CEO Asanzo: Từ người bưng phở, tải hàng đến ông chủ hãng TV triệu đô
Cộng đồng khởi nghiệp có lẽ không còn xa lạ với Asanzo - top 4 thương hiệu TV chiếm thị phần cao nhất Việt Nam, theo bình chọn của Tech Award. Đạt doanh thu nghìn tỷ đồng mỗi năm, tốc độ tăng trưởng trên 40% là những thành quả mà Asanzo gặt hái được chỉ sau 4 năm gia nhập thị trường.
Những con số ấn tượng này có được không thể không nhắc đến tài cầm cương của doanh nhân 8X - Phạm Văn Tam. Vị doanh nhân từng chia sẻ: “Tôi thà bỏ học chứ không bỏ làm”.
Đi lên từ bưng phở, áp tải hàng
Sinh năm 1980 tại Quảng Ninh, sau khi học hết phổ thông, Phạm Văn Tam quyết định không vào đại học. Cậu thiếu niên ngày ấy không tha thiết với việc học cao mà chỉ đau đáu kiếm tiền.
Phạm Văn Tam chia sẻ: “Ở quê tôi, mọi người chọn sản xuất, buôn bán để làm giàu, chẳng mấy ai vào đại học và chọn con đường sự nghiệp công danh. Tôi học cách kiếm tiền từ những ngày còn nhỏ. Cũng như những bạn bè đồng trang lứa trong vùng, tôi không mặn mà với việc vào đại học”.
Phạm Văn Tam lập nghiệp từ sau khi tốt nghiệp THPT. |
Quyết định táo bạo này đã đưa cậu thiếu niên vùng Móng Cái trải qua nhiều nghề như chụp ảnh, bưng phở, áp tải hàng, buôn linh kiện... trước khi trở thành một doanh nhân và chủ tịch tập đoàn điện tử lớn.
Không ai ngờ chàng trai bỏ học năm 18 tuổi giờ đã trở thành ông chủ hãng điện tử “made in Vietnam” với tổng tài sản lên đến hàng triệu đôla.
“Trái ngọt” không đến từ may mắn
Bén duyên với chiếc tivi từ năm 11 tuổi, đam mê máy móc đã thôi thúc Phạm Văn Tam dấn thân vào ngành điện tử. Anh Tam quyết tâm tạo ra chiếc tivi mang thương hiệu Việt, tự xây đế chế cho riêng mình.
Nếm trải những thăng trầm của buổi đầu khởi nghiệp, anh Tam khẳng định thành tựu Asanzo có được không phải điều kỳ diệu hay may mắn, mà xuất phát từ sự thấu hiểu khách hàng. Tất cả được vị CEO đúc kết từ 18 năm lăn lộn buôn bán linh kiện ở chợ Nhật Tảo và vấp ngã đau đớn trên thương thường.
“Để phát triển một thương hiệu điện tử, nhất là với doanh nghiệp thuần Việt như Asanzo là rất khó. Tiền có thể không có nhưng phải có kinh nghiệm”, ông chủ hãng tivi “made in Vietnam” nhấn mạnh.
Nhờ 18 năm lăn lộn trên thương trường, người dẫn đầu Asanzo hiểu rõ sản phẩm của mình nằm ở phân khúc nào, nên bán cho ai và phục vụ đối tượng nào trong xã hội. “Lĩnh vực khác thì tôi không dám chắc, còn với điện tử thì tôi rất tự tin” anh Tam khẳng định.
Hiểu sâu nhưng phải sát
Cũng nhờ am hiểu thị trường và khách hàng, vị doanh nhân trẻ đã xác định khu vực nông thôn là trọng tâm ngay từ lúc “khai sinh” Asanzo.
Doanh nhân 8X chia sẻ: “Đối với những tập đoàn lớn, thị trường nông thôn chỉ là miếng bánh nhỏ. Nhưng đối với một doanh nghiệp nhỏ thì đây là quá lớn”.
Để khẳng định chiến lược của mình là đúng đắn, Asanzo quyết định địa phương hóa sản phẩm theo vùng miền. Lấy ví dụ ở Cà Mau, nhiều người đi lại bằng ghe thuyền, điện vẫn chưa phủ sóng hết và nhiều thiết bị chạy bằng ắc quy, nhà không chia nhiều phòng, không gian thông suốt nên loa phải to nghe mới “đã”. Asanzo tận dụng đặc điểm này để giới thiệu dòng tivi chạy bình ắc quy với màu chủ đạo là đỏ và vàng - gam màu được người dân địa phương yêu thích.
Địa phương hóa sản phẩm là chiến lược chủ đạo của hãng tivi Việt. |
Doanh nhân sinh năm 1980 kể lại hành trình thị sát: “Đi sâu từng tỉnh, huyện, xã, tôi mới thấy nhu cầu của người dân còn rất nhiều và đa dạng, phải cực kỳ sâu sát mới có thể đáp ứng kịp thời và đúng nhu cầu”.
“Chúng tôi thậm chí còn tập trung vào tuyến huyện. Ví như huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau vốn là vùng sông nước chuyên nuôi trồng thủy sản, nhu cầu của người dân là mang tivi ra ngoài hồ để xem. Asanzo phải sản xuất dòng tivi chống nước biển xâm nhập, bởi nước biển vào mao mạch dễ bị hỏng, màn hình nước biển vào sẽ mờ”, anh Tam phân tích.
Đi vào từng ngóc ngách nông thôn chưa đủ, ông chủ Asanzo còn mạnh dạn mở rộng sản phẩm nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của thị trường. Từ điện lạnh, điện gia dụng đến điện thoại, Asanzo đã bổ sung loạt thiết bị vào danh mục sản phẩm của mình, đồng thời không ngừng cải tiến chất lượng sản phẩm để phù hợp nhu cầu và thị hiếu của người dân.
Câu chuyện của Phạm Văn Tam là hình mẫu điển hình cho những doanh nhân bỏ học từ sớm nhưng không ngừng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để nghề dạy nghề, góp nhặt kiến thức từ “trường đời” làm nên sự nghiệp.
“Thời niên thiếu tôi có thể không học cao. Với tôi, kinh nghiệm trường đời là người thầy duy nhất” - anh Tam bộc bạch.