|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

CEO MindX: 'Thử thách bủa vây mỗi ngày'

10:12 | 11/03/2020
Chia sẻ
Thời gian đầu khởi nghiệp, MindX bị trộm xe máy, laptop, điện thoại, tiền bạc. Sáng dậy thấy văn phòng tan hoang, Hà San và cộng sự hoảng sợ, chán chường và nghĩ đến bỏ cuộc.

Nguyễn Thị Thu Hà (tên khác Hà San), 26 tuổi vừa vào danh sách "30 Under 30" - 30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất Việt Nam năm 2020 do Forbes Việt Nam thực hiện. Thành lập MindX từ năm 2015, Hà San và những người đồng sáng lập đang từng bước hiện thực hóa mực tiêu xây dựng một "Little Silicon Valley" tại Việt Nam.

- Hà bắt đầu hành trình startup của mình ra sao?

- Tôi sinh ra và lớn lên trong một làng quê nhỏ ở Hưng Yên. Bạn bè có người học xong cấp 2 hoặc cấp 3 thì nghỉ học, đi làm nông, công nhân... Đôi khi, tôi cũng cố lý giải xem điều gì khiến mình khác họ. Có lẽ lý do duy nhất là tôi được tạo điều kiện học hành tử tế.

Ngay từ khi học cấp 3, tôi đã ấp ủ làm một điều gì đó cho thế hệ của mình và cả những thế hệ sau. Giáo dục là điểm bắt đầu hợp lý. Sau này, khi đã trở thành sinh viên, tôi bắt đầu tiếp xúc với công nghệ thông tin, trở thành Đại sứ sinh viên Google Đông Nam Á, gặp các công ty công nghệ hàng đầu và tham gia nhiều dự án ở ASEAN. Tôi nhận thấy Việt Nam có một cơ hội rất lớn trong lĩnh vực này vì nguồn nhân lực được đánh giá rất cao. Nếu có định hướng và chiến lược tốt, Việt Nam có thể dùng công nghệ thông tin để làm mũi nhọn phát triển.

CEO MindX: 'Thử thách bủa vây mỗi ngày'  - Ảnh 1.

Nguyễn Thị Thu Hà - CEO của MindX.

- Khi đó Hà và cộng sự định hướng phát triển MindX như thế nào?

Trong thời gian đó, tôi tình cờ gặp những người đồng sáng lập cùng chung ý tưởng và lý tưởng, nên đã cùng nhau thành lập nên TechKids (sau này đổi tên thành MindX), trở thành nơi dạy lập trình cho học sinh, sinh viên đại học và người đi làm.

- Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0, thị trường lao động công nghệ nước ta trong vòng 5 năm tới có thể thiếu hụt hàng triệu nhân lực. Con số này ở khu vực Đông Nam Á có thể lên đến hàng chục triệu. Các gia đình Việt luôn dành 30-50% thu nhập cho việc giáo dục của con cái. Xuất phát từ những lý do đó, chúng tôi tin rằng, khi thị trường thiếu hụt, cơ hội việc làm xuất hiện, nhu cầu giáo dục công nghệ thông tin cũng sẽ tăng cao trong những năm tới. Vì vậy, MindX tập trung vào giáo dục công nghệ.

Năm 2017, chúng tôi mở một campus lớn rộng 1.500m2 với đầy đủ canteen, ký túc xá, nơi giặt sấy, nơi làm việc, phòng học cho học sinh. Tại đây, học sinh có thể ở lại ngày đêm để học, lập trình và làm dự án.

Tuy nhiên, các lớp học chủ yếu diễn ra vào buổi tối hoặc cuối tuần nên ban ngày còn trống rất nhiều không gian. Chúng tôi rủ một số anh em trong giới startup về làm việc, chia sẻ chi phí thấp và được đón nhận nhiệt tình. Từ đó, không gian Campus trở nên sôi động ngày đêm. Học sinh được đắm mình trong một môi trường làm việc chuyên nghiệp và rộng mở từ khi còn rất nhỏ, nhiều em đi làm hoặc phát triển dự án của mình ngay chính không gian này. Chúng tôi gọi nó là "A little Silicon Valley", một trung tâm sáng tạo, khởi nghiệp công nghệ thu nhỏ. Mô hình bắt đầu có tiếng và đã thu hút đầu tư của các quỹ đầu tư mạo hiểm.

- Khó khăn lớn nhất mà Hà từng trải qua khi khởi nghiệp với MindX là gì?

- Để nói về khó khăn thì vô vàn, không thể chọn điều gì là lớn nhất được. Từ đội ngũ nhân sự, thị trường, nguồn vốn, các yếu tố ngoại cảnh không lường trước... Thậm chí chính bản thân mình: sức khoẻ, tinh thần, biến cố cá nhân... Mỗi sáng thức dậy đều tôi thấy thử thách bủa vây và mỗi quyết định sai lầm đều phải trả giá.

Hồi mới khởi nghiệp, đội ngũ sáng lập MindX chẳng có gì trong tay, không được gia đình ủng hộ, vừa vất vả mở được một vài lớp học ở cơ sở nhỏ xíu trong hẻm. Có lần chúng tôi bị trộm vào lấy sạch tất cả đồ đạc từ xe máy, laptop, điện thoại, tiền bạc. Sáng dậy thấy nhà tan hoang, trong lòng chúng tôi đều hoảng sợ và chán chường, thậm chí nghĩ là thôi, hay bỏ cuộc.

