|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

CEO Lê Linh Duy: Tận hưởng cuộc sống từ chính những khó khăn

20:16 | 09/12/2017
Chia sẻ
Kiên định với phương châm làm giàu bằng sản vật địa phương kết hợp với sức mạnh công nghệ, để tạo ra nét riêng độc đáo cho sản phẩm gà ác, gà H’Mông, thịt heo giả cày, lươn om chuối… Chàng trai bắt đầu từ nghề dịch sách tôn giáo, triết học ấy đã rẽ ngang sang… Tam Nông, mặc cho bao lời ngăn cản của bạn bè và gia đình.

Trả giá không ít cho những ngày “lơ ngơ” bước chân vào kinh doanh, 12 sản phẩm chế biến của Lê Duy Linh đã có mặt trên khắp các siêu thị cả nước.

Đông Bắc Á cũng là đơn vị nuôi nai bán hoang dã với số lượng lớn theo mô hình từ trang trại đến chế biến, với sản phẩm nhung nai ngâm mật ong được thị trường trong và ngoài nước đánh giá cao.

Tự nhận mình chỉ là… chiếc cầu khỉ nhỏ nhoi nối liền thị trường với người nông dân, để tạo đầu ra cho sản phẩm bản địa, tình yêu với những sản vật quê nhà đã đưa anh đến những chân trời mới mà chính anh cũng không ngờ tới…

Vốn là một chàng trai quen với chữ nghĩa, vì sao anh “liều mình” khởi nghiệp Tam Nông, khi chắng có chút kiến thức nào về kinh doanh?

Tốt nghiệp đại học ngoại ngữ tiếng Anh, rồi học thêm khoa Hán văn, đại học Luật, đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn… tôi lập thân bằng công việc dịch sách liên quan đến tôn giáo, triết học. Sau đó, tôi chuyển qua gia công phim, sản xuất chương trình.

Vào khoảng những năm 2001, 2002, các chương trình truyền hình nở rộ, tôi làm rất nhiều chương trình về tỷ phú nông dân, khởi nghiệp nông nghiệp… nhưng khi đi xin tài trợ không ai thèm đoái hoài.

Thời đó chủ trương Tam nông bắt đầu, biên độ rất rộng. Tôi muốn khởi nghiệp với thị trường ngách là những sản phẩm đặc thù của vùng miền đã tồn tại bao nhiêu thế kỷ nhưng chưa hợp chuẩn

Là người “ngoại đạo”, tôi không muốn lặp lại những sản phẩm cũ, mà muốn có sản phẩm độc đáo chưa ai làm, để từ đó tạo ra thương hiệu.

Nghiên cứu thị trường, thời đó chưa ai đi bán con chim cút, gà H’Mông, mình bắt đầu chuẩn hóa sản phẩm để vô siêu thị

Lúc đó chỉ mới có Coop Mart và Big C. Họ đòi hỏi quy trình sản phẩm khá chặt chẽ, có nguồn gốc xuất xứ, quy mô nuôi ổn định, lò giết mổ đạt chuẩn, phương tiện vận chuyển, bao bì cũng phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm…

Với đặc sản vùng miền, đó là điều vô cùng khó. Món ăn liên quan đến dân dã, truyền thống, xưa giờ bà con mình nấu, tiềm, nhưng có mảnh giấy thú y nào đâu! Tam Nông là đơn vị đi đầu để chuẩn hóa sản phẩm.

Lò mổ cút ở Biên Hòa gần như không có, dù mức tiêu thụ cho TP HCM là hàng chục tấn. Mình phải đích thân xin phép mở lò mổ.

Anh em quản lý cũng muốn sản phẩm địa phương được lưu thông phát triển, nhưng họ vẫn ngỡ ngàng, vì không biết xếp con cút vào loại gia cầm nào? Con cút đâu phải là con chim!

Mất khoảng 2 năm trời hoàn thiện hết các khâu, sản phẩm của tôi mới được vào siêu thị.

ceo le linh duy tan huong cuoc song tu chinh nhung kho khan
Ông Lê Linh Duy, CEO công ty Tam Nông kiêm Tổng Giám đốc công ty thực phẩm Đông Bắc Á.

