CBRE: Các cửa hàng chỉ đóng cửa tạm thời, tỉ lệ trống tại các trung tâm thương mại tăng nhẹ
Các cửa hàng chỉ đóng cửa tạm thời
Theo khảo sát của các đơn vị nghiên cứu thị trường, bán lẻ là một trong những ngành chịu tác động nặng nề từ dịch COVID-19 bởi các hoạt động mua sắm bị giảm đáng kể.
Số liệu từ CBRE cho thấy, trong ba tháng đầu năm, lượng người mua sắm tại các trung tâm thương mại (TTTM) giảm đến 70% so với cùng kì. Và điều này làm ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của các cửa hàng tại TTTM.
Theo kết quả từ buổi thảo luận với khách thuê tại các TTTM lớn của CBRE, mức giảm doanh thu trung bình ở các ngành hàng khác nhau, ngành ảnh hưởng lớn nhất là giáo dục với mức giảm 70-100%, kế đến là giải trí giảm 80%, ngành ăn uống giảm 56-82% và ngành thời trang, phụ kiện giảm 48%.
Bên cạnh đó, số lượng các thương hiệu mở hoặc dự tính mở trong năm 2020 sẽ giảm rất đáng kể so với năm 2019. Theo dự báo của CBRE, từ đây đến cuối năm chỉ có thêm hai thương hiệu, gồm Uniqlo sẽ mở cửa hàng thứ hai tại TP HCM và SM Entertainment.
"Trong quí I/2020, thị trường chỉ ghi nhận 4 thương hiệu (năm 2019 khoảng 28 thương hiệu) và những thương hiệu này mở cửa bởi họ đã có kế hoạch và hoàn tất các thủ tục cần thiết vào cuối năm 2019", bà Phạm Ngọc Thiên Thanh cho hay.
Tuy nhiên, tỉ lệ trống chỉ tăng nhẹ ở cả khu vực trung tâm và khu vực ngoài trung tâm trong khi nhiều cửa hàng tại TTTM đồng loạt đóng cửa.
Lí giải về điều này, bà bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Quản lý cấp cao, CBRE Việt Nam cho biết, "các cửa hàng này chỉ đóng cửa tạm thời, không phải đóng cửa và rời khỏi TTTM. Do đó, tỉ lệ trống tại các TTTM không phản ánh việc đóng cửa tạm thời của các cửa hàng."
Theo đánh giá của Quản lý cấp cao, CBRE Việt Nam, nhìn chung giá thuê sẽ giảm 10-20% tại các TTTM vì chủ đầu tư đưa ra chính sách hỗ trợ khách thuê trong thời điểm khó khăn bởi dịch bệnh. Đối với một vài khách thuê thuộc ngành hàng bắt buộc đóng cửa theo qui định, chủ đầu tư có thể hỗ trợ giá thuê lên đến 50%.
"Tuy nhiên, dịch bệnh mới diễn ra ngắn hạn nên chưa ảnh hưởng đến giá chào thuê tại các khu trung tâm thương mại, đặc biệt là ở TP HCM.
Bởi lẽ hiện nay, TP HCM chỉ có ba TTTM tại khu trung tâm, tầng trệt và tầng 1 của các TTTM này tạm thời chưa ghi nhận diện tích trống, các cửa hàng chỉ đóng cửa tạm thời", bà Thanh nói.
Hai kịch bản cho thị trường bán lẻ, các TTTM mới mở gặp khó
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, CBRE đưa ra hai kịch bản cho thị trường bán lẻ tại TP HCM. Ở cả hai kịch bản này, chắc chắn nguồn cung bán lẻ trong tương lai sẽ giảm so với những dự báo trước đây vào thời điểm cuối năm 2019.
Ở kịch bản thứ nhất, dịch COVID-19 sẽ kết thúc vào tháng 6/2020, nguồn cung mới bằng 42% dự đoán trước đó, TP HCM có trên 60.000 m2 và Hà Nội có khoảng 100.000 m2.
Còn ở kịch bản thứ hai, dịch COVID-19 kết thúc vào tháng 9/2020, nguồn cung mới bằng 20% dự đoán trước đó. Toàn TP HCM chỉ có khoảng 35.000 m2 TTTM được đưa vào hoạt động cuối năm nay. Trong khi đó, Hà Nội sẽ vắng bóng nguồn cung mới.
Theo đánh giá của CBRE, giá thuê trung bình tại hai tầng dưới cùng này sẽ không bị ảnh hưởng bởi nguồn cung khan hiếm (chỉ có ba TTTM tại TP HCM) và đây là những vị trí đắc địa, nhiều thương hiệu nhắm đến để mở cửa hàng.
Các TTTM ở khu vực ngoài trung tâm đương nhiên chịu nhiều áp lực hơn khi dịch COVID-19 kéo dài. Mức giảm của giá thuê và tỉ lệ trống cũng sẽ trầm trọng hơn.
Kèm theo đó, nếu dịch kéo dài đến tháng 9/2020, hầu hết các TTTM vẫn tiếp tục duy trì các chính sách cắt giảm giá thuê 10-30% tùy ngành hàng.
Đối với những TTTM đang xây dựng và tiến độ xây dựng gần như hoàn thành, chủ đầu tư chịu áp lực việc cho thuê, cụ thể là việc thu hút khách thuê để lắp đầy các TTTM mới chắc chắn sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Mặc dù đã đưa ra nhiều chính sách khuyến mãi nhưng hầu hết các khách thuê hiện nay đều rất dè chừng trong các kế hoạch mở rộng và dường như không đưa quyết định mở rộng tại thời điểm này cho đến khi có tín hiệu khả quan hơn.