CEO Sabeco: Tình hình sẽ tiếp tục trở nên khó khăn trước khi có thể bắt đầu hồi phục vào nửa cuối năm 2020
Đương đầu với Nghị định 100 được áp dụng ngay từ những ngày đầu năm 2020, đưa ra các qui định chặt chẽ hơn đối với tiếp thị và quảng cáo bia, cung như các hình thức phạt nặng hơn khi tham gia điều khiển phương tiện giao thông dưới ảnh hưởng của rượu, bia và bất cứ nồng độ cồn nào trong máu hoặc hơi thở. Điều này dẫn đến kênh tiêu thụ bia tại các hàng quán sụt giảm nặng nề.
Bên cạnh đó, đại dịch cúm COVID-19 lây lan đã gây ra những tác động nghiêm trọng đến ngành du lịch với việc hạn chế đi lại, làm gián đoạn chuỗi cung ứng cùng hoạt động kinh doanh và gây trì trệ các hoạt động kinh tế xã hội, bao gồm các biện pháp ngăn chặn sự lây lan như đóng cửa các quán bia, quán rượu, karaoke và câu lạc bộ đêm ở nhiều tỉnh thành trên khắp Việt Nam. Ngoài tác động của Nghị định 100, các giải pháp này cũng đã hạn chế đáng kể mức tiêu thụ rượu bia.
Ông Koh Poh Tiong, Chủ tịch HĐQT CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - Mã: SAB) gọi đây là thời điểm chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, người đứng đầu công ty cho biết, ưu tiên hàng đầu là đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho tất cả cán bộ công nhân viên.
Đồng thời, Sabeco cũng cố gắng hết sức để nhằm giảm thiểu những tác động về mặt tài chính từ hai thách thức đến cùng lúc. Ông Koh Poh Tiong cho biết hoàn toàn tin tưởng vào sự kiên cường, khả năng ứng phó và thích nghi nhanh chóng của công ty.
Còn theo Tổng giám đốc, Gim Siong Bennett, ông cho rằng tình hình sẽ tiếp tục trở nên khó khăn trước khi có thể bắt đầu hồi phục vào nửa cuối năm 2020.
"Cơn bão này rồi cũng sẽ nhanh chóng qua và mặt trời tươi sáng sẽ lại xuất hiện. Trong thời gian đó, chúng tôi sẽ tập trung toàn lực vượt qua cơn bão này và chuẩn bị đầy đủ nhằm nắm bắt tận dụng tối đa cơ hội khi các điều kiện thuận lợi xuất hiện trở lại", CEO Sabeco nói.
Trong quí đầu tiên của năm 2020, doanh thu thuần của Sabeco giảm 47% so với cùng kì, chỉ đạt 4.909 tỉ đồng. Dù tiếp tục đẩy mạnh tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả, giảm chi không cần thiết, lợi nhuận sau thuế của công ty vẫn giảm 44% còn 717 tỉ đồng. Sabeco nằm trong xu thế chung của các doanh nghiệp ngành bia, khi mà những "ông lớn" lại cũng chính là những thực thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Nhận định về xu hướng ngành bia trong năm 2020, ngoài hai khó khăn chủ chốt nêu trên, Sabeco cho rằng nhu cầu tiêu thụ nhiều các dòng bia cao cấp sẽ tiếp tục đà tăng trưởng; bên cạnh đó sức cạnh tranh sẽ tiếp tục diễn ra gay gắt giữa các công ty sản xuất nhằm chiếm thị phần.
Để đối mặt với những vấn đề này, động lực tăng trưởng được công ty bia nắm thị phần số một Việt Nam tin tưởng là sự duy trì bình ổn trong mảng sản xuất và kinh doanh khai thác thị trường nội địa với sức mua của hàng chục triệu dân.
Các nhiệm vụ quan trọng mà Sabeco nhắm đến bao gồm:
- Tập trung nguồn lực xây dựng thương hiệu và các hoạt động phát triển thị trường, bao gồm xây dựng chiến lược thương hiệu, sản phẩm và phân phối, tiêu thụ phù hợp với xu hướng tiêu dùng, song song với việc cấu trúc toàn diện hệ thống phân phối theo hướng chuyên nghiệp, gia tăng hiệu quả và hỗ trợ hiệu quả cho việc kiểm soát theo kênh và phân khúc sản phẩm.
- Tăng trưởng thị phần ở quốc nội và đẩy mạnh xuất khẩu tại các thị trường trọng yếu.
- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát triển nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và cho ra đời các dòng sản phẩm mới.
- Tăng cường hệ thống và cải thiện cách thức làm việc thông qua SABECO 4.0.
- Nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng trên toàn hệ thống SABECO.
- Tích hợp Phương pháp quản lí nguồn lực nhân sự và áp dụng hệ thống đánh giá hiệu quả công việc của nhân viên.
- Tập trung cải cách để tăng hiệu quả đầu tư và giảm chi phí hoạt động nhằm tăng năng suất.
- Xây dựng hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời nhằm cải thiện việc cung cấp điện theo hướng tiết kiệm chi phí và mang tính hiệu quả cao.
- Bên cạnh đó công ty cũng đặt mục tiêu nâng cao năng lực quản trị, phát huy thế mạnh của các chuyên gia trong, ngoài nước; thương hiệu Bia Saigon...
Theo báo cáo của Bộ Công Thương về tình hình sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm, sản lượng bia trong nước sụt giảm 24,1% so với cùng kì.
Ngành sản xuất đồ uống ước tính giảm 13,95% (cùng kỳ tăng 11,6%). Doanh số bán bia của các doanh nghiệp bị giảm sút mạnh.
Lĩnh vực kinh doanh rượu vang và rượu mạnh nhập khẩu cũng chịu tác động rất lớn do ngành du lịch và kinh doanh của các nhà hàng giảm mạnh về doanh thu (nhiều nhà hàng giảm đến 50% - 60% doanh thu so với bình thường).
Ngoài ra, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực ngày 1/1/2020 đã thay đổi thói quen uống rượu, bia của người dân, từ đó ảnh hưởng đến ngành sản xuất đồ uống.