Một người dịch sách đi lần mò con gà, con cút… anh đã nhiều lần nếm trải thất bại đau thương?

Lúc đó tôi có nhiều lựa chọn, nhưng khi chuyển ngàng sang nông nghiệp, sự ngạc nhiên, chống đối, ngỡ ngàng của gia đình và bạn bè rất lớn. Nhưng nó gắn với đam mê, tâm huyết, nhìn thấy được hướng phát triển, mình vẫn kiên định.

Tiếp theo Tam Nông làm sản phẩm đặc thù hơn là gà cúng cho siêu thị, heo rừng, thịt bò tơ, thịt dê… với cấp độ tăng trưởng lớn, cung cấp cho hơn 500 siêu thị cả nước và 400 nhà hàng lớn…

Sản phẩm địa phương có tính vùng miền phải có vùng nguyên liệu ổn định. Phải tập trung hóa, làm ra trang trại bài bản, có giấy phép chăn nuôi, lịch tiêm chủng, trích suất nguồn gốc để giết mổ…

Việc đó bản thân người chăn nuôi cũng lúng túng, mơ hồ, kể cả cơ quan quản lý. Nhưng mình nghĩ ra hướng làm, dù chậm vẫn hợp thức hóa mọi thứ.

Nhưng tôi đã nếm trải thất bại đầu tiên là kỳ vọng của mình về bán hàng. Hớn hở sản phẩm vô siêu thị, tưởng là may mắn lắm rồi, không cân nhắc chiết khấu của siêu thị thế nào, kết cục hai năm mình … âm vốn.

Cuối cùng chỉ được nhất là tạo đầu ra ổn định cho nông dân, khiến nông dân bắt đầu hứng thú. Vừa phải đem những chính sách bán hàng tốt nhất cho siêu thị, vừa chăm chăm đầu ra cho bà con, lợi nhuận gần như trắng tay, âm ít nhất 1.520%.

Bên cạnh đó, những thất bại về sản phẩm rất nhiều, như vận chuyển hàng hóa do số lượng bán ra không nhiều, phải gộp các loại vào mới đủ một xe, bị hủy, bị phạt rất nhiều… tiền lời không đủ bằng 1/10 lương mình ngày xưa!

Khi khắc phục được lỗi này rồi thì thị trường thấy mình có sản phẩm mới bắt chước rất nhanh, nông dân lại tăng giá, ba bốn hộ dân hợp với nhau lại ra sản phẩm y như mình.

Họ nghĩ mọi thứ rất dễ dàng, làm ra hỗn loạn về giá, thiếu tiếng nói chung giữa nông dân với mình, lệch pha nhau.

Một đối thủ cạnh tranh thấy mình làm được cũng hạ giá thành.

Trong cái khó bó cái khôn, mình lại chuẩn hóa hệ thống một lần nữa thành chuyên nghiệp hơn, hình thành những trang trại có tính chuyên nghiệp về con giống, thuốc men, bảo đảm nguồn gốc sản phẩm và sản lượng đáp ứng thị trường…

Cản ngại lớn nhất với anh là gì khi làm việc với nông dân đủ mọi vùng miền khác nhau?

Ngoài chuyện hợp tác trên cơ sở tình cảm, niềm tin, cần ràng buộc có tính cơ chế. Vì sản phẩm vùng miền thường có tính mùa vụ, nhiều nhưng không hệ thống hóa nó được nên thương hiệu vẫn thiếu tính hệ thống, người nông dân rất dễ dàng phá vỡ hợp đồng.

Đòi hỏi người chuẩn hóa thương hiệu cho địa phường phải bằng mọi cách làm chủ được nguồn nguyên liệu, làm sao cho hai bên có lợi dài hạn, không phải tính lợi nhuận theo mùa vụ như kiểu người nông dân từ trước đến giờ.

