|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

CEO GotIt!: Ý tưởng là thứ rẻ mạt nhất trong khởi nghiệp

16:02 | 22/11/2016
Chia sẻ
Với những kinh nghiệm thu được từ Thung lũng Silicon, Hùng Trần, CEO của ứng dụng GotIt! nhận ra một ý tưởng chỉ có giá trị khi biến thành sản phẩm dịch vụ.
ceo gotit y tuong la thu re mat nhat trong khoi nghiep
Các diễn giả đều khuyên người trẻ không nên khởi nghiệp ngay dù Chính phủ và các quỹ hỗ trợ hiện đang rất khuyến khích hoạt động khởi nghiệp (Ảnh: BTC)

Tại sao không nên khởi nghiệp ngay?

“Một tuần vừa rồi ở Việt Nam tôi đã giúp 7 công ty tự giải tán” là câu đầu tiên mà Hùng Trần, CEO của GotIt! nói khi bắt đầu buổi chia sẻ với sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân diễn ra gần đây.

Hùng Trần cho rằng, các bạn trẻ không nên khởi nghiệp ngay khi vừa có ý tưởng mà chưa chuẩn bị kỹ càng. “Ở Silicon Valley, ý tưởng là thứ rẻ mạt nhất khi chúng luôn luôn xuất hiện mỗi ngày. Ý tưởng chỉ có giá trị khi biến thành sản phẩm dịch vụ và ai hiện thực hóa được quá trình ấy trước thì người đó thắng”.

Vị CEO nhấn mạnh, Silicon Valley là “vùng trũng công nghệ”, ý tưởng nở rộ, cơ sở vật chất và chính sách đều rất thuận lợi, vậy mà trung bình vẫn có 9/10 ý tưởng bị chết.

Cũng là một khách mời trong buổi chia sẻ, Nguyễn Đặng Tuấn Minh, CEO của đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp KisStartup, dẫn lời một đối tác: “Khi nào chưa làm việc đủ 16 tiếng/ ngày thì đừng nghĩ đến chuyện khởi nghiệp”. Khởi nghiệp rồi sẽ có hàng trăm thứ đổ vào đầu bạn một lúc, liệu bạn có sẵn sàng?

Bà Tuấn Minh nói thẳng: “Các bạn chưa nuôi sống được bản thân thì đừng nghĩ đến chuyện khởi nghiệp. Trách nhiệm của nhà trường là hướng dẫn sinh viên để tiết kiệm chi phí nhất khi khởi nghiệp, để dù có thất bại thì cũng không gây tổn thất quá lớn. Bởi thất bại khi làm một startup là điều đương nhiên nên các bạn phải luôn nhớ quy tắc “Fall fast – fall cheap” (thất bại nhanh – thất bại rẻ) trong đầu”.

Đồng tình với quan điểm đó, CEO Hùng Trần nêu thêm ví dụ về câu chuyện của hai nhà sáng lập Uber khi bắt đầu tiến hành khảo sát. Họ mua 2 chiếc ô tô và lái đi quảng cáo suốt ngày nhưng không bắt được khách. Sau khi thử cài đặt ứng dụng mới thì có nhiều người biết đến và gọi xe, ban đầu họ nhờ bạn bè ở gần địa điểm của khách hàng đến đón khách. Khi số lượng khách hàng tăng lên họ mới mở rộng hệ thống.

Tương tự Uber, Hùng Trần cũng từng gọi hơn 400 cuộc trong một tháng để khảo sát nhu cầu người dùng. "Nuôi GotIt! trong bao năm, có những lúc phải ăn mì tôm dài ngày. Sau khi ra mắt, tôi mất 9 tháng để thay đổi theo những feedback đầu tiên và mất thêm 6 tháng nữa để tiếp tục chỉnh sửa. Việc cải tiến ứng dụng diễn ra từng ngày, thậm chí nhiều lần mỗi ngày”.

Các startup lớn đều phải bắt đầu cẩn thận từng bước như vậy sau bao nhiêu thời gian chuẩn bị, vì vậy bạn không thể vội vàng.

Việc người trẻ vội khởi nghiệp đang khiến chính doanh nghiệp phải đau đầu “bởi không tìm được nhân viên giỏi”. “Trào lưu khởi nghiệp đang làm hại doanh nghiệp khi các bạn có năng lực một chút thường tách ra lập công ty riêng. Đáng nói là có trường hợp họ ra đi và mang theo cả bí kíp kinh doanh của đơn vị đó”, đại diện KisStartup nói.