Thế rồi cả nhóm vẫn cố bám trụ, để phòng trộm quay lại, chúng tôi rủ các lớp học sinh ở lại "Hackathon" (đua lập trình). Nghĩa là ngoài giờ học buổi tối, học viên cùng ở lại làm dự án thực tế tới khuya, mấy chục anh thanh niên to lớn ngồi code say mê ngày đêm ở cơ sở thì không còn trộm nào dám viếng thăm nữa. Sau đấy, Hackathon đã trở thành văn hoá đặc thù, tạo nên sự khác biệt về kỹ năng nổi trội của học sinh MindX.

Đâu là điểm khác biệt của MindX so với các đối thủ?

- Ngay từ đầu, chúng tôi đã rất tập trung vào việc xây dựng sự hứng khởi của học sinh khi tham gia học lập trình. MindX không hề hiếm những bạn nhỏ cấp 2 đi làm lập trình viên chuyên nghiệp, cấp 3 du học với học bổng toàn phần, vừa lên đại học được nhận đi thực tập cho những công ty hàng đầu thế giới như Google, Facebook...

MindX cũng là nơi duy nhất có hệ thống chương trình học đầy đủ các cấp học cho đến đại học và đi làm. Các em tuỳ khả năng có thể học vượt cấp. Điều này giúp học sinh tiếp cận hiệu quả hơn kiến thức và có thể tạo ra một thế hệ thực sự có đủ khả năng đáp ứng thị trường lao động không chỉ trong nước và quốc tế.

MindX phát triển mô hình Blended learning (học tập kết hợp). Người học tự tiếp nhận kiến thức theo tốc độ và khả năng của mình, không cần theo cả lớp, không giới hạn kiến thức và luôn có người đi kèm sao sát.

Khoản vốn 500.000 USD từ ESP Capital hồi tháng 10 năm ngoái đang giúp gì cho MindX?

- Chúng tôi nâng cấp các chương trình và xây dựng các khoá học mới: từ thực tập sinh, vườn ươm khởi nghiệp cho thanh thiếu niên, kết nối cơ hội với các doanh nghiệp cho sinh viên. Đồng thời triển khai mô hình học Blended Learning & Online Learning trong năm 2020.

CEO MindX: 'Thử thách bủa vây mỗi ngày'  - Ảnh 2.

Một lớp học lập trình tại MindX.

Bên cạnh đó, chúng tôi đang tiếp tục phủ rộng mạng lưới địa điểm MindX tại Hà Nội và TP HCM. Dự kiến sẽ giảng dạy cho 15.000 tính đến hết 2020. Đồng thời, MindX sẽ mở rộng quy mô các địa điểm để đem mô hình "Little Silicon Valley" có thể trở thành các trung tâm sáng tạo, khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam và trong khu vực.

- Điều gì khiến Hà cảm thấy hài lòng sau khi xây dựng và vận hành thành công MindX?

- Đối với người làm giáo dục, cảm giác đủ đầy và nhiều cảm hứng nhất là khi nhìn thấy học sinh của mình trưởng thành và làm được những điều tốt đẹp cho cuộc đời và xã hội.

Có ngày chúng tôi nhận được tin một em nhận được giải thưởng khoa học kỹ thuật tại Mỹ, em được làm việc chính thức tại Google, em làm một dự án khởi nghiệp gọi được vốn, hay có những em chỉ đơn giản là có một công việc thực sự tốt khi chỉ trước đó một năm, em vẫn còn chỉ là con số không. So với những con số về việc mở rộng, gọi vốn, thì đây là điều tôi thấy hài lòng nhất.

- Cuốn sách nào truyền cảm hứng lãnh đạo và khởi nghiệp cho chị?

- "The hard things about the hard things" (Gian nan chồng chất gian nan) là cuốn kể lại những kinh nghiệm thực chiến xương máu của một founder và trở thành một CEO thực thụ. Sự thật chỉ ra, bạn chỉ học làm CEO được khi bạn thực sự làm CEO. Không ai, không sách vở nào có thể giúp bạn học trước được cách đối mặt với những gian nan. Bạn sẽ chỉ học được khi thực sự làm nó, thậm chí ngã đau đớn để rồi học được bài học cho chính mình.

Cuốn sách lột tả được những thử thách, quyết định đưa ra cực kỳ khó khăn, không phải là một năm gặp một lần, mà gặp hàng ngày, hàng giờ, mỗi sáng thức dậy. Đây là thực tế phũ phàng và không hề dễ dàng có thể đánh gục ý chí người lãnh đạo bất cứ lúc nào. Nó buộc mình phải có "thần kinh thép", thực sự kiên trì, bền bỉ, gan lỳ để dấn bước.

Do đó tôi nghĩ khởi nghiệp thì nữ giới hay nam giới đều như nhau. Chúng tôi cũng đối mặt với những bài toán giống nhau, không ai có lợi thế hơn ai hay khó khăn hơn ai cả. Có chăng phụ nữ thì hay bị giục lấy chồng sớm hơn.


Thảo Miên