Biên độ giá chênh lệch mấy chục ngàn khi được mùa, mất giá là rào cản rất lớn.

Con đường tìm kiếm để đem yếu tố công nghệ vào tài nguyên bản địa của anh cũng đầy chông gai?

Mày mò để thổi công nghệ vào những sản phẩm đặc thù.. tôi thấy kim chi Hàn Quốc, sâm Hàn Quốc thì đầy rẫy trong siêu thị, nhưng những món ăn đóng hộp là đặc sản của Việt Nam gần như vắng bóng trên kệ siêu thị.

Mình chuyển sang mức đầu tư cao hơn, nhập dây chuyền đóng hộp tự động chất lượng cao cho món lươn om chuối đậu, cá kho tộ, gà ác tiềm thuốc bắc…bảo đảm thời hạn sử dụng ba năm, không sử dụng chất bảo quản.

Mặc dù xuất khẩu tiểu ngạch rất tốt, nhưng trong thị trường nội địa lại rất khó tung hàng. 12 sản phẩm phải mở mã trong siêu thị bằng khoản tiền rất lớn, trong khi người Việt không thích ăn đồ hộp Việt! mà chỉ chuộng đồ hộp Tây…

Ban đầu khởi nghiệp chỉ dựa vào đồng vốn tích lũy của mình bao nhiêu năm, khi ổn, có dư giả, tích lũy, vẫn phải vay rất nhiều để mua sắm máy móc thiết bị tiệt trùng, thanh trùng. Chỉ máy in nhãn trên hộp cũng mấy trăm triệu, đó là số tiền tích cóp từ ba năm.

Phải có tâm huyết, khát khao, mới chấp nhận hy sinh như thế

Bên cạnh đó, để bán được, đội ngũ bán hàng phải rất nhiệt huyết. Thay đổi điều kiện kinh doanh cho anh em, trong khi thị trường không phải dễ dàng, là cả quá trình.

Nhưng xác định quay đầu để rút kinh nghiệm, đi đúng hướng, chứ không phải quay đầu để trở lại bờ, tìm sự an toàn!

Nhung nai ngâm mật ong là sản phẩm mang hàm lượng công nghệ cao của Đông Bắc Á, ý tưởng xây dựng từ trang trại đến chế biến của anh cũng từng vấp phải những thử thách sống còn? Mất bao nhiêu năm nghiên cứu anh mới ra được sản phẩm?

Đàn nai hiện tại của Việt Nam có hạng trên thế giới, nhưng bà con không biết làm gì khác là nấu cháo cho quý ông. Không ai nghiên cứu làm ra sản phẩm nhung nai cả.

Công ty tự lập trang trại nuôi nai lớn nhất ở Ban Mê Thuột với quy mô khoảng mười mấy héc ta, có đồng cỏ với hơn 1500 con nai trên toàn quốc.

Sản phẩm nhung nai đã bắt đầu bán trên Lazada rồi.

Kỳ vọng của tôi làm sao những sản phẩm mang tính địa phương, vùng miền phải được nhân rộng, không chỉ gói gọn ở địa phương, mà tiêu thụ rộng rãi ở những vùng miền không có sản phẩm đó, và xuất khẩu được.

Có những sự cố ảnh hưởng đến cả tính mạng của mình. Khi thử nghiệm sản phẩm không đạt, mất ăn mất ngủ.

Về kỹ thuật máy móc phải có dây chuyền tiệt trùng, ban đầu anh em công nhân chưa thuần thục, chuyển giao công nghệ chưa rõ ràng, có lần bị nổ máy tiệt trùng vì quá áp. Chỉ là cơ may, vì sức ép của nó bằng 500 nồi áp suất ở nhà.

