|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

CEO Phúc Sinh Group: Giá cà phê xuất khẩu tiếp đà tăng, có thể lên đến 2.600 USD/tấn

07:20 | 22/03/2022
Chia sẻ
Ông Phan Minh Thông, CEO Phúc Sinh Group cho rằng ngành cà phê năm 2022 sẽ tăng trưởng 30 – 40% và giá xuất khẩu cà phê có thể cán mốc 2.400 – 2.600 USD/tấn trong năm 2022, đà tăng có thể kéo dài sang năm 2023.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) 2 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 293.000 tấn, tương đương 674 triệu USD, không biến động nhiều về lượng nhưng tăng 37% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là động lực giúp giá cà phê tăng 31% so với cùng kỳ, đạt mức 2.299 USD/tấn.

Trao đổi với người viết, ông Phan Minh Thông, CEO Phúc Sinh Group đánh giá triển vọng thị trường cà phê năm 2022 khá tươi sáng, giá sẽ tiếp tục đi lên.

"Tôi nghĩ ngành cà phê năm 2022 sẽ tăng trưởng 30 – 40% vì cả thế giới đang thích ứng với COVID-19, nhu cầu lớn trong khi nguồn cung giảm. Và giá xuất khẩu cà phê có thể cán mốc 2.400 – 2.600 USD/tấn trong năm 2022 và đà tăng có thể kéo dài sang năm 2023.

Thực tế, năm 2021, giá cà phê xuất khẩu có sự bứt phá mạnh mẽ khi tăng từ mức hơn 1.700 USD/tấn lên hơn 2.300 USD/tấn", ông Thông nói.

CEO Phúc Sinh Group: Giá cà phê xuất khẩu tiếp đà tăng, có thể lên đến 2.600 USD/tấn - Ảnh 1.

CEO Phúc Sinh cho rằng giá cà phê xuất khẩu khởi sắc cũng mang đến tín hiệu tích cực cho thị trường cà phê trong nước. Hiện, giá cà phê thô đang dao động 41.000 – 42.000 đồng/kg song vào cuối vụ thu hoạch, giá mặt hàng này có thể trở lại thời hoàng kim, tức khoảng 50.000 đồng/kg.

Kỳ vọng xuất khẩu cà phê của Phúc Sinh - Ảnh 1.

(Số liệu tổng hợp, Biểu đồ: Phạm Mơ)

Ngoài cung – cầu, vị này cho rằng một yếu tố khác giúp giá cà phê xuất khẩu khởi sắc là chất lượng. Cà phê robusta của Việt Nam được khách hàng đánh giá cao, có sức cạnh tranh so với các nhà cung cấp lớn trên thế giới như Brazil, Ấn Độ, Nam Mỹ, Colombia…

Các nước châu Âu như Đức, Bỉ, Italia rất ưa chuộng cà phê Việt Nam. 2 tháng đầu năm, 3 thị trường này nhập khẩu 108.500 tấn cà phê Việt Nam, tương đương 232 triệu USD, chiếm 29% trong tổng lượng và kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam.

Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê sang thị trường Bỉ có bứt phá khi đạt gần 37.000 tấn, tương đương 73,5 triệu USD, tăng 5,5 lần về lượng và gần 7 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Kỳ vọng xuất khẩu cà phê của Phúc Sinh - Ảnh 2.

(Số liệu: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Phạm Mơ)

"Các doanh nghiệp Việt Nam đang quay trở lại xây dựng chất lượng cà phê, không quá tập trung số lượng và đó là một tin vui. Tôi hy vọng 10 năm sau người ta nhớ đến thương hiệu cà phê Việt Nam bằng chất lượng không phải bằng số lượng nữa", ông Thông cho biết.

Mới đây, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng dự báo năm 2022, xuất khẩu cà phê Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan nhờ thị hiếu tiêu dùng toàn cầu ngày càng ưa chuộng sản phẩm có lợi cho sức khỏe.

Năm 2022, dung lượng thị trường nhập khẩu cà phê của EU rất lớn, Việt Nam còn nhiều dư địa đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là 5 thị trường hàng đầu thế giới như Mỹ, Đức, Pháp, Canada và Italy nhờ lợi thế về thuế suất thuế xuất khẩu và nguồn cung cà phê chất lượng cao gia tăng.

Mặc dù dự báo khả quan, nhưng rõ ràng để đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các thị trường khó tính như EU, ngành hàng cà phê nước ta còn rất nhiều việc phải làm.

Ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, ngành cà phê nước ta cũng đang tập trung nâng cao năng lực sản xuất, truy xuất nguồn gốc, số hóa từ khâu sản xuất đến khâu bán hàng để nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Thực tế, nhu cầu nhập tiêu thụ ở các nước nhập khẩu tăng sẽ kích thích giá cà phê xuất khẩu tăng. Tuy nhiên, cước vận tải biển vẫn tiếp tục là rào cản với các doanh nghiệp xuất khẩu.

Ông Thông cho rằng ở thời điểm này, các hãng tàu không còn cạnh tranh với nhau nữa mà họ bắt tay để nâng giá, rút tàu. Nhu cầu của doanh nghiệp rất nhiều nhưng không có sẵn container rỗng, giá container đắt hơn 10 - 20 lần so với trước dịch và chưa biết khi nào sẽ hạ nhiệt.

CEO Phúc Sinh cho biết: "Trước đây, hãng tàu chăm sóc doanh nghiệp xuất khẩu thì bây giờ ngược lại. Làm xuất khẩu 20 năm, Phúc Sinh có mối quan hệ khá tốt với các hãng tàu, do đó việc booking, nhận container cũng dễ dàng hơn.

Đồng thời, chúng tôi cũng ký hợp đồng trực tiếp với hãng tàu lớn, ít qua môi giới nên được giá tốt hơn. Chúng tôi chọn CIF thay vì FOB để chủ động về giao – nhận hàng, giảm thiểu rủi ro".

Phạm Mơ