Vị này còn nhấn mạnh: Nên đi làm thêm tích lũy kinh nghiệm trước hoặc khởi nghiệp ngay thì tùy bạn, nhưng các công ty có rất nhiều thứ đáng để các bạn học hỏi.

Tìm nhà đầu tư cần “chọn mặt gửi vàng”

Về vấn đề gọi vốn đầu tư, CEO GotIt! cho rằng, không nên vội vàng và phải cẩn trọng bởi nếu gặp phải nhà đầu tư không tốt, họ có thể bỏ rơi nhà sáng lập bất cứ lúc nào, có thể lập tức thay CEO khi startup gặp khó khăn.

Ngược lại, nhà đầu tư tốt sẽ nhìn thấy chiến lược dài hơi, họ sẽ tin tưởng và cùng bạn vượt qua những đoạn đường khó đi bởi cả hai có chung mục đích cuối cùng. Họ sẽ quan tâm đến cả mức sống của nhà sáng lập startup vì biết rằng tinh thần bạn thoải mái thì mới tạo ra được sản phẩm tốt nhất.

Còn bà Tuấn Minh nhận định: “Ở những nước sáng tối còn nhập nhèm như Việt Nam, nhà đầu tư rất tham, họ có thể hành bạn đến chết. Nhà đầu tư Việt hiện còn chưa chuyên nghiệp và cần đào tạo”.

Đã nhiều năm làm việc tại Silicon Valley, Hùng Trần so sánh: “Ở Mỹ, ban đầu hai bên có thể mặc cả thoải mái, nhưng đã ký hợp đồng rồi thì phải xác lập quan hệ đối tác. Việc hợp tác với nhà đầu tư giống như cưới vợ vậy, nhưng vợ còn được ly dị chứ quan hệ với nhà đầu tư sẽ là mãi mãi không thể tách rời”.

Khởi nghiệp trên đất Mỹ không chỉ có lợi thế về cơ sở vật chất, hành lang pháp lý, mà chính các nhà đầu tư tại đây cũng chuyên nghiệp hơn hẳn. Họ đã quen với việc gặp phải khó khăn, thậm chí là thất bại của startup nên luôn có cách ứng xử phù hợp.

ceo gotit y tuong la thu re mat nhat trong khoi nghiep
Nhà đầu tư thông minh sẽ quan tâm đến cả mức sống của người sáng lập bởi họ biết chỉ khi tinh thần bạn thoải mái thì mới tạo ra sản phẩm tốt nhất, anh Hùng Trần cho biết (Ảnh: BTC)

Không những thế, Silicon Valley còn đem lại cho GotIt! cơ hội thu hút được nhiều nhân tài giỏi đến từ các hãng Google, Facebook… “Ngay các công ty lớn ở Việt Nam cũng chưa chắc đã kiếm được những nhân sự như thế. Tại đây, mọi người đều bình đẳng chia sẻ thông tin với nhau, không mặc định người sáng lập là biết tuốt”, vị CEO hãnh diện khi nhắc đến các cộng sự.

CEO Hùng Trần còn chia sẻ thêm: “GotIt! đã giúp các sinh viên giải đáp hơn 3 triệu câu hỏi, số chuyên gia hiện đã lên đến hơn 200 nghìn người trên toàn thế giới, trong đó có khoảng 300 sinh viên Việt Nam. Chúng tôi đã đào tạo được thế hệ kỹ sư ban đầu tương đương “một mười một tám” với đội ngũ tại Silicon Valley”.

Đây chính là cơ hội cho sinh viên Việt Nam tham gia vào một startup chuyên nghiệp, được làm việc và cạnh tranh với sinh viên quốc tế và có mức thu nhập part time lên đến hơn 500 USD/tháng.

GotIt! (có nghĩa là Hiểu rồi!) là một ứng dụng giáo dục giúp học sinh, sinh viên kết nối với chuyên gia để tìm lời giải đáp cho bài tập của mình chỉ trong vòng 10 phút. Hiện đây là ứng dụng đứng thứ 2 về lượng download trong mảng giáo dục tại Mỹ.

Linh Lê

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.