May là anh em công nhân vừa bước ra để ăn trưa, còn hai ba anh em chuyên môn và tôi kịp nấp được an toàn, chuyện đau đớn lắm…

Mất mười năm nghiên cứu, tôi mới sản xuất ra được sản phẩm nhung nai. Về công nghệ, mình vẫn phải học những nước có công nghệ cao hơn mình như Úc, Canada, châu Âu…

Nhưng tính độc đáo của sản phẩm mình vẫn giữ được từ nguyên liệu của địa phương, đó là cái hồn sản phẩm, không bị lai tạp…

Từ nhung tôi còn làm ra những sản phẩm cao cấp khác như rượu nhung Safari, phấn hoa. Sản phẩm nhung nai hiện có mặt trên 1500 nhà thuốc trên toàn quốc.

Nai là con vật rất đặc biệt, con gì cắt sừng đều không mọc lại được, riêng con nai mọc sừng theo chu kỳ. Trong y thư, nhung nai là một trong 4 thượng dược, ba loại kia đều là thực vật, chỉ có nhung là từ động vật.

Nhung nai của tôi đã có mặt trên thị trường Hàn Quốc với số lượng tiêu thụ rất lớn vì họ không nuôi nai được. Họ đánh giá rất cao về bao bì, chất lượng, mẫu mã của mình không thua kém gì nước ngoài cả. Thị trường người Việt nước ngoài cũng rất lớn, họ rất thích những sản phẩm bản địa,

Một kỷ niệm đau đớn mà tôi còn nhớ mãi. Ban đầu tôi định mở trại bò Úc giống rất lớn, nhập bò sinh sản, nhưng bị đơn vị nhập khẩu đánh tráo bò giống thành bò thịt, trong khi bò giống đắt gấp ba bò thịt.

Nuôi hoài không đẻ, tồn rất nhiều tiền của, trong vô vọng cứ nghĩ nó mập lên là sắp đẻ! Cuối cùng phải nhờ các chuyên gia giám định, mới biết bò của mình đã bị… cắt hết buồng trứng!

Tôi mất trắng khoảng 20 tỷ cho đợt nhập bò sinh sản đó…

Tôi muốn tạo ra đàn bò lai. Indonesia vẫn nhập bò về, một đơn hàng phải kèm theo bao nhiêu con bò giống, để từng bước làm chủ đàn bò của mình. Trong khi Việt Nam nuôi bò giống đếm trên đầu ngón tay, chỉ nhập bò thịt về vỗ béo, giết mổ.

Phải chủ động nguồn nguyên liệu đang lệ thuộc, nhưng khi làm điều đó lại bị lừa gạt bởi sự ngu ngơ của mình. Đau đớn hết sức khi mình phải trải qua cả một thời gian rất dài để chăm sóc đàn bò để rồi công cốc…

Hình ảnh nông dân “được mùa mất giá” dường như ám ảnh anh từ những ngày thơ ấu?

Con nai con hươu rất phổ biến ở miền Trung, đặc biệt Nghệ An, Hà Tĩnh. Bố mẹ tôi quê ở Nghệ An, di cư vào Buôn Mê Thuột, có được con nai là tài sản rất lớn. Nhưng một thời gian nhiều gia đình bán nhà cửa đầu tư nuôi nai, khiến cho dội hàng, rớt giá, không ai mua nhung nữa, nhiều gia đình rớt xuống vực thẳm nợ nần. Thời điểm đó tủ lạnh không có, họ phải lấy nhung nấu cháo…

Con nai từ ánh hào quang rất lớn, đến 2016 nai rẻ như chó, họ bắt đầu giết thịt nai để ăn. Ngay cả bây giờ cũng vậy, đa dạng hóa sản phẩm về nhung gần như không có, người dân chỉ biết sấy khô để bán. Rang khô là cách sai lầm nhất, biến nó từ thượng dược trở thành thấp cấp, mọi thứ bổ dưỡng đều về không.

Từ sản phẩm vùng miền bắt buộc phải kiếm cho nó thị trường, đầu ra, công nghệ hóa mới sống được. Vì nhu cầu thị trường hiện tại rất cao, người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm rất tốt.

Ngay cả mẫu mã, phương thức chăm sóc khách hàng rất khác, nếu mình không theo được thì làm ra sản phẩm tốt mấy cũng không lưu thông được. Phải tạo cho khách hàng cảm nhận vượt qua kỳ vọng, chứ kiểu kêu gọi để đánh vào lòng trắc ẩn, được “giải cứu” là rất tầm thường.

