửa hàng thực phẩm, tạp hóa, siêu thị. Đặc biệt trong đó có vận chuyển một số mặt hàng không phải là đồ ăn.

Khác với quá trình mua hàng của Grab Food, đơn hàng GrabMart sẽ được chuyển trực tiếp đến máy nhận đơn tại các hệ thống, giảm bớt quá trình ghi nhớ đơn hàng và thanh toán thủ công. GrabMart hiện đã có mặt tại Indonesia, Thái Lan và Malaysia.

Là một dịch vụ sinh sau đẻ muộn so với Grab Bike, Grab Car hay gà đẻ trứng vàng Grab Food, thì GrabMart ít được người dùng biết tới hơn. Do đó, có thể thấy văn bản đề xuất của Grab không những đáp ứng được yêu cầu an sinh xã hội, chung tay cùng cơ quan chức năng trong việc phòng chống dịch bệnh mà nó còn mở ra cơ hội để hãng gọi xe công nghệ quảng bá dịch vụ mới, thu hút thêm nhiều người sử dụng hệ sinh thái của mình ngay giữa mùa dịch.

Thiên Trường