Bộ trưởng Lê Minh Hoan xót xa trước câu chuyện nông dân khởi nghiệp mất trắng đàn dê 200 con vì giãn cách, mong doanh nghiệp hiểu cho lãnh đạo địa phương
Trong buổi tọa đàm "Đối thoại cùng các 'vua nông sản' Việt" do báo Tuổi Trẻ tổ chức, với sự có mặt của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, xuất hiện câu chuyện khởi nghiệp của một nông dân trẻ tên Vũ Văn Tuyền tại TP Pleiku.
Dù mới ngoài 20 tuổi nhưng anh Tuyền đã có nhiều năm khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Anh đã gây dựng được 400 đàn ong và 200 con dê nhưng đã mất trắng trong đợt dịch vừa rồi vì không thể đi ra ngoài mua thức ăn mang đến trang trại cho dê.
"Con dê của tôi chết, hoặc một số con khác chết, hoặc trại ong của tôi chết vì tôi không đủ thuốc, không đủ thức ăn cho chúng. Đối với nhiều người, một con dê này không là gì nhưng đối với tôi, nó là tài sản. Một con dê là tài sản, 10 con dê là gia sản, 100-200 con dê, đàn ong là cả sản nghiệp của tôi, bao nhiêu năm tôi mới gây dựng được", người nông dân trẻ chia sẻ trong video.
Theo chia sẻ, quá trình xây dựng trang trại, sự nghiệp của anh nông dân này không phải một sớm chiều, phải đổ rất nhiều máu và nước mắt. Trong đợt giãn cách do chỉ thị 16 vừa rồi, trại dê bị bỏ đói do không mua được thức ăn và người chủ bị cấm lên trang trại.
Anh Tuyền cho rằng việc áp dụng tiêu chuẩn của thành thị với nông thôn gây khó rất nhiều cho người nông dân như anh, ví dụ thông thường người này lên trang trại thì không tiếp xúc với bất kỳ ai nhưng khi chỉ thị 16 được ban hành, anh Tuyền phải tiếp xúc với hàng trăm người để xét nghiệm, xin giấy đi đường...
Sau khi xem video cũng như nghe đại diện các doanh nghiệp lớn trong ngành nông nghiệp chia sẻ ý kiến, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan bày tỏ:
"Đây là một câu chuyện rất cảm xúc về một bạn trẻ khởi nghiệp, do những quy định cách ly, phòng dịch mà đã thiệt hại rất lớn, gây nên nhiều cảm xúc. Đúng là xót xa nhưng có lẽ trong bối cảnh đó, nếu chúng ta tìm ra sẽ còn rất nhiều trường hợp xót xa. Tôi hay nói, vé số mà xổ rồi thì dễ bàn lắm nhưng khi chưa xổ thì mới khó.
Trong sự bấn loạn giữa giai đoạn dịch bệnh như thế, một con dê chết, một đàn ong chết so với một gia đình 5-7 người chết mà các đồng chí lãnh đạo địa phương đang phải đối mặt hằng ngày, mỗi buổi chiều các bí thư/chủ tịch nghe báo cáo số F0 tăng lên bao nhiêu trong cộng đồng, số tử vong là bao nhiêu, số đang điều trị ECMO là bao nhiêu. Thành ra tôi mong rằng tất cả chúng ta có cái nhìn chia sẻ lúc đó."
Bộ Trưởng Lê Minh Hoan cho biết bản thân ông đã có rất nhiều cuộc họp trực tuyến với các lãnh đạo địa phương và ông đã đề nghị các lãnh đạo chia sẻ với các doanh nghiệp bị đứt gãy, một ngày thôi là mất chi phí, có nguy cơ mất luôn thị trường, cơ nghiệp.
Theo Bộ Trưởng, các lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm về sự sống cái chết của người dân trong bối cảnh chúng ta không hiểu rõ về COVID-19. "Chúng ta hãy nghĩ cho nhau, chia sẻ cho nhau, đừng nhìn ở góc độ một bên.
Khi đó tự nhiên tâm của chúng ta nhẹ một chút, khi đó chúng ta có điều kiện ngồi với nhau, kiến tạo một không gian để làm sao thỏa được: một là sự phát triển, vận hành trong điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, và ở mức độ kiểm soát dịch bệnh tốt nhất. Vì đây là sức khỏe của con người.
Tôi không nói chuyện đàn ong hay con dê, nhưng chúng ta hãy cùng nhau. Đó là triết lý không phải trong đại dịch mà trong điều kiện bình thường, sau đại dịch sắp tới, chúng ta hãy đổi vai cho nhau một chút, sẽ thấu hiểu nhau", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Bộ trưởng Bộ nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho rằng có thể đã có những sai sót trong quá trình thực thi nhưng các lãnh đạo, Chính phủ cũng phải đối mặt với những áp lực vô cùng lớn.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan kể lại lần xuống địa bàn Cà Mau – sau khi "vua tôm" Minh Phú phản ánh ngành tôm bị đứt gãy, khó khăn. "Tôi xuống Cà Mau và hơi trách Cà Mau, tại sao căng thẳng quá với các doanh nghiệp ngành tôm. Nhưng lãnh đạo Cà Mau nói: Báo với Bộ trưởng, Cà Mau mà không có tôm thì sao sống được, biết là vậy nhưng số ca F0 vẫn nhiều.
Thậm chí, tài xế có giấy xét nghiệm âm tính rồi nhưng chúng em xét nghiệm vẫn dương tính, nên buộc lòng vẫn phải làm chặt. Chứ Cà Mau không đi lên bằng con tôm thì bằng cái gì bây giờ".
Vì thế, Bộ trưởng mong các doanh nghiệp hiểu được nỗi lòng của lãnh đạo địa phương. Sau đợt dịch này, Chính phủ cũng rút ra được những bài học quản trị quốc gia, thông suốt mệnh lệnh từ trung ương đến địa phương sao cho nhất quán.
"Tôi mỗi ngày, mỗi đêm, nhiều khi cũng phải đứng ra tạm thời giải cứu các chuyến hàng cho doanh nghiệp. Như doanh nghiệp sữa kêu sữa đang chất đống, người ta bắt san xe, san bồn nhưng giờ bồn đâu mà san sữa giữa chừng, hỏi tôi có can thiệp được không. Thì thôi tôi cũng cố, gọi điện bảo đồng chí bí thư cho xe sữa qua đi, sữa của Vinamilk mà để 1-2 tiếng thì nó ôi hỏng. Nỗi khổ này không của riêng ai, các "vua" nông nghiệp cũng khổ, Bộ trưởng cũng khổ, dân cũng khổ".