Tôi may mắn hợp tác được với một số giáo sư ở đại học Nha Trang, lương y, bác sĩ có kinh nghiệm nghiên cứu hợp tác về cận lâm sàng, quy trình khoa học, tạo niềm tin và giá trị sản phẩm được nâng lên

Đến thời điểm này, cái được lớn nhất với anh là gì khi bước chân vào kinh doanh?

Nông nghiệp đem đến cho mình cảm hứng mãnh liệt rằng Việt Nam có rất nhiều sản phẩm để làm giàu một chính đáng và ngon lành. Về độ phong phú, về sản lượng và chất lượng đều có thể khai thác được. Bên cạnh đó, cảm giác tự hào về sản phẩm, nhìn thấy hướng đi rất triển vọng.

Vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng để phát triển sản phẩm từ nền tảng bản địa. Vinamit của anh Nguyễn lâm Viên cũng dựa trên sản vật có tính đặc thù, khi lựa chọn đúng sản phẩm, hợp tác đúng đối tượng thì sự phát triển mạnh mẽ là hoàn toàn có thể. Nếu làm chỉn chu sẽ chiếm thị phần rất lớn ở các quốc gia khác.

Anh có buồn nhiều không khi trong thực tế, việc khai thác tài nguyên bản địa vô tội vạ, biến thực phẩm sạch thành thực phẩm bẩn vẫn tràn lan?

Tài nguyên bản địa bản thân nó rất sạch, chỉ do con người tác động vào. Không ai mong muốn sản phẩm bẩn, nhưng tại sao nó vẫn xảy ra, vấn đề là ở cơ quan quản lý trên chính địa phương đó.

Về Phú Quốc thấy rượu sim rất độc đáo, bản thân doanh nghiệp không làm bẩn, nhưng đối thủ cạnh tranh lại muốn làm ra sản phẩm như vậy nhưng thiếu cái tâm, nên tạo ra sản phẩm bẩn.

Điều buồn nữa là sự manh mún của đơn vị làm ra sản phẩm, không có hệ thống, không chuyên nghiệp, muốn qua ngày đoạn tháng… khiến sản phẩm bản địa tính trường tồn hàng ngàn năm trở nên chết yểu trong giây lát, ảnh hưởng đến danh tiếng của cả vùng, không phát triển được.

Quả dừa, đu đủ, nhãn cuối cùng manh mún, không kiển soát thuốc men, muốn lợi nhuận nhanh, kéo theo rất nhiều người đã từng sống với sản vật đó lụn bại, khó khăn hết sức…

Theo anh, làm thế nào để biến Mekong đen thành Mekong xanh?

Bản thân của nó là sạch, mình làm nhuốm bẩn nó, để sạch lại cần sự hoàn lương của con người. Có thể mất thời gian dài, nhưng đó là nhiệm vụ bắt buộc mà những người thao thức với nó bằng cách này cách khác phải trả lại sự công bằng cho tài nguyên bản địa. Ngay cả những cái không khai thác bị trầy trụa, xây xước, phải có giải pháp làm cho nó lành lặn trở lại

Con người càng nhận thức tốt về giá trị tài nguyên bản địa thì mọi cái sẽ được nhìn nhận, bù đắp cho nó đúng nghĩa với những gì nó đã mang lại cho con người. Nếu tự cá nhân mỗi người dân Mekong có ý thức không xịt thuốc lên cây trái, không xả rác xuống kênh mương, không làm tổn hại đất đai thì mọi cái sẽ được cải thiện.

Vai trò Nhà nước phải quản lý chặt chẽ. Bà con đâu muốn khoan giếng, nhưng không khoan thì nước sạch có đâu mà xài?

Vai trò dẫn dắt, định hướng cho bà con ý thức cụ thể cần phải được bảo tồn, nuôi dưỡng.

