Chạy đua 'lên đời' siêu ứng dụng
Hơn một năm xuất hiện ở Việt Nam, xu hướng làm siêu ứng dụng (super-app), tức một ứng dụng cung cấp nhiều dịch vụ thiết yếu, tiếp tục nở rộ. Nhiều đơn vị đang tăng tốc trong giai đoạn nửa cuối năm nhằm sớm thành một 'siêu ứng dụng' thật sự, chiếm được thị phần trước khi thị trường bước sang giai đoạn đào thải.
Sau thời gian im hơi lặng tiếng với số dịch vụ không đổi, điều chỉnh nhân sự cấp cao và gần đây nhất là đợt đình công của hàng trăm tài xế tại TP HCM, Go-Viet đã quay lại đường đua siêu ứng dụng.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục không ngừng hoàn thiện và đổi mới các giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người dân Việt Nam" - bà Lê Diệp Kiều Trang - Tổng giám đốc Go-Viet tuyên bố dịp ứng dụng này tròn một năm vận hành.
Theo chia sẻ mới nhất, Go-Viet đang có 125.000 đối tác tài xế, hoàn thành 100 triệu chuyến xe, tăng trưởng hơn 400% số lượng đơn đặt hàng trong 12 tháng hoạt động. Riêng mảng giao thức ăn tăng trưởng 25-35% mỗi tháng.
"Go-Viet hướng tới trở thành một "super-app" (siêu ứng dụng) dành cho Việt Nam, theo mô hình đang rất thành công mà tập đoàn liên kết Go-Jek đang triển khai ở Indonesia, một thị trường có điều kiện kinh tế, xã hội và đặc điểm dân số tương đồng với Việt Nam", công ty khẳng định.
Các ứng dụng gọi xe, gọi thức ăn, ví điện tử và trò chuyện có nhiều khả năng trở thành siêu ứng dụng tại Việt Nam. Ảnh: Viễn Thông
Trước đó, chỉ mới đầu tháng 8, 'be' cũng đã sẵn sàng tăng tốc cuối năm bằng hai dịch vụ giao hàng là beExpress và beDelivery. Thêm mảng này, hệ sinh thái Be Group đang có vận tải (beBike và beCar), giao nhận hàng hóa (beExpress và beDelivery) và dịch vụ tài chính (beFinancial). Việc sớm triển khai giao đồ ăn (beFood) cũng đã được đề cập.
"Ngay từ khi thành lập, 'be' luôn xác định là đơn vị mang đến những giải pháp liên kết, giúp đơn giản hóa những phức tạp trong cuộc sống thường ngày và trở thành cầu nối giữa mọi khách hàng và người cung cấp dịch vụ", ông Trần Thanh Hải – Tổng giám đốc Be Group nêu. Hiện 'be' có khoảng 40.000 tài xế và đã hoàn thành 20 triệu chuyến xe từ khi ra mắt cuối năm 2018.
Nhân tố thứ ba đang tích cực tham gia đường đua 'siêu ứng dụng' có phần bất ngờ. Trong khi Zalo sở hữu nhiều tiền đề để thành 'siêu ứng dụng', tương tự như cách của WeChat tại Trung Quốc lại chưa có động thái nào mới. Thay vào đó, MoMo đi lên từ một ứng dụng tài chính, đã nhắc đến tham vọng thành siêu ứng dụng trong cuộc gặp với truyền thông hồi đầu tháng.
Ông Nguyễn Mạnh Tường - Phó chủ tịch MoMo nói Google Play Store, Apple App Store gần đây "không biết xếp MoMo vào lĩnh vực nào". MoMo ban đầu là ứng dụng tài chính nhưng đã phát triển nhiều tính năng bên trong. Mới nhất, ứng dụng này còn làm cả gameshow.
"MoMo đã từng cho tiền người dùng mới để họ sử dụng dịch vụ nhưng họ không xài. Từ đó, chúng tôi nghĩ nên thêm một chút giải trí thú vị để thu hút người dùng", ông Tường ví von MoMo là ứng dụng công-tài-trí (công nghệ - tài chính - giải trí).
Trước hàng loạt động thái từ các đối thủ, Grab - đơn vị mang khái niệm 'siêu ứng dụng' vào Việt Nam và tích cực quảng bá cho nó - đã nhanh chóng 'tiếp chiêu'. Grab chọn cách bứt tốc và gia tăng khoảng cách bằng cách mới. Nền tảng này tung ra tính năng Gói hội viên, tức dịch vụ trả trước cho các hoạt động di chuyển, ăn uống và giao hàng, với mức tiết kiệm đến 50% so với giá trị thực.
Để đẩy tần suất sử dụng dịch vụ thanh toán, Grab quy định người dùng phải thanh toán thông qua ví Moca. Người dùng các nền tảng số vốn thích tiện lợi và sự tiết kiệm. Do đó, hình thức này về cơ bản là cách để giữ khách hàng trung thành khi các nền tảng khác liên tục mời gọi.
Ở Việt Nam và cả Đông Nam Á, không phải nền tảng nào cũng dùng thuật ngữ ‘siêu ứng dụng’ để nói đến tầm nhìn bản thân. Nhưng về bản chất, việc phát triển ứng dụng đa tính năng đang là hướng đi chung. Bởi lẽ, các dịch vụ cốt lõi để phát triển lượng người dùng, đơn cử như gọi xe, có biên lợi nhuận thấp, hoặc lỗ. Vì thế, các nền tảng cần đa dạng nguồn thu để tối ưu giá trị thu được từ một người dùng.
"Rất khó để kiếm được lợi nhuận tốt từ mảng gọi xe, nhưng nó tạo ra các giao dịch tần suất cao. Trong khi đó, giao đồ ăn có triển vọng tốt về lợi nhuận và sự kết hợp cả hai tạo tiền đề tốt cho dịch vụ thanh toán", Giáo sư Nitin Pangarkar của Trường Kinh doanh NUS (Singapore) từng bình luận về các siêu ứng dụng ở Đông Nam Á.
Việc trở thành siêu ứng dụng cũng là cách để xây dựng dữ liệu lớn (Big Data) trong bối cảnh dữ liệu được ví như dầu mỏ của kỷ nguyên số và kinh doanh dữ liệu là lĩnh vực đầy hấp dẫn. Người dùng càng sử dụng ứng dụng thường xuyên, với nhiều dịch vụ khác nhau thì dữ liệu về bản thân họ càng lớn, đầy đủ và toàn diện.
Càng giàu có dữ liệu, công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) của nhà vận hành có thể phân tích, dự đoán về năng lực tài chính, thói quen, hành vi...của chính người dùng chính xác hơn, nhằm đưa ra giải pháp tiếp thị, tư vấn, ưu đãi và duy trì độ trung thành hiệu quả.
"Các siêu ứng dụng sẽ mang lại cho chủ sở hữu dư địa khổng lồ để phát triển. Còn trong ngắn hạn, nó sẽ đòi hỏi rất nhiều đầu tư. Vì thế, vai trò của vốn là rất quan trọng", Giáo sư Pangarkar bình luận.
Trong cuộc đua giữa các nền tảng, Trung Quốc từng có khá nhiều siêu ứng dụng trước khi đi vào ổn định với WeChat và AliPay. Tại Việt Nam, thị trường đang ở giai đoạn đầu với ‘trăm hoa đua nở’. Theo đó, các ứng dụng vẫn phải tích cực ra sức để tồn tại lâu dài trên màn hình điện thoại người dùng.