Mỹ tính đến đòn đánh mới vào hệ thống tài chính Hong Kong
Theo tin từ Bloomberg, các cố vấn của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra đề xuất chấm dứt cơ chế neo tỉ giá giữa HKD và USD, có thể là bằng cách hạn chế khả năng mua USD của các ngân hàng Hong Kong.
Phá hủy cơ chế tỉ giá này được coi là một đòn đánh mạnh để trả đũa Trung Quốc vì áp dụng luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong.
Ý tưởng này chỉ được thảo luận ở cấp Bộ Ngoại giao và chưa được đưa lên cấp cao hơn tại Nhà Trắng nhưng cũng đã gây ra không ít lo ngại cho nhà đầu tư và các ngân hàng, có thể khiến Hong Kong mất đi vai trò trung tâm tài chính toàn cầu.
1. Cơ chế neo tỷ giá HKD/USD là gì?
Cơ quan tiền tệ Hong Kong (HKMA), đơn vị tương đương ngân hàng trung ương của đặc khu hành chính này, cam kết giữ cho giá trị đồng HKD ở khoảng 7,75 – 7,85 HKD đổi một USD.
Khoảng tỷ giá này được xác định vào năm 2005, thường xuyên bị thử thách nhưng chưa khi nào bị phá vỡ. Khi tỷ giá gần chạm mức trần hoặc sàn, HKMA sẽ can thiệp bằng cách mua vào hoặc bán ra đồng HKD để bình ổn tình hình.
2. Tại sao cần giữ cơ chế neo tỷ giá?
Trước hết, chính sách neo giữ tỷ giá này được coi là nền tảng của sự ổn định tài chính cũng như toàn bộ nền kinh tế Hong Kong. Các nhà đầu tư đổ tiền vào Hong Kong vì đồng HKD tương đối an toàn và dễ chuyển đổi – đây chính là nhân tố đưa Hong Kong trở thành một trung tâm tài chính thế giới. Phá vỡ cái neo tỷ giá sẽ khiến vị thế của Hong Kong trong nền kinh tế toàn cầu bị đe dọa.
3. Mối đe dọa đối với cơ chế tỷ giá hiện nay là gì?
Chính là nhân tố chính trị. Hồi tháng 5 Trung Quốc tuyên bố sẽ áp dụng luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong, chính quyền Tổng thống Trump đã tuyên bố thành phố này không còn đủ quyền tự trị để được Mỹ đối xử đặc biệt so với Trung Quốc đại lục.
Loạt đạn đầu tiên từ phía Mỹ là hạn chế visa đối với một số quan chức Trung Quốc, dừng xuất khẩu một số mặt hàng như thiết bị quốc phòng và công nghệ nhạy cảm sang Hong Kong. Các công cụ với sức công phá lớn hơn như thuế quan xuất nhập khẩu có thể cũng sẽ được áp dụng.
Việc phá vỡ neo tỷ giá HKD/USD thường được ví như "vũ khí hạt nhân".
4. Tại sao phá vỡ neo tỷ giá lại gây thiệt hại khủng khiếp?
Nếu chính quyền Tổng thống Trump hạn chế khả năng mua USD của HKMA, Hong Kong sẽ không thể duy trì giá trị đồng HKD với USD. Nhiều khả năng nhà đầu tư sẽ rút tiền ra khỏi Hong Kong và càng tăng thêm áp lực đối với đồng HKD.
Trung Quốc đại lục kiểm soát chặt chẽ dòng vốn nhưng Hong Kong thì để vốn ra vào tự do. Nếu đồng HKD sụp đổ, tài sản lớn nhỏ của nhà đầu tư đều sẽ tiêu tan.
5. Liệu Mỹ có làm thật không?
Theo Bloomberg, việc phá bỏ cơ chế neo tỷ giá bằng cách hạn chế ngân hàng Hong Kong mua USD chỉ được bàn bạc qua ở cấp Bộ Ngoại giao Mỹ. Nhiều quan chức lo ngại biện pháp này sẽ gây tổn hại cho ngân hàng Hong Kong và nước Mỹ chứ không ảnh hưởng Trung Quốc đại lục.
Ông Eddie Yue – Tổng Giám đốc Cơ quan Tiền tệ Hong Kong (HKMA) goi việc phá vỡ cơ chế neo tỷ giá là một kịch bản "ngày tận thế" và có thể gây tác hại ngược lại phía ông Trump.
"Hệ thống tài chính Hong Kong liên kết chặt chẽ với nền kinh tế và mạng lưới tài chính thế giới, bất kì cú sốc nào tác động tới hệ thống tài chính của chúng tôi cũng sẽ gây ra thiệt hại trên toàn thế giới, bao gồm nước Mỹ", ông Eddi Yue nói.
"Sự tin tưởng của nhà đầu tư quốc tế vào đồng USD và nắm giữ tài sản Mỹ cũng có thể bị suy giảm".
6. Mọi người có cần lo lắng không?
Các quan chức của HKMA khẳng định là không. HKMA hiện có 430 tỉ USD dự trữ ngoại hối. Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) cũng có thể cung cấp USD nếu Washington áp đặt biện pháp hạn chế lên thành phố, Bộ trưởng Tài chính Hong Kong Paul Chan cho biết. Trung Quốc có kho dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới với giá trị trên 3.000 tỉ USD.
7. Hong Kong có thể neo tỷ giá HKD với đồng Nhân dân tệ (NDT) thay cho USD được không?
Cơ quan Tiền tệ Hong Kong (HKMA) tuyên bố là không. Hiện nay USD vẫn được coi là "đồng tiền neo giữ phù hợp nhất" vì USD có thể được chuyển đổi dễ dàng và giao dịch tự do trên thị trường ngoại hối. Đồng Nhân dân tệ không có ưu điểm này.
USD còn được dùng làm đồng tiền dự trữ quốc tế và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thường thực hiện tốt cam kết ổn định giá trị USD. Thêm vào đó, HKMA cho rằng chu kì kinh tế của Hong Kong vẫn "hòa nhịp" với Mỹ hơn là với Trung Quốc đại lục.
8. Nhân tố nào làm thay đổi giá trị HKD?
Thường là lãi suất, đặc biệt là khi lãi suất tại Hong Kong không biến động cùng với lãi suất tại Mỹ. Chẳng hạn, khi Hibor (lãi suất liên ngân hàng Hong Kong) duy trì ở mức cao khi Fed đã hạ chi phí vay, HKD sẽ trở nên hấp dẫn hơn và giá trị tăng lên.
Từ khoảng tháng 3/2020 đến nay, chênh lệnh giữa Hibor và Libor (lãi suất quốc tế của đồng USD) đang ở mức lớn nhất tính từ năm 1999, giúp đưa tỷ giá lên gần 7,75 HKD/USD lần đầu tiên kể từ đầu năm 2016.
Tháng 4/2020, HKMA đã phải bán USD dự trữ để ổn định tỷ giá.