|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

CEO Anphabe: Nhân viên lương cao chưa chắc hạnh phúc

08:15 | 25/09/2018
Chia sẻ
Ngoài lương thưởng, môi trường làm việc hạnh phúc còn phụ thuộc vào văn hóa, cơ hội phát triển doanh nghiệp, theo quan điểm của giám đốc Anphabe.

 

24 yếu tố khiến nhân viên hạnh phúc

Những năm gần đây, khái niệm “nguồn nhân lực hạnh phúc” được nhiều doanh nghiệp quan tâm, chú trọng đầu tư. Ngày càng nhiều công trình nghiên cứu về mức độ hạnh phúc của nhân viên, tác động tích cực từ đội ngũ tới sự phát triển bền vững của công ty ra đời.

Theo Thanh Nguyễn – nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Công ty Anphabe, nhân sự thực sự hạnh phúc khi gắn kết lý trí, tình cảm và chuyển đổi thành động lực xây dựng công ty. Họ vui sướng trải nghiệm công việc sẽ tạo ra giá trị tích cực cho doanh nghiệp.

ceo anphabe nhan vien luong cao chua du hanh phuc
Thanh Nguyễn - nhà sáng lập & Giám đốc điều hành Công ty Anphabe.

“Khi Anphabe bắt đầu đề cập về nguồn nhân lực hạnh phúc, nhiều nhà quản lý nói rằng việc ít, lương cao thì người lao động vui, còn ông chủ buồn. Thực tế cho thấy, nhiều người lương cao nhưng không nỗ lực hết sức, tự hào về công việc, nghỉ làm vì quá vất vả. Lương không tạo ra hạnh phúc, mà nó chỉ góp phần mang đến hạnh phúc”, Thanh Nguyễn khẳng định.

Qua cuộc khảo sát, Anphabe đưa ra 24 yếu tố chia thành 6 nhóm giúp người lao động hạnh phúc, bao gồm: lương thưởng, cơ hội phát triển, văn hóa doanh nghiệp, lãnh đạo quản lý đối xử với đội ngũ, chất lượng cuộc sống nhân viên, danh tiếng công ty. Nữ CEO cho biết, nơi làm việc tốt nhất là nơi làm việc toàn diện. Ngoài phúc lợi vừa phải, họ đầu tư vào các yếu tố khác để gia tăng lý do gắn kết của nhân viên với công ty.

Với nhà quản lý không tuyển dụng, giữ được nhân sự tốt, Thanh Nguyễn cho rằng họ nên đánh giá lại môi trường làm việc dưới góc nhìn của từng nhân sự hiện tại. Trong 24 điều kiện hạnh phúc, công ty cải thiện điểm yếu, đồng thời tích cực quảng bá điểm tốt cho người lao động biết.

Xua tan “zombie công sở”

Năm 2017, Anphabe lần đầu tiên đề cập khái niệm “zombie công sở” (xác sống công sở) tại Hội nghị nhân sự: Nguồn nhân lực Việt Nam hạnh phúc. Công ty công bố kết quả khảo sát 26.000 người lao động: Chỉ 13,6% nhân viên thật sự gắn kết với doanh nghiệp, 46,9% gắn kết, 36,8% thờ ơ, 2,5% rất không gắn kết. Đặc biệt, trong 39,3% nhân sự thờ ơ với công việc thì 67% người tiếp tục ở lại.

Trò chuyện trong chương trình Café Khởi nghiệp gần đây, Thanh Nguyễn lý giải, “zombie công sở” là người làm việc dưới sức, không gắn kết nhưng vẫn ở lại công ty. Họ trở thành “xác sống” trong văn phòng, giết chết năng lượng của người xung quanh, ảnh hưởng đến văn hóa, hiệu suất của cả doanh nghiệp.

Video: Doanh nhân Thanh Nguyễn trong Café Khởi nghiệp.

Thanh Nguyễn nhận định, hiếm có môi trường mà khiến 100% nhân sự hạnh phúc. Chỉ số “zombie công sở” đang gia tăng đáng kể (2015: 35%, 201: 37%, 2017: 45%). Các doanh nghiệp đối mặt với nhiều rủi ro khi trung bình trong hai nhân viên sẽ có một người gắn kết tạo ra giá trị, một người làm mất đi giá trị hoặc có thể ra đi.

Công ty dù lớn hay nhỏ đều tồn tại nhóm “zombie công sở”, hoặc 1/3 thời gian làm việc của người bình thường rơi vào trạng thái này. CEO Anphabe cho hay, nhà lãnh đạo cần “khám sức khỏe” nguồn nhân lực nếu thấy họ uể oải, giảm khả năng gắn kết. Bên cạnh đó, họ phải thường xuyên chia sẻ, hướng dẫn mỗi nhân viên tự tạo động lực, hạnh phúc.

“Người lao động trở thành zombie khi chưa hài lòng một số điều kiện công ty cung cấp. Nên nhà điều hành cần nắm rõ để gia tăng chất lượng môi trường làm việc. Mặc dù doanh nghiệp có 24 yếu tố giúp đội ngũ hạnh phúc, nhưng bản thân mỗi nhân viên phải tự khiến công việc trở nên thú vị thì mới hạnh phúc lâu bền được”, Thanh Nguyễn nhấn mạnh.

Nữ doanh nhân tin rằng, hạnh phúc làm doanh nghiệp phát triển và sự tăng trưởng là điều kiện tạo nên hạnh phúc bền vững. Bởi, hạnh phúc bắt nguồn từ sự lắng nghe, khuyến khích động lực tự thân, thấu hiểu để cung cấp điều kiện tốt hơn cho nhân viên của nhà lãnh đạo. Người lao động vui vẻ làm việc mới tạo ra nhiều giá trị. Ngược lại, công ty phát triển có điều kiện đầu tư, khiến nhân viên hạnh phúc.

Xem thêm

Bùi Mến