'Chạy trốn' khỏi Hong Kong, dân ngân hàng đụng độ suy thoái kinh tế, thuế cao
Sau động thái tăng cường kiểm soát Hong Kong với luật an ninh mới của Trung Quốc, cư dân tại đây rơi vào thế lưỡng nan, cân nhắc chuyện nên đi hay ở.
Qua nhiều năm cân nhắc những ưu, nhược điểm của việc rời bỏ Hong Kong, bà Lee, một nhân viên làm việc tại đây đã quyết định đánh liều chuyển đến Canada dù chưa có việc làm tại đất nước phương Tây. Đối mặt với mức thuế cao cùng thời tiết khắc nghiệt lần đầu, bà Lee trả lời với South China Morning Post (SCMP) rằng bà sẵn sàng mạo hiểm.
"Chắc chắn là tôi lo lắng về khả năng có việc ở Canada rồi. Nền kinh tế thì bi quan trong khi các công ty ngưng tuyển thêm người", bà Lee than thở, nhấn mạnh lúc này chắc chắn là thời điểm khủng khiếp nhất để di cư sang một nơi ở mới.
Đi hay ở đều không dễ dàng
Nền kinh tế toàn cầu chìm trong suy thoái kinh tế tồi tệ nhất sau gần một thế kỉ, việc làm ngày một khó tìm khi các quốc gia siết chặt biên giới vì đại dịch COVID-19.
SCMP cho biết dù các địa điểm được ưa chuộng nhất như Canada, Australia và Vương quốc Anh có thuế suất cao gấp ba lần, những kĩ năng, kinh nghiệm và mối quan hệ giúp thăng tiến tại xã hội Hong Kong sẽ không thể là hành trang cùng họ đến chân trời mới kiếm việc làm.
"Việc ai đó thành công ở Hong Kong khi làm một công việc nhất định không có nghĩa là họ được săn đón ở một quốc gia khác", ông John Mullally - Giám đốc vùng của Robert Walters – nhận định.
Chào đón luồng di cư từ Hong Kong là tỉ lệ thất nghiệp ở mức hai con số của Canada, trong khi Australia cũng gần nhảy lên đơn vị thứ hai.
Phụ trách tuyển dụng nhân lực phân khúc tài chính cho miền Nam Trung Quốc và Hong Kong, ông Mullally đồng tình giai đoạn này chính là thời gian tồi tệ nhất trong lịch sử để chuyển đến một đất nước mới và mong muốn có công ăn việc làm tại đó.
Ông Sam, một khách hàng của Robert Walters, là một trong những nhân viên ngân hàng đầu tư cấp cao ở Hong Kong, cho biết sắp chuyển cùng vợ và hai đứa con tới Australia trong ba tháng tới.
Dù gây dựng địa vị sau 20 năm sinh sống và làm việc tại Hong Kong, ông cho biết kiếm việc ở nơi ở mới không hề dễ dàng. Theo Sam tiết lộ, các chủ ngân hàng đầu tư ở Hong Kong thường thưởng nhiều hơn 50% so với ở Sydney.
Ở độ tuổi 43, ông Sam lo lắng có thể sẽ phải làm lại từ đầu ở Australia, thậm chí phải nhảy việc. Mức thuế thu nhập biên ở đây cao nhất khoảng 45%, cao hơn gấp ba lần so với mức 15% ở Hong Kong, đồng nghĩa với việc hầu bao của gia đình ông cũng thu hẹp đáng kể.
Làn sóng "chạy trốn" khỏi Hong Kong
Ngay cả với những rủi ro đi kèm với việc tái định cư, đặc biệt là khi đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại, nhu cầu tìm việc gia tăng trở lại. Hai năm trước, khoảng 80% ứng viên tìm đến ông Mullally muốn tìm việc làm tại Hong Kong, bây giờ khoảng 50% trong số này đang tìm cách làm việc ở nước ngoài.
Ông Mullally cho biết xu hướng này được thúc đẩy bởi luật an ninh mới, cùng với triển vọng công việc ảm đạm và nền kinh tế rơi vào cuộc suy thoái sâu sắc của chính Hong Kong.
"Thông điệp mà họ gửi gắm tôi là họ không còn cảm thấy Hong Kong là một lựa chọn tốt về lâu dài nữa, nhất là trên quan điểm nghề nghiệp và thu nhập", ông Mullally nói với SCMP.
Số người đăng kí xin cấp thẻ công dân tốt trung bình hàng tháng tại Hong Kong giai đoạn tháng 6/2019 - tháng 4/2020 là 2.935 người, giảm 50% so với cùng kì năm 2018-2019.
Do Hong Kong không công khai số liệu người nhập cư, thống kê đăng kí xin cấp thẻ công dân tốt thường được sử dụng thay thế vì để đủ điều kiện xét, công dân phải không có tiền án. Đồng thời, người nước ngoài muốn gia hạn visa ở Hong Kong cũng bắt buộc phải có giấy này trong hồ sơ.
Ông Rick Chung, nhà tuyển dụng nhân sự ngân hàng và tài chính của Randstad NV ở Hong Kong, tiết lộ dù số tiền các nhân viên ngân hàng tư nhân cấp cao tại đây kiếm được cao hơn khoảng 30% so với ở Australia, hiện mỗi tuần có khoảng 10-15 người tìm kiếm việc làm ở nước ngoài.
Hong Kong vẫn là nơi trả lương cao nhất cho nhân viên ngân hàng
Anh Leung, 38 tuổi, nhân viên cấp trung tại một ngân hàng sáp nhập và mua lại, hiện đang định hướng di cư sang London, Anh cùng đứa con trai ba tuổi.
Chưa có việc làm ở Anh, anh Leung nhận định dù mức lương tại đây có cao hơn 15% so với Hong Kong, anh phải trả gấp ba tiền thuế. Mặt khác, trong khi tiền nhà ở Hong Kong thuộc hàng đắt đỏ nhất thế giới, London cũng không hề kém cạnh.
"Tôi sẵn sàng từ bỏ mọi thứ tôi có ở Hong Kong để đánh đổi một tương lai tốt đẹp hơn cho con trai tôi, tôi sẵn sàng làm lại từ đầu", anh Leung chia sẻ với SCMP, nói thêm phần khó khăn nhất là bỏ bố mẹ của anh lại Hong Kong.
Song, bất chấp làn sóng di cư khỏi Hong Kong rầm rộ, vẫn có người chọn ở lại.
Ông Tang, 50 tuổi, nhân viên một ngân hàng đầu tư Mĩ, dù có trong tay tấm hộ chiếu Canada cho phép ông về hưu tại đó, ông quyết định ở lại Hong Kong thêm vài năm nữa cùng ba đứa con.
"Tôi phải nói rằng Hong Kong vẫn là Trung tâm tài chính nơi các nhân viên ngân hàng kiếm được tiền lương cao nhất", ông Tang nói với SCMP.