Các thương hiệu xa xỉ lớn dần chuyển dịch từ Hong Kong về Trung Quốc đại lục
Bất chấp những tác động tiêu cực lên nền kinh tế do COVID-19, các nhà phân tích nói rằng nhu cầu hàng cao cấp, xa xỉ của người Trung Quốc không giảm quá nhiều. Thực tế này đang thu hút nhiều thương hiệu lớn chuyển từ Hong Kong sang Trung Quốc đại lục.
Công ty tư vấn Bain ước tính người tiêu dùng Trung Quốc chiếm khoảng 35% trong tổng mức chi tiêu 317 tỉ USD vào các thương hiệu xa xỉ trên toàn cầu. Hầu hết giao dịch diễn ra tại các quốc gia nước ngoài hoặc tại Hong Kong.
Khi COVID-19 khiến hầu hết người Trung Quốc không thể di chuyển, một số nhà phân tích kì vọng họ sẽ mua nhiều sản phẩm xa xỉ hơn tại nước nhà.
"Tất cả các thương hiệu xa xỉ đều đang dịch chuyển theo hướng đó. COVID-19 thúc đẩy xu hướng nhưng thực tế nó đã diễn ra từ trước", Federica Levato, một nhà quản lí của Bain, chia sẻ.
Bain dự đoán tỉ trọng chi tiêu vào mặt hàng xa xỉ của người Trung Quốc sẽ tăng lên 50% trong 5 năm tiếp theo. Vào thời điểm đó, tỉ lệ mua sắm trong nước và nước ngoài sẽ được phân phối cân bằng.
Cộng hưởng với tác động từ những cuộc biểu tình tại Hong Kong hồi năm ngoái, nhiều thương hiệu xa xỉ bắt đầu đóng cửa tại thành phố và tìm cách mở rộng vào Trung Quốc đại lục thông qua cả cửa hàng vật lí và thương mại điện tử.
"Tương tự New York, Hong Kong là một trong những thành phố cao cấp xét trên tiêu chí số lượng cửa hàng, và đặt trong bối cảnh khách hàng đang chảy khỏi Hong Kong, các thương hiệu sẽ đánh giá lại mạng lưới của mình", ông Levato nói. Theo ông, số lượng cửa hàng tại Hong Kong sẽ giảm xuống.
Chính sách hỗ trợ từ Bắc Kinh
Chính phủ Trung Quốc đang triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ khách hàng Trung Quốc mua hàng xa xỉ ngay tại quê nhà.
Hôm 1/7, giới chức nâng hạn mức mua sắm không tính thuể lên 100.000 nhân dân tệ (14.285 USD) từ con số 30.000 nhân dân tệ. Trung Quốc cũng loại bỏ hạn mức mua sắm 8.000 nhân dân tệ mỗi sản phẩm khi mua sắm ở khu vực miễn phí tại Hải Nam.
Nhà phân tích ngành du lịch Chen Xin của UBS Securities China kì vọng mua sắm tại Hải Nam sẽ tăng gấp đôi lên mốc 28 tỉ nhân dân tệ trong năm nay so với cùng kì năm ngoái. Hôm 30/6, ông Chen Xin nói tăng trưởng chủ yếu đến từ nửa sau năm nay và dự kiến sẽ tăng lên mốc 38 tỉ nhân dân tệ trong năm 2021.
Ngay cả khi kinh tế Trung Quốc đang chững lại, ông Chen nhận định người tiêu dùng sẽ vẫn muốn mua các sản phẩm xa xỉ. Với hàng mỹ phẩm, một khi khách hàng đã mua từ các thương hiệu Châu Âu hay Mỹ, họ sẽ không quay lại sử dụng hàng Trung Quốc hay Châu Á.
"Nhu cầu hàng xa xỉ ở Trung Quốc đã phục hồi mạnh mẽ trong 1 – 2 tháng qua", Morgan Stanley nhận định trong một báo cáo phát hành hôm 7/7. Theo Morgan Stanley, hầu hết các thương hiệu nổi tiếng (LV, Gucci, Cartier, Chanel, Dior...) đón tăng trưởng 40% đến 90% trong thời điểm đầu tháng 6.
Thương hiệu xa xỉ cũng bán hàng trực tuyến
Các thương hiệu xa xỉ cũng đang thực hiện bán hàng trên các kênh trực tuyến với tốc độ tăng trưởng cao ở Trung Quốc. Giới phân tích nói chiến lược này quan trọng ở các thành phố kém phát triển hơn và nằm bên ngoài các siêu thành phố như Bắc Kinh hay Thượng Hải.
"Nhiều người đến Hong Kong từ Trung Quốc đại lục vì thành phố của họ không có các cửa hàng bán đồ xa xỉ", Imke Wouters, đối tác mảng bán lẻ và hàng tiêu dùng của Oliver Wyman, nói. Theo ông, livestream và kênh trực tuyến là hai cách các thương hiệu xa xỉ có thể dùng để tiếp cận nhóm khách hàng đó.
Wouters vẫn cho rằng chi tiêu cho hàng xa xỉ của người Trung Quốc sẽ tăng trưởng âm trong năm nay, song chi tiêu ở thị trường nội địa sẽ tăng trưởng, chủ yếu bởi số liệu các năm trước đó cũng không cao.
Kuaishou, ứng dụng video ngắn và livestream, nói rằng Secoo, nhà bán lẻ hàng xa xỉ trực tuyến, đã bán thu về 105 triệu nhân dân tệ giá trị hàng hóa trong 5 giờ nhờ một phiên livestream hôm 7/6.
"Dần dần, chúng ta sẽ thấy các thương hiệu cao cấp của nước ngoài sẽ mở các cửa hàng chính thức trên Tmall, Douyin, WeChat", Jialu Shan, nhà kinh tế học tại Viện Quản trị Phát triển Quốc tế, nhấn mạnh.
"Cách các thương hiệu cao cấp tương tác với khách hàng đang thay đổi", bà nói thêm và cho rằng livestream không chỉ là một kênh bán hàng mà còn là một phần quan trọng trong hành trình trải nghiệm. Theo bà, livestream có thể là một hình thức marketing kể chuyện hoặc là một kênh giao tiếp với khách hàng.