|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Phải công bằng với nông dân!

06:49 | 10/11/2018
Chia sẻ
Ngay sau lời kêu gọi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 12 doanh nghiệp cung ứng thịt heo lớn của cả nước đã đồng ý hợp tác để hạ giá mua heo hơi. Mục tiêu của bộ là đưa giá heo hơi từ trên 50.000 đồng xuống còn 45.000 đồng/ki lô gam.
phai cong bang voi nong dan Quảng Ngãi: Bí đỏ rớt giá còn 5.000 đồng/kg, nông dân lo lắng
phai cong bang voi nong dan Nông dân Kông Chro tỉnh Gia Lai quay lại với cây điều

Ngay sau lời kêu gọi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 12 doanh nghiệp cung ứng thịt heo lớn của cả nước đã đồng ý hợp tác để hạ giá mua heo hơi. Mục tiêu của bộ là đưa giá heo hơi từ trên 50.000 đồng xuống còn 45.000 đồng/ki lô gam.

phai cong bang voi nong dan
Quầy bán thịt heo ở một siêu thị trên địa bàn thành phố. Ảnh: TL.

Chưa biết thỏa thuận này có giúp giá thịt heo khi đến tay người tiêu dùng hạ nhiệt được như kỳ vọng hay không hay lại rơi hết vào túi của các khâu trung gian như từng xảy ra với mặt hàng phân đạm trước đây, nhưng chắc chắn là người chăn nuôi heo sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi. Cách đây hai năm, khi giá heo hơi rớt thê thảm và có lúc chỉ còn 15.000-17.000 đồng/ki lô gam, tại sao bộ không thuyết phục các doanh nghiệp cung ứng thịt heo nâng giá mua để giúp người nuôi heo bớt lỗ.

Bình ổn giá cả thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu là việc rất cần làm và điều này càng có ý nghĩa quan trọng đối với các sản phẩm nông nghiệp. Hơn ai hết, nông dân chính là những người muốn nhìn thấy giá cả thị trường nông sản ổn định ở mức họ có thể tồn tại và phát triển được, thoát khỏi tình trạng bấp bênh với cơn ác mộng rớt giá thường xuyên đe dọa.

Nhưng việc bình ổn giá cả phải được điều tiết dựa vào các công cụ thị trường và đồng thời cũng cần bảo đảm công bằng giữa người sản xuất và người tiêu thụ, nghĩa là phải điều tiết được cả chiều tăng và chiều giảm. Giải pháp bền vững nhất là quản lý được cung - cầu, nhưng đây lại là việc mà hầu như Việt Nam chưa bao giờ làm được. Cũng còn một giải pháp khác là điều tiết thông qua quỹ bình ổn giá, giống như cách làm lâu nay với mặt hàng xăng dầu.

Dù chọn giải pháp nào thì cũng đòi hỏi hoạt động của các cơ quan quản lý ngành phải thật sự hiệu quả và công tâm. Hiệu quả từ công tác thu thập và phân tích thông tin, dự báo thị trường cho đến quản lý quy hoạch... Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Việt Nam cũng phải được cải tổ theo hướng sản xuất lớn. Vì với tình trạng sản xuất nhỏ lẻ và manh mún như hiện nay, kiểm soát nguồn cung gần như là nhiệm vụ bất khả thi.

Trở lại lời kêu gọi 12 doanh nghiệp cung ứng lớn giảm giá mua heo hơi, bên cạnh mục tiêu hạ nhiệt giá cả thị trường Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn lo giá thịt heo quá cao sẽ kích thích buôn lậu, đua nhau tăng sản lượng đến mức khủng hoảng thừa... sẽ dẫn đến thiệt hại lớn cho chính người chăn nuôi. Mối lo đó là đúng, nhưng cũng không thể sử dụng biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp lớn thỏa thuận để áp đặt và kéo giá mua xuống, vì nó bất công với người nông dân. Đó là chưa kể sự thỏa thuận đó còn có thể vi phạm Luật Cạnh tranh.

Trong khi chưa có giải pháp quản lý nào hợp lý và hiệu quả hơn, cách tốt nhất là cơ quan quản lý ngành hãy cung cấp cho người nông dân đầy đủ những thông tin dự báo, đồng thời đưa ra những khuyến cáo về thị trường để họ có thể tự cân nhắc và đưa ra quyết định cho riêng mình.

Thiết nghĩ các cơ quan quản lý nhà nước cũng không nên quá sốt ruột với tình trạng sốt giá của một hay một số mặt hàng nông sản nào đó, vì kinh nghiệm thực tế cho thấy sốt giá nông sản ở Việt Nam chỉ là tạm thời, còn rớt giá mới là nỗi lo thường trực. Lợi nhuận mà người nông dân kiếm được qua các đợt sốt giá ngắn ngủi chưa chắc đã bù đắp nổi cho thiệt hại họ phải gánh chịu trong những tháng ngày dài giá cả ảm đạm.

Xem thêm