|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Câu chuyện siêu sao võ thuật Lý Liên Kiệt giúp Thiếu Lâm Tự trở thành đế chế kinh doanh khổng lồ

07:35 | 08/07/2019
Chia sẻ
Bộ phim “Thiếu Lâm Tự” năm 1982 đã làm bệ phóng cho sự nghiệp của ngôi sao võ thuật Lý Liên Kiệt. Nhưng có lẽ điều mà rất ít người biết là bộ phim cũng tạo ra “công phu Thiếu Lâm”.

Giờ đây Chùa Thiếu Lâm là Di sản Thế giới của UNESCO và trung tâm du lịch ở tỉnh Hà Nam thuộc miền Trung của Trung Quốc. Hàng loạt lò võ nằm trên một quả núi.

Doanh thu bán vé lên tới hàng chục triệu USD mỗi năm. Chùa Thiếu Lâm đã trở thành một đế chế thương mại, vận hành hơn 40 công ty ở nước ngoài. Giới truyền thông quốc tế gọi Shi Yongxin, trụ trì Thiếu Lâm Tự, là "nhà sư giám đốc".

Chùa Thiếu Lâm từng là nơi tiêu điều

Khi một đoàn làm phim của hãng phim Chung Yuen từ Hong Kong tới Thiếu Lâm Tự vào năm 1980, họ chỉ thấy một ngôi chùa hoang tàn sau nhiều thập kỷ không được quan tâm, South China Morning Post đưa tin.

"Khi tôi làm việc trong Thiếu Lâm Tự, chỉ 3 nhà sư hiện diện ở đó, và Trung Quốc vừa kết thúc Cách mạng Văn hóa. Rất ít người biết về Thiếu Lâm Tự. Sau khi bộ phim ra rạp, chùa trở nên rất nổi tiếng. Rất nhiều du khách tới chùa, và rất nhiều lò võ mọc lên", Lý Liên Kiệt từng nói như vậy với tạp chí Kung Fu vào năm 2001.

Đó là bộ phim võ thuật đầu tiên ra đời ở Trung Quốc, cũng là phim đầu tiên mà người ta quay ở Thiếu Lâm Tự, ngôi chùa Phật giáo đã sinh ra trường phái Wushu nổi tiếng nhất Trung Quốc.

Ly Lien Kiet 2

Lý Liên Kiệt nhận thù lao 1 nhân dân tệ mỗi ngày cho bộ phim "Thiếu Lâm Tự". Ảnh: SCMP

Trong hơn 1.500 năm, các nhà sư Thiếu Lâm Tự đã tập luyện các thế võ dựa trên chuyển động của rắn, hổ, hạc và nhiều loài động vật khác. Công phu Thiếu Lâm, hệ thống văn hóa và tinh thần toàn diện, giúp các nhà sư rèn luyện bản lĩnh theo yêu cầu của các giáo lý Phật pháp.

Song Hồng vệ binh tàn phá Thiếu Lâm Tự trong Cách mạng Văn hóa hồi thập niên 60. Đây là một phần trong chiến dịch bài trừ tôn giáo. Họ đập, phá các bảo vật cổ, đánh và chế giễu những nhà sư.

Hai thập kỉ sau, chính quyền cho phép đoàn làm phim Chung Yuen quay bộ phim mà Lý Liên Kiệt là nhân vật chính trong Thiếu Lâm Tự.

Hồi ấy chính phủ Trung Quốc tìm cách thúc đẩy nền kinh tế yếu của họ bằng cách thực hiện những thỏa thuận kinh tế với doanh nghiệp và chính phủ nước ngoài, và hợp tác với hãng phim Chung Yuen hóa ra lại mang tới thành công ngoài sức tưởng tượng.

Thù lao thấp không tưởng của Lý Liên Kiệt

Lấy bối cảnh thế kỉ 7, Lý Liên Kiệt đóng vai Jue Yuan, một chàng trai tới chùa Thiếu Lâm học võ để trả thù cái chết của cha, người đã mất mạng bởi một tên quan vô lại họ Vương.

