Hong Kong không còn là chỗ trú an toàn giữa cơn bão Mỹ-Trung
Cho đến gần đây, Hong Kong vẫn còn là một thành phố có chính trị ổn định tại châu Á. Nhưng hiện giờ, Hong Kong lại đang bị kìm chặt trong sự mơ hồ về pháp lí, gây nguy hiểm tới vị thế trung tâm tài chính quốc tế của đặc khu này.
Luật an ninh quốc gia mà Trung Quốc áp đặt lên Hong Kong ngày 30/6 đã bắt đầu thay đổi cục diện kinh doanh tại nơi đây.
Các hãng công nghệ khổng lồ như Google và Facebook ngừng cung cấp dữ liệu theo yêu cầu của chính quyền thành phố.
Giới ngân hàng vật lộn tìm cách tuân thủ theo các qui định mâu thuẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc. Đến cả nhân viên ngân hàng nội địa cũng bị sốc khi Trung Quốc áp thuế thu nhập lên tới 45%, cao hơn nhiều so với thuế suất 15% trước đây.
Hôm 14/7, Tổng thống Donald Trump đã tước bỏ các đặc quyền của Hong Kong. Như vậy, Hong Kong sẽ không còn được hưởng các ưu đãi so với Trung Quốc như nhập khẩu công nghệ nhạy cảm. Ông Trump cũng kí đạo luật trừng phạt các ngân hàng làm ăn với các quan chức Trung Quốc có liên quan tới việc thực thi luật an ninh quốc gia Hong Kong.
Hong Kong đang bị mắc kẹt trong cuộc đối đầu giữa ông Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình.
"Các biện pháp của Mỹ cùng với luật lệ Bắc Kinh áp đặt lên Hong Kong đang nhanh chóng biến đổi Hong Kong từ trung tâm tài chính quốc tế mở, ổn định thành vùng đất nằm ngay trong tuyến đầu của cuộc xung đột địa chính trị đang leo thang nhanh chóng", ông Antony Dapiran, một luật sư tại Hong Kong cho biết.
Sau thông báo trừng phạt của ông Trump, Trung Quốc ngay lập tức de dọa sẽ trả đũa bằng các biện pháp mạnh mẽ nhắm vào quan chức và tổ chức Mỹ.
Chính quyền Hong Kong cũng tuyên bố động thái của Mỹ sẽ gây ra "thiệt hại vô cùng lớn cho doanh nghiệp và công dân Mỹ" và cho biết "sẽ hoàn toàn hỗ trợ chính phủ trung ương để đối phó lại".
Trong vòng 12 tháng qua, chỉ số Hang Seng đã sụt giảm 11% còn Chỉ số thế giới của MSCI tăng 2,8%.
Nhiều khả năng việc bị Mỹ tước bỏ đặc quyền sẽ không gây tác động quá lớn tới thương mại Hong Kong, do phần lớn các chuyến hàng từ Hong Kong tới Mỹ bao gồm các mặt hàng hoặc dịch vụ tái xuất khẩu mà không có sự thay đổi đáng kể.
Tuy nhiên, rạn nứt rõ rệt trong quan hệ Mỹ-Trung trong vài tháng qua cho thấy trong tương lai Hong Kong vẫn sẽ tiếp tục phải đương đầu với nhiều biến động.
Ông Tommy Wu, nhà kinh tế cao cấp tại Oxford Economics cho biết: "Sự bất ổn do hành động của Mỹ tạo ra sẽ tác động đến quyết định đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài tại Hong Kong và làm tổn thương tiềm năng phát triển của thành phố".
Căng thẳng "không có đáy"
Một thước đo cho niềm tin là dòng vốn cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá cao Hong Kong. Các chỉ số chính cho thấy tiền tiếp tục chảy về Hong Kong thay vì rời đi.
Từ đầu năm tới nay, các nhà đầu tư Trung Quốc đại lục đã mua ròng 356 tỉ HKD (46 tỉ USD) cổ phiếu Hong Kong, một kỉ lục khi so với cùng kì các năm trước, theo dữ liệu Bloomberg tổng hợp. Tốc độ mua vào cổ phiếu cũng tăng lên trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, các điều khoản với phạm vi cực kì rộng của luật an ninh mới đã khiến cư dân Hong Kong vội vã xóa tài khoản mạng xã hội, các chủ doanh nghiệp gỡ bỏ áp phích ủng hộ dân chủ, doanh nghiệp nước ngoài tính đến chuyện di chuyển tài sản và vốn sang nơi khác vì gặp khó trong việc tìm kiếm nhân tài.
Mọi chuyện sẽ còn tệ hơn nếu ngân hàng và các tổ chức tài chính phải chịu trừng phạt theo Luật Tự trị Hong Kong mà ông Trump kí ngày 14/7.
Ông Willy Lam, một trợ lí giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc của Đại học Hong Hong cho biết dù Bắc Kinh phản ứng lại, hành động của Mỹ vẫn sẽ làm tổn thương đến danh tiếng của Hong Kong trên thị trường tài chính và giảm bớt sức hấp dẫn của thành phố
Ông Lam nói: "Có thể nhiều doanh nghiệp Mỹ sẽ không muốn làm ăn tại Hong Kong nữa. Họ có thể chuyển sang Thượng Hải hoặc các trung tâm tài chính khác tại châu Á như Singapore".
Bất chấp hàng loạt các tin xấu với Hong Kong, trong tuần này ông Trump vẫn ca ngợi thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một. Ông Trump cũng loại trừ các biện pháp quyết liệt có thể chấm dứt cơ chế neo tỉ giá của đồng đô la Hong Kong với USD.
Có rất ít hi vọng tình hình của Hong Kong sẽ được cải thiện kể cả sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11. Ông Richard McGregor, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Lowy cho biết nếu đắc cử, ông Joe Biden nhiều khả năng vẫn sẽ giữ nguyên các biện pháp trừng phạt cứng rắn mà ông Trump đã thông qua.
Ông McGregor nói: "Quan hệ Mỹ-Trung không thể chạm đáy vì vốn dĩ không có cái đáy nào cả. Chúng ta liên tục chứng kiến mối quan hệ này ngày càng xuống dốc".