|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chân dung 'ông vua hạ tầng' UDIC, doanh nghiệp sở hữu 30% liên doanh KĐT Ciputra lớn nhất Hà Nội

14:49 | 28/08/2019
Chia sẻ
Năm vừa rồi, các liên doanh, liên kết trong đó nổi bật nhất là Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long (phát triển dự án Ciputra) đóng góp cho UDIC 635 tỉ đồng lợi nhuận.
PR2-1

Khu đô thị Ciputra nhìn từ trên cao (Ảnh: Ciputra Hà Nội)

"Ông vua hạ tầng" của TP Hà Nội

Tổng công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị UDIC tiền thân là Công ty San nền trực thuộc Sở Xây dựng Hà Nội, thành lập năm 1971. Năm 2004, UDIC được UBND TP Hà Nội tổ chức lại theo mô hình công ty mẹ - công ty con cùng các doanh nghiệp khác trực thuộc Thành phố. 

Hoạt động kinh doanh chính của UDIC là đầu tư xây dựng, lấp đặt các công trình, xuất nhập khẩu vật liệu xây dựng vật tư máy móc thiết bị chuyên ngành xây dựng và xuất khẩu lao động…

Tính đến thời điểm kết thúc năm 2018, vốn điều lệ đăng ký của UDIC ở mức 4.300 tỉ đồng, tuy nhiên phần vốn thực góp của Nhà nước mới dừng ở mức hơn 3.600 tỉ đồng. 

Trong năm vừa rồi, doanh thu thuần của UDIC đạt 2.350 tỉ đồng, giảm 17% so với năm trước đó. Nguồn thu chính của công ty đến từ hoạt động xây dựng với 1.720 tỉ đồng, giảm 21%; doanh thu cung cấp bê tông thương phẩm 68 tỉ đồng, giảm 43%; doanh thu dịch vụ tư vấn, xuất khẩu lao động 20 tỉ đồng, giảm 26%; bù lại doanh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản 499 tỉ đồng, tăng nhẹ 6% và doanh thu cho thuê tài sản 43 tỉ đồng, tăng 10%. 

Hoạt động kinh doanh chính của UDIC chỉ đạt biên lợi nhuận gộp hơn 9%, tuy nhiên con số này cũng đã tăng tương đối so với chỉ 6% năm trước đó. 

UDIC KQKD

BM tổng hợp

Doanh thu hoạt động tài chính tăng ấn tượng gấp 3 lần đạt mức 741 tỉ đồng. Con số này chủ yếu đến từ cổ tức các đơn vị thành viên 635 tỉ đồng và lợi nhuận được chia từ các dự án đầu tư 99 tỉ đồng. Lợi nhuận tài chính "khủng" giúp UDIC đạt con số lãi ròng 784 tỉ đồng, gấp 3 lần năm 2017. 

Đến đây, độc giả có thể  sẽ thắc mắc liên doanh, liên kết của UDIC là doanh nghiệp nào mà có hiệu quả kinh doanh ấn tượng đến vậy? 

Sở hữu 30% trong liên doanh KĐT Ciputra lớn nhất Thủ đô 

Tại thời điểm kết thúc năm 2018, UDIC rót gần 2.100 tỉ đồng vào các công ty liên doanh, liên kết. Trong đó đáng chú ý nhất là liên doanh Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long giá trị 1.836 tỉ đồng, hay còn được biết đến với cái tên Khu đô thị Ciputra Hà Nội (diện tích 301 ha). 

Đây chính là liên doanh giữa UDIC và Tập đoàn Ciputra của Indonesia, công ty của TP Hà Nội sở hữu 30% vốn điều lệ. 

Vi-tri-ly-tuong

Vị trí của KĐT Ciputra giáp ranh Sông Hồng và hồ Tây, giao thông thuận tiện để di chuyển tới sân bay Nội Bài

Các liên doanh còn lại gồm có Công ty TNHH Tháp trung tâm Hà Nội, quản lý tòa nhà Hanoi Tower có vị trí đắc địa của Thủ đô, UDIC sở hữu 24%; liên doanh sản xuất tôn mạ với một công ty của Úc mang tên Austnam, UDIC sở hữu  33%; liên doanh Công ty TNHH Phát triển Nội Bài với một doanh nghiệp Malaysia phát triển KCN Nội Bài, UDIC sở hữu 30% và liên doanh Xây dựng Hà Nội - Bắc Kinh. 

Tuy nhiên hoạt động tại KCN Nội Bài và Xây dựng Hà Nội - Bắc Kinh tỏ ra không hiệu quả khiến cho UDIC đã phải trích lập dự phòng trên 34 tỉ đồng, trên tổng số vốn đầu tư 57 tỉ đồng. 

UDIC đầu tư tại vào 17 công ty liên kết tổng số tiền 147 tỉ đồng, đã trích lập dự phòng toàn bộ tại hai doanh nghiệp là CTCP Đầu tư & Bê tông Thịnh Liệt 16,5 tỉ đồng và CTCP Vật liệu xây dựng & XNL Hồng Hà hơn 7 tỉ đồng. 

udic 1

BM tổng hợp

Đầu tư vào 10 doanh nghiệp khác tổng số vốn 143 tỉ đồng và cũng trích lập dự phòng toàn bộ phần vốn tại ba doanh nghiệp, CTCP Đầu tư và Quản lý Bất động sản UDIC 3 tỉ đồng, CTCP Hà Thành 88 triệu đồng và CTCP UDIC Kim Bình 10 tỉ đồng. 

Ngoài các khoản đầu tư dài hạn, khối tài sản hơn 7.300 tỉ đồng của UDIC còn có phần hàng tồn kho 3.248 tỉ đồng tại các dự án dở dang; và các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng hơn 1.000 tỉ đồng. 

Đối với hoạt động kinh doanh, trong năm nay UDIC cho biết sẽ tập trung hoàn thiện các dự án đang thi công bao gồm Hạ tầng kỹ thuật khu vực 92,7 ha Nam Thăng Long, UDIC Westlake, BT01; đẩy nhanh tiến độ các dự án đủ điều kiện khởi công như UDIC Riverside 2, B1, B2 Yên Hòa; IA.25; CT02B Khu đô thị Nam Thăng Long; NO1, NO2 Khu đô thị Hạ Đình... 

Công ty sẽ tiến hành đẩy mạnh công tác tìm kiếm, phát triển các dự án mới thông qua hình thức hợp tác kinh doanh với các đối tác bên ngoài, nhận chuyển nhượng để phát triển, nâng giá trị từ lĩnh vực đầu tư lên 40% giá trị sản lượng toàn công ty.

Mới đây, UDIC lọt danh sách là một trong ba Tổng công ty của TP Hà Nội phải thực hiện cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đến hết năm 2020, cùng với Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội (Handico) và Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco). 

Bạch Mộc