Đoàn làm phim thực hiện bộ phim trong hai năm, với những phương pháp khá thô sơ do hoàn cảnh khó khăn thời bấy giờ. Quá trình quay gián đoạn 6 tháng khi Lý Liên Kiệt rạn xương chân do quay những cảnh đấu võ giúp ông trở thành ngôi sao điện ảnh và triệu phú USD.

nha su

Các nhà sư luyện võ trong một chùa ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Ảnh: South China Morning Post

Một sự thật có thể khiến nhiều người cảm thấy sốc là hồi ấy, thù lao của Lý Liên Kiệt chỉ là 1 nhân dân tệ mỗi ngày, và tổng thu nhập của ông trong quá trình quay phim vào khoảng 750 USD.

"Các bạn nên nhớ rằng hồi ấy tôi chỉ là một thanh niên vô danh. Tôi may mắn học võ thuật và rồi cũng may mắn khi có cơ hội đóng phim", tài tử họ Lý thổ lộ trong cuộc phỏng vấn gần đây với tạp chí Kung Fu. Khoản thù lao khó tin ấy hoàn toàn tương phản với gia tài 350 triệu USD mà Lý Liên Kiệt sẽ để lại cho vợ.

Mặc dù làm việc trong điều kiện khó khăn, siêu sao họ Lý khẳng định quá trình quay phần đầu tiên của phim "Thiếu Lâm Tự" giống như kì nghỉ.

"Điều tuyệt vời nhất khi quay phim là chúng tôi không phải tập luyện. Mặc dù chúng tôi phải thức dậy từ 5h hoặc 6h sáng để quay, rồi làm việc từ 8h sáng tới tận lúc hoàng hôn, mọi người cảm thấy rất dễ chịu", Lý Liên Kiệt kể.

Đương nhiên Lý Liên Kiệt phải đánh, đấm cả ngày trong quá trình quay, song ông thấy việc đó nhẹ nhàng hơn nhiều so với tập luyện trong các lớp Wushu.

"Mỗi khi hoàn thành cảnh quay trong ngày, chúng tôi đi chơi, đá bóng hay chơi bóng rổ", ông kể.

Khoảng 700.000 người tới rạp chiếu phim tại Hong Kong vào mùa đông năm 1982 để xem "Thiếu Lâm Tự". Do mối quan tâm của công chúng tới lịch sử chùa Thiếu Lâm bùng phát, một quá trình thay đổi chóng mặt đã diễn ra và Trung Quốc có một "con gà đẻ trứng vàng" mới trong ngành du lịch.

Vì bộ phim quá thành công, các chủ rạp phim đề nghị Lý Liên Kiệt đổi tên tiếng Anh từ Li Lianjie sang Jet Li vì họ cho rằng tên khai sinh của ông quá dài.

Lý Liên Kiệt tiếp tục đóng phim để quảng bá võ thuật

"Tôi nhớ rằng khi tôi còn trẻ, tôi thực sự muốn quảng bá võ thuật. Hồi thập niên 70, tôi đã tới nhiều nước để biểu diễn võ thuật. Trong thập niên 80, tôi bắt đầu đóng phim và thực sự mở rộng tầm mắt", tài tử họ Lý tâm sự.

Tận mắt chứng kiến hàng trăm nghìn người xem phim "Thiếu Lâm Tự" và công chúng bắt đầu yêu võ thuật, Lý Liên Kiệt cảm thấy ông phải tiếp tục đóng phim để quảng bá võ thuật.

Thieu Lam Tu

Chùa Thiếu Lâm ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đóng hàng triệu du khách mỗi năm. Ảnh: china.org.cn

Hai phần tiếp theo của phim "Thiếu Lâm Tự" ra đời vào năm 1984 và 1986. Điều kiện làm việc trong phần thứ hai thậm chí còn khắc nghiệt hơn cả phần đầu.

"Chúng tôi sống như nông dân", Lý Liên Kiệt hồi tưởng.

Không chỉ vậy, Lý Liên Kiệt còn bất hòa với đạo diễn của phần 3 vì cách ông ta đối xử tệ bạc với những diễn viên từ đại lục.

Phẫn nộ, Lý Liên Kiệt muốn bỏ đóng phim sau phần 3. Nhưng các công ty điện ảnh Hong Kong biết giá trị của ông nên đã thuyết phục ông tiếp tục cống hiến cho điện ảnh. Nhờ nỗ lực của họ, một ngôi sao võ thuật đã tỏa sáng.

Còn đối với chùa Thiếu Lâm, giờ đây không thứ gì có thể ngăn di sản văn hóa này tiếp tục kiếm hàng trăm triệu USD mỗi năm.

Luân Thường

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.