Châu Á - Thái Bình Dương trước nguy cơ bùng phát COVID-19 đợt 2
Những biện pháp kiểm soát chặt chẽ người nước ngoài đặt chân đến khu vực đang được siết chặt. Từ những nước được coi là đã kiểm soát được dịch bệnh đến quốc gia đang bùng phát đều lo ngại trước những ca “nhập cảnh” từ nước ngoài.
Cuộc chiến chống Covid-19 tại châu Á-Thái Bình Dương hiện được nhìn từ hai phía. Một là các nước Đông Á và châu Đại dương, những nước từng chịu tác động nặng nề nhất của dịch bệnh và còn lại là Đông Nam Á, với số ca mắc đang gia tăng đáng lo ngại.
Tính đến hết ngày hôm qua, số ca mắc Covid-19 tại châu Á đã vượt qua con số 95.000 người, chiếm tới 1/3 số ca mắc bệnh trên toàn thế giới.
Tại những nước mà dịch bệnh dường như đã được kiểm soát như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Singapore, thì chính quyền nhiều nước lại đang phải đối mặt với giai đoạn lây nhiễm thứ 2, đặc biệt liên quan tới những người trở về từ nước ngoài hay còn gọi là các ca nhiễm “nhập cảnh”.
Là ổ dịch chính tại châu Á, trong liên tiếp những ngày gần đây, Trung Quốc thông báo không có thêm ca lây nhiễm trong nước, nhưng số bệnh nhân từ nước ngoài lại tăng nhanh, với hơn 30 người mỗi ngày.
Chính quyền Bắc Kinh đã cho mở lại một số bệnh viện từng được sử dụng để điều trị cho các bệnh nhân SARS hồi 2002-2003 để theo dõi những trường hợp này.
Chuyên gia dịch tễ Ngô Tôn Hữu thuộc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc cho rằng: "Tuyến phòng thủ đầu tiên là lối vào biên giới. Bất kỳ ai đi qua hải quan đều sẽ phải đo nhiệt độ và điền vào tờ khai báo du lịch trong 14 ngày qua.
Quá trình này có thể sàng lọc khoảng 1/3 số ca mắc nhập cảnh. Tuyến phòng thử thứ 2 là áp dụng thời gian cách ly 14 ngày đối với tất cả những người trở về từ nước ngoài và người nước ngoài trên cả nước.
Biện pháp này có thể giúp phát hiện khoảng 2/3 trường hợp. Và thứ 3 là vai trò của các lực lượng y tế. Chúng tôi tự tin có thể ngăn chặn được đại dịch.”
Tại Đặc khu hành chính Hong Kong, dù giai đoạn tồi tệ nhất của dịch bệnh đã qua, song số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong tuần qua đã tăng lên gần gấp đôi.
Chính quyền Singapore đã ban hành lệnh cấm khách du lịch ngắn hạn tới quốc gia đông dân này sau khi chứng kiến sự gia tăng của số ca “nhập cảnh”, đưa tổng số ca mắc bệnh lên 432 người.
Sau khi đóng cửa biên giới với những người không thuộc diện cư trú và người nước ngoài, Australia, với 1.300 ca lây nhiễm đã yêu cầu người dân hủy những chuyến đi không cần thiết ngay ở trong nước.
Trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc tiếp tục giảm trong những tuần qua, thì những nước Đông Nam Á lại đang chứng kiến những con số ngày một nặng nề hơn.
Thái Lan hôm qua ghi nhận số ca nhiễm mới tăng đột biến. Người phát ngôn Bộ Y tế Thái Lan Taweesin Wisanuyothin cho biết: “Chúng vừa ghi nhận thêm 188 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại Thái Lan từ 412 lên 599.
Trong số các ca nhiễm mới, 1/3 là những người tiếp xúc với những bệnh nhân từ các cụm dịch cũ.”
Nhiều nước đã siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch trong nước, đóng cửa trường học, doanh nghiệp và đặc biệt là hạn chế việc tụ tập đông người. Malaysia là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á tuyên bố phong tỏa toàn quốc trong 2 tuần (từ ngày 18/3).
Nước này thậm chí còn điều động quân đội để đảm bảo lệnh phong tỏa được thực thi nghiêm do vẫn còn ghi nhận nhiều người dân không chấp hành.
Thủ đô Jakarta của Indonesia cũng ngừng cấp giấy phép các sự kiện tập trung đông người.
Chính quyền nước này hôm 19/3 đã mạnh tay dừng một sự kiện tôn giáo tập trung hơn 8.500 tín đồ trong nước và từ các nước châu Á, Trung Đông đổ về Gowa, tỉnh Nam Sulawesi, sau khi không thể thuyết phục nhóm này hủy sự kiện. Những người đã có mặt tại sự kiện này đều sẽ bị cách ly.
Tổ chức Y tế Thế giới đã kêu gọi khu vực Đông Nam Á đấu tranh quyết liệt với dịch bệnh, đồng thời lo ngại hệ thống y tế yếu ở một số nước trên thế giới có thể trở nên quá tải.
Đặc biệt, tại Ấn Độ, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, chính quyền nước này hiện đang áp dụng nhiều biện pháp như đóng cửa biên giới, tăng cường kiểm tra đối với khách du lịch khi nhập cảnh và tìm kiếm những người cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, với quy mô diện tích và mật độ dân số quá đông (thậm chí là gấp hơn 2 lần so với Trung Quốc), thì dịch bệnh một khi bùng phát mạnh sẽ rất khó kiểm soát. Cho đến thời điểm hiện tại, quốc gia Nam Á với 1,3 tỷ dân đã xác nhận có 320 ca mắc Covid-19.
Theo Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Y tế Thế giới Poonam Khetrapal Singh, trong bối cảnh nhiều cụm lây nhiễm trong cộng đồng đang được xác nhận, thì việc tăng cường các biện pháp dập dịch, bao gồm truy vết và mở rộng xét nghiệm hiện là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách nhất.