|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

CEO Lộc Trời: Khó khăn lớn nhất khi làm chuỗi giá trị lúa gạo là xoay xở nguồn tiền lớn trong thời gian ngắn

19:30 | 13/12/2023
Chia sẻ
Ông Nguyễn Duy Thuận, CEO Tập đoàn Lộc Trời cho biết hiện nay, các ngân hàng có nhiều ưu đãi cho người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa gạo, tuy nhiên chưa hoàn toàn phù hợp với đặc tính của ngành.

Cuối tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

Tại hội thảo “Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam: Trách nhiệm và bền vững”, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Lộc Trời cho rằng phát triển chuỗi bền vững đang gặp một số rào cản lớn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là doanh nghiệp phải xoay xở nguồn tiền rất lớn, trong thời gian ngắn để mua lúa cho nông dân khi vào vụ thu hoạch rộ.

“Hiện nay, các ngân hàng có nhiều ưu đãi cho người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa gạo, tuy nhiên chưa hoàn toàn phù hợp với đặc tính của ngành. Doanh nghiệp giống như có áo nhưng không mặc được, vẫn phải chịu lạnh”, ông Thuận nói.

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Lộc Trời. (Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Theo ông CEO Lộc Trời, mỗi năm tập đoàn xuất khẩu sang thị trường Philippines khoảng 700.000 tấn gạo. Do đó, ông Thuận đề xuất phía Philippines có thể hợp tác, lập công ty tài chính để cung cấp vốn cho chuỗi liên kết lúa gạo của tập đoàn, sau đó nhận lại bằng nguồn gạo nhập khẩu.

Ngoài vấn đề tín dụng, ông Thuận cho rằng rào cản khác liên quan đến môi trường pháp luật. Tình trạng người dân, doanh nghiệp vi phạm, bẻ kèo, vi phạm hợp đồng hay nhiều hành vi vi phạm khác đang còn diễn ra phổ biến.

Ông Thuận cho rằng sản xuất lúa gạo phải bền vững ở cả ba yếu tố là kinh tế, môi trường và xã hội. Do đó, tập đoàn có ba kiến nghị tương ứng.

Về kinh tế, tập đoàn Lộc Trời cho rằng tổ chức liên kết sản xuất chặt chẽ, gắn quy hoạch diện tích trồng lúa với các nhà máy chế biến để đảm bảo sự ổn định trong chuỗi canh tác và chế biến lúa gạo.

Các nhà máy cung cấp giống và vật tư nông nghiệp cho nông dân theo tiêu chuẩn của thị trường tiêu thụ. Mỗi nhà máy sẽ đăng ký sản xuất cho một nhóm thị trường có chất lượng tương đồng để có thể tạo ra sự ổn định trong cung cấp lúa gạo…

Về xã hội, các bên tham gia liên kết sản xuất, gồm nông dân – hợp tác xã – doanh nghiệp cần tôn trọng các điều khoản đã cam kết trong hợp đồng và thực thi trên cơ sở các quy định của hợp đồng và pháp luật dân sự.

“Khi có tranh chấp xảy ra, các cơ quan quản lý hỗ trợ phân xử theo đúng các cam kết của các bên tham gia, nhằm duy trì được mối liên kết sản xuất bền chặt và đúng pháp luật”, ông Thuận đề xuất.

Về yếu tố môi trường, CEO Lộc Trời đề nghị cơ quan quản lý ban hành quy định về bảo vệ môi trường trong canh tác lúa, bao gồm lượng giống sử dụng không được vượt quá 100 kg/ha, lượng phân bón hóa chất, lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa chất và xử phạt đối với gạo có dư lượng hóa chất cao hơn quy định…

Tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Phú Son (Trường Đại học Cần Thơ) cũng nêu ra nhiều giải pháp xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo trách nhiệm và bền vững, đặc biệt là việc phát triển giống lúa và thương hiệu gạo quốc gia.

Để thực thi giải pháp này, PGS. TS Nguyễn Phú Son cho rằng Nhà nước cần sớm có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu chung cho sản phẩm gạo của Việt Nam. Đây là giải pháp mang tính chiến lược đối phó và thích ứng với cạnh tranh quốc tế, biến đổi khí hậu, nâng cao nhận thức nhu cầu tiêu dùng theo hướng an toàn, xanh và sạch.

Song hành với đó, Nhà nước cần cần có những cơ chế chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi sản xuất kinh doanh của các tác nhân trong chuỗi làm ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến hình ảnh và thương hiệu gạo của Việt Nam.

Theo PGS. TS Nguyễn Phú Son, Chính phủ có thể ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến việc kiểm tra chất lượng các sản phẩm vật tư đầu vào, phát triển và quản lý nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, có chế tài nghiêm khắc với hành vi vi phạm bản quyền, phá vỡ quy hoạch vùng nguyên liệu lúa chuyên canh… để thực hiện hiệu quả đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Cùng với đó, PSG. TS Nguyễn Phú Son cũng nhấn mạnh hai giải pháp khác là nghiên cứu và phát triển các mô hình liên kết bền vững giữa các thành phần trong chuỗi giá lúa gạo và cắt giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành hàng lúa gạo.

Hoàng Anh

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).