|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc lan tràn trên mọi mặt trận

20:09 | 09/07/2020
Chia sẻ
Cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc không dừng lại ở lĩnh vực thương mại mà đang lan sang những mặt trận mới và không thể đoán trước, nhấn chìm mọi thứ từ ứng dụng video TikTok cho đến vị thế trung tâm tài chính quốc tế của Hong Kong.
Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc lan rộng từ thương mại sang nhiều mặt trận khác - Ảnh 1.

Cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc giờ không chỉ còn bó hẹp trong lĩnh vực thương mại. Ảnh: Forbes

Căng thẳng mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc đang làm lu mờ thỏa thuận thương mại được kí kết vào tháng 1/2020. Sự kiện này từng được kì vọng sẽ giúp hai nước tạm đình chiến trên mặt trận thương mại và trấn an giới doanh nghiệp. Tuy nhiên, những bất đồng chia rẽ hai siêu cường lại ngày càng trở nên sâu sắc.

Trong tuần này, Tổng thống Donald Trump cho biết ông đang cân nhắc cấm TikTok để trả đũa cách Trung Quốc xử lí COVID-19. Một số cố vấn cấp cao của ông Trump còn muốn Mỹ gây sức ép lên hệ thống neo tỷ giá của Hong Kong để trừng phạt việc Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia tại đặc khu tài chính này. 

Những người chỉ trích đang cáo buộc luật an ninh mới làm tổn hại tới quyền tự do của người dân Hong Kong. 

Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc lan rộng từ thương mại sang nhiều mặt trận khác - Ảnh 2.

Cảnh sát chống bạo động Hong Kong bắt giữ một người biểu tình. Ảnh: Bloomberg

Về phần mình, Trung Quốc "hứa hẹn" sẽ có những động thái đáp trả, cảnh báo Mỹ và các nước khác ngừng can thiệp vào Hong Kong và vấn đề nội bộ của nước này.

Ông Pauline Loong, Giám đốc điều hành hãng nghiên cứu Asia Analytica nhận xét: "Kỉ Băng Hà đối với quan hệ Mỹ - Trung sẽ còn kéo dài. Mọi thứ sẽ còn lạnh lẽo hơn nhiều".

Sự chia rẽ giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới khiến giới doanh nghiệp toàn cầu phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn. Facebook, Google và Twitter vốn đã bị Trung Quốc đại lục cấm từ trước, giờ có nguy cơ phải chịu chung số phận tại Hong Kong.

Theo Bloomberg, chỉ vài tiếng sau khi Hong Kong công bố những thẩm quyền mới để kiểm soát Internet hôm 5/7, cả ba công ty trên và một số hãng công nghệ lớn như Microsoft và Zoom đã từ chối cung cấp dữ liệu cho chính quyền thành phố.

Hiện vẫn chưa rõ Hong Kong sẽ phản ứng thế nào trước động thái không hợp tác của giới công ty công nghệ Mỹ.

TikTok - ứng dụng mạng xã hội có công ty mẹ ở Trung Quốc thông báo sẽ rút lui khỏi thị trường Hong Kong.

Giá cổ phiếu HSBC sụt giảm trong phiên giao dịch ngày 8/7 do nhà đầu tư lo ngại chính quyền ông Trump sẽ trừng phạt các ngân hàng ở Hong Kong và gây sức ép lên hệ thống neo tỷ giá giữa đồng USD và đô la Hong Kong. Theo Bloomberg, 2/3 lợi nhuận trước thuế của HSBC đến từ Hong Kong.

Có vẻ những đe dọa ăn miếng trả miếng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ càng thêm trầm trọng, ít nhất là cho đến khi Mỹ tổ chức bầu cử vào tháng 11.

Ông Fraser Howie, một cây bút thường xuyên cộng tác với CNBC, BloombergBBC cho biết: "Không có bất kì dấu hiệu nào cho thấy căng thẳng giữa hai nước sẽ chấm dứt ngay lập tức. Chắc chắn trong tương lai gần không bên nào sẽ mở lời theo kiểu "những chuyện này thật ngu ngốc, chúng ta hãy quay lại làm bạn tốt với nhau"".

Trung Quốc gây sự với nhiều nước

Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc lan rộng từ thương mại sang nhiều mặt trận khác - Ảnh 3.

Binh sĩ Ấn Độ bảo vệ biên giới. Ảnh: Getty Images

Ấn Độ đã ra lệnh cấm 59 ứng dụng ứng dụng - chủ yếu là của Trung Quốc nhằm trả đũa cuộc đụng độ biên giới giữa hai nước khiến 20 binh sĩ nước này thiệt mạng.

Trung Quốc cảnh báo Anh sẽ phải chịu "hậu quả" nếu trở thành một "đối tác thù địch" sau khi Anh xem xét loại bỏ Huawei khỏi mạng 5G nước này ngay trong năm nay.

Từ tháng 4, Trung Quốc đã đánh thuế quan cao ngất đối với lúa mạch Australia, ngừng nhập khẩu thịt bò từ 4 nhà máy lớn nhất Australia, kêu gọi du học sinh và khách du lịch đừng tới nước này. Trước đó Australia đã kêu gọi mở cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc COVID-19.

Dù các nhà kinh tế nói rằng có rất ít khả năng Mỹ sẽ thực sự chấm dứt cơ chế neo tỷ giá của đô la Hong Kong vào USD, chỉ riêng những cuộc thảo luận xoay quanh chủ đề này cũng đã đủ khiến nhà đầu tư run sợ.

Kevin Lai, nhà kinh tế trưởng về khu vực châu Á tại Daiwa Capital Markets cho biết: "Chấm dứt cơ chế neo tỷ giá của đô la Hong Kong vào USD là động thái có sức công phá rất lớn, có thể đẩy Hong Kong vào khủng hoảng tài chính và gây ra thiệt hại đáng kể tới nhà đầu tư và ngân hàng Mỹ. Chúng tôi nghĩ khả năng kịch bản này xảy ra là rất thấp".

Bà Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á Thái Bình Dương của ngân hàng đầu tư Natixis SA nói với Bloomberg: "Cơn lốc những lời đe dọa giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không biến mất cho đến ít nhất là cuộc bầu cử tổng thống cuối tháng 11. Thậm chí nhiều khả năng nó sẽ tiếp tục tồn tại, chỉ khác là có hình thức mới".

Giang

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.