Châu Á có thể nắm giữ 1/4 tài sản của thế giới vào năm 2026
Giá trị tài sản trên thế giới đã tăng 10,6% vào năm ngoái, đạt mức cao kỷ lục 530.000 tỷ USD. Trang Bloomberg dự báo rằng giá trị tài sản trên toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trong năm nay, bất chấp những ảnh hưởng từ lạm phát và xung đột tại Ukraine.
Theo báo cáo của Boston Consulting Group, thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ và nhu cầu về tài sản thực như bất động sản, rượu vang và nghệ thuật đã thúc đẩy sự gia tăng giá trị của các loại tài sản trên toàn cầu. Boston Consulting Group cũng đưa ra dự đoán rằng khoảng 80.000 tỷ USD giá trị tài sản của cải vật chất mới có thể được tạo ra trong vòng 5 năm tới.
Anna Zakrzewski, lãnh đạo toàn cầu bộ phận quản lý tài sản của tập đoàn BCG cho biết: “Sự gia tăng giá trị tài sản của cải vật chất có khả năng phục hồi đáng kể trong năm nay, ngay cả trong bối cảnh bất ổn địa chính trị, tốc độ tăng trưởng sẽ vẫn được giữ ở mức tích cực”.
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ là nơi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, sở hữu giá trị tài sản sẵn sàng tăng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 8,4% cho đến năm 2026. Nếu tốc độ đó được duy trì, khu vực này sau đó có thể sở hữu gần một phần tư tài sản của thế giới.
Trong trường hợp điều này xảy ra, Hong Kong có thể vượt qua Thụy Sĩ vào năm tới để trở thành cơ quan tài phán quản lý “lượng tài sản tư nhân xuyên biên giới lớn nhất”, báo cáo cho biết.
Các nhà nghiên cứu ước tính tăng trưởng tài sản ở khu vực Bắc Mỹ sẽ chậm lại còn 4,7% cho đến năm 2026, so với mức trung bình 5 năm gần đây là 9,1%. Trong khi đó, với khu vực Tây Âu, tốc độ tăng của cải có khả năng chậm lại, từ 4,5% xuống dưới 4%.
Báo cáo cũng lưu ý rằng đầu tư bền vững đang tăng nhanh, gấp 3 đến 5 lần so với đầu tư truyền thống. Dự kiến đến năm 2026, loại tài sản này có thể chiếm tới 17% tài sản do các cá nhân đầu tư.