|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chanh dây rớt giá thê thảm

10:34 | 04/06/2017
Chia sẻ
Sau một thời gian tăng giá liên tục và đạt mức 35 - 40 ngàn đồng/kg, nhưng hơn nửa tháng trở lại đây giá chanh dây liên tục giảm mạnh chỉ còn lại mức 3 - 5 ngàn đồng/kg.

Ghi nhận tại huyện Bảo Lâm, thời gian qua, mặc dù đã được chính quyền địa phương liên tục cảnh báo, nhưng do giá cả liên tục tăng, nên nhiều hộ dân đã không ngần ngại tự phá bỏ các cây trồng chủ lực như chè, cà phê để trồng chanh dây. Theo tìm hiểu của chúng tôi, bài học về việc chanh dây rớt giá vào cuối năm 2010 đã khiến không ít hộ dân ở huyện Bảo Lâm lâm vào cảnh trắng tay. Hiện nay, nhiều hộ dân ở Bảo Lâm xem việc trồng chanh dây như “một canh bạc”. Họ tin rằng nếu chanh dây được giá thì sẽ trúng đậm, còn không thì chấp nhận thua lỗ.

Cũng chính việc chấp nhận mạo hiểm, đánh cược với rủi ro về giá cả mà người dân huyện Bảo Lâm đua nhau trồng khiến diện tích cây chanh dây trong những năm gần đây ở địa phương này liên tục tăng. Hiện, toàn huyện Bảo Lâm đang có gần 100 ha chanh dây phân bổ chủ yếu ở các địa phương như thị trấn Lộc Thắng, các xã: B’Lá, Lộc Quảng, Lộc Đức, Lộc Tân và Lộc Nam.

Theo người trồng chanh dây ở Bảo Lâm cho biết, trong năm 2016, giá chanh dây luôn ở mức ổn định từ 12 - 15 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, từ đầu năm 2017, giá loại trái cây này liên tục tăng và có thời điểm đạt mức 35 - 40 ngàn đồng/kg. Điều đáng nói, giá quả chanh dây tăng cao thì giá cây giống cũng tăng theo. Nếu như năm 2016, mỗi cây giống chanh dây chỉ có giá từ 10 - 12 ngàn đồng thì đến năm 2017 đã có thời điểm tăng lên mức 35 ngàn đồng/cây.

Ông Lâm Văn Thắng, một hộ dân trồng chanh dây (ngụ tại thôn 3, xã B’Lá, huyện Bảo Lâm) cho biết: “Thấy nhiều người trồng chanh dây trúng đậm, nên cuối năm 2016, tôi đã đầu tư hơn 150 triệu đồng (chưa kể công) để trồng 1,3 ha chanh dây. Sau 6 tháng trồng chăm sóc đến đầu tháng 4/2017, vườn chanh dây của gia đình tôi bắt đầu cho thu hoạch. Đúng thời điểm này, giá chanh dây liên tục tăng cao nên tôi cứ tưởng sẽ trúng đậm. Ai ngờ từ đầu tháng 5 đến nay, giá trái chanh dây liên tục giảm, hiện chỉ còn ở mức 3 - 5 ngàn đồng/kg”.

“Với giá cả như hiện tại đổ đi thì tiếc, mà bán thì chẳng được bao nhiêu. Hiện, vườn chanh dây của gia đình tôi đang còn hơn 30 tấn quả, nhưng với giá cả như hiện tại tính sơ cũng thua lỗ gần cả trăm triệu đồng chứ chẳng ít” - ông Thắng than thở.

Chung cảnh ngộ với hàng trăm hộ dân trồng chanh dây ở huyện Bảo Lâm, bà Nguyễn Thị Đệ, một hộ dân trồng chanh dây ở thị trấn Lộc Thắng, ngậm ngùi: “Mặc dù khi quyết định trồng chanh dây, tôi đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với công ty, nên sản lượng chanh dây không bị ứ đọng như nhiều hộ dân khác. Tuy nhiên, với giá cả như hiện nay, 1 ha chanh dây của gia đình tôi sau khi thu hoạch xong cũng sẽ bị thua lỗ từ 50 - 70 triệu đồng”.

Một thương lái thu mua chanh dây ở huyện Bảo Lâm cho biết, gần 2 năm nay, chị mở điểm thu mua chanh dây để xuất khẩu đi Trung Quốc. Hàng ngày, các thương lái từ Trung Quốc báo giá như thế nào thì chị thu mua của bà con với giá như vậy. Việc giá cả chanh dây lên xuống là do các thương lái Trung Quốc quyết định, chị chỉ việc đến vườn báo giá với người dân rồi thu mua. Còn mọi chuyện khác chị không biết gì.

Ông Đậu Văn Xuân, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Bảo Lâm cho biết: “Đối với cây chanh dây, từ trước đến nay, huyện chưa có định hướng để phát triển cho người dân mà chủ yếu do họ trồng tự phát. Để tránh những rủi ro về giá cả, nhiều năm qua, địa phương liên tục có các biện pháp khuyến cáo, tuyên truyền cho người dân không phát triển chanh dây một cách ồ ạt, tự phát. Tuy nhiên, vì lợi ích trước mắt, nhiều hộ dân đã phá bỏ các cây trồng chủ lực (cà phê, chè) để trồng chanh dây. Còn việc giá chanh dây giảm đột ngột từ hàng chục ngàn đồng xuống còn 3 - 5 ngàn đồng/kg là rất bất thường. Tuy nhiên, sản phẩm chanh dây chủ yếu được người dân bán cho thương lái Trung Quốc, nên việc họ tự tăng, giảm giá là chuyện khó tránh khỏi”.

“Dù nhiều lúc giá chanh dây tăng cao, nhưng trên thực tế người nông dân lại không thể làm chủ về giá cả mà phụ thuộc cả vào thương lái. Vì vậy, người nông dân không nên chạy theo trào lưu ồ ạt phá bỏ các cây trồng chủ lực để trồng chanh dây. Thực tế cho thấy, hiện tại việc người dân đầu tư trồng chanh dây là rất mạo hiểm và luôn đối diện với rủi ro khó lường” - ông Xuân khuyến cáo thêm.

Khánh Phúc