Xử lý triệt để những đơn vị làm tổn hại thanh danh, gây ảnh hưởng xấu đến tài nguyên bản địa dù trực tiếp, gián tiếp, gây hại đến sức khỏa của người tiêu dùng.

Cần chuyên nghiệp, cần sự tử tế, cần tầm nhìn…của tất cả mọi thành phần.

ceo le linh duy tan huong cuoc song tu chinh nhung kho khan
Ông Lê Linh Duy và những sản phẩm của doanh nghiệp do ông thành lập.

Anh nghĩ sao khi đầu tư nông nghiệp cũng là mảnh đất màu mỡ cho những đại gia tìm kiếm cơ hội làm giàu bất chấp, lại được hưởng rất nhiều ưu đãi?

Những đại gia có tính cơ hội chỉ tồn tại trong giai đoạn có tính thời kỳ, mọi thứ đều gạn đục khơi trong, để ảnh hưởng thanh danh lâu dài rất khó. Cả đất nước, con người luôn có nhận thức rất sâu về nông nghiệp.

Bên cạnh đó, tiếng nói của những diễn đàn, kênh thông tin phổ biến hơn thì những mặt tối trong nông nghiệp sẽ bớt, khó lòng để làm đen ngòm một sản vật trong lâu dài.

Quả thật một con mèo cắp một con cá thì bị ném đá, nhưng một con cọp cắp một con trăn thì bỏ qua, lợi ích nhóm, những vấn nạn lớn phải có sự quyết liệt của cả thể chế.

Anh muốn chia sẻ điều gì với những bạn đang chật vật khởi nghiệp bằng nông nghiệp?

Phải tự hào Việt Nam đang có nhiều sản vật phong phú mà anh em có thể khởi nghiệp. Lối đi ngay dưới chân mình, phải quan sát, yêu thương nó, để tìm kiếm một con đường. Nếu cho tôi tiếp tục khởi nghiệp, tôi vẫn nhìn nhận sản vật vùng miền, chứ không đi tìm những cách làm giàu nhanh hơn. Hãy kiếm đầu ra cho những sản phẩm của quê hương mà mình trăn trở, chắc chắn sẽ có thành quả tốt đẹp ngoài sự mong đợi.

Cho dù có sất bất sang bang, nhưng tôi vễn giữ được sự bình tĩnh, quyết liệt để đi theo con đường đã chọn. Tâm tính là do giáo dục gia đình và do rèn luyện, mọi khó khăn, bất an cần có sự bình tĩnh, nhìn nhận chan hòa, không quá vội vàng, tham lam, không suy tính quá nhiều để trục lợi, để nổi tiếng, quan trọng là mình chia sẻ được với nhiều người, khiến cho mọi người an bình. Muốn thế, mình phải sống gương mẫu trước tiên.

Tôi chỉ là chiếc cầu nối giữa thị trường với bà con nông dân, một chiếc cầu khỉ, cầu tre rất bé. Tôi mong các bạn khởi nghiệp hãy xây những cây cầu lớn, vững chãi hơn cho bà con nông dân. Dù có rất nhiều cơ hội để lựa chọn hướng đi nhẹ nhàng hơn, dấn thân cũng mệt mỏi, nhưng với tôi, tận hưởng cuộc sống chính là từ khó khăn, chứ không phải là chỗ nào xa vời

Điều gì giúp anh giữ được đức tin mạnh mẽ?

Bản thân tôi từ nhỏ có khuynh hướng đi tu. Đạo là đường, đức tin giúp cho mình hướng thiện.

Những cám dỗ, mưu chước, biến đổi bên ngoài có ảnh hưởng đến mình chăng nữa cũng nhờ hướng thiện mà điềm tĩnh lại.

Từ triết lý đó, mình phải duy trì phẩm hạnh, kinh doanh là dựa trên lợi nhuận, nhưng phải kinh doanh có đạo đức.

Ngành thực phẩm nếu bẩn không chỉ ảnh hướng tới tương lai giống nòi mà trực tiếp ảnh hướng đến người sản xuất ra nó, đó là quả báo nhãn tiền.