Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 8/4: Pháp cán mốc hơn 10.000 người tử vong, Việt Nam có 251 ca nhiễm
Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 9/4
Tính đến 7h sáng nay (8/4), toàn thế giới đã ghi nhận hơn 1,4 triệu người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Trong đó, có 81.972 người đã tử vong và 301.828 người đã hồi phục (theo trang thống kê toàn cầu Worldometer.
Đến nay, dịch COVID-19 gần như đã lan khắp mọi nơi trên hành tinh (209 quốc gia và vùng lãnh thổ) sau khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12/2019.
Việt Nam: Tổng số ca nhiễm tăng lên 251
Theo cập nhật từ Bộ Y tế, 6h sáng nay (8/4), Việt Nam ghi nhận thêm 2 trường hợp mắc mới, nâng tổng số ca dương tính với COVID-19 lên 251, trong đó 122 người đã khỏi bệnh. Hiện còn 129 người đang điều trị tại 21 cơ sở y tế.
Như vậy, trong vòng 24h qua, Việt Nam đã ghi nhận thêm 6 trường hợp mắc COVID-19.
Ngoài ra, tính đến sáng nay, có 22.053 trường hợp nghi ngờ đã loại trừ, 2.738 trường hợp đang được cách li để theo dõi dấu hiệu và 74.626 trường hợp tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách li theo dõi sức khỏe (trong đó có 43.558 người cách li tại nhà, nơi cư trú).
Đến nay đã có 32 tỉnh thành trên cả nước có người mắc COVID-19.
Pháp vượt Đức thành ổ dịch lớn thứ 4 thế giới
Tính đến 7h sáng nay (8/4), Trung Quốc đại lục - ổ dịch đầu tiên và hiện chỉ là ổ dịch lớn thứ 6 trên thế giới ghi nhận tổng cộng 81.740 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó có 3.331ca tử vong. Hôm 7/4 cũng là ngày đầu tiên không có tử vong kể từ khi Trung Quốc bắt đầu công bố số liệu vào tháng 1, theo AFP.
Vào lúc 0h ngày 8/4, thành phố Vũ Hán, nơi khởi phát dịch COVID-19 đã chính thức dỡ bỏ phong tỏa. Tuy nhiên, việc này không đồng nghĩa với việc Vũ Hán sẽ dỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch.
Bên ngoài Trung Quốc, Mỹ hiện đang là ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới với 395.612 ca nhiễm và 12.970 ca tử vong tính đến sáng nay, tăng lần lượt 28.608 và 1.919 ca so với một ngày trước đó.
New York vẫn là bang chịu ảnh hưởng nặng nhất tại Mỹ. Thống đốc Andrew Cuomo cho biết tiểu bang này có vẻ như đang ở gần đỉnh điểm của đại dịch.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 7/4 cho biết, nước này sẽ bổ sung 225 triệu USD vào các khoản viện trợ toàn cầu của Mỹ nhằm đối phó với dịch COVID-19 trên thế giới. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh chính quyền nước này cũng sẽ đảm bảo những vật tư y tế thiết yếu ở Mỹ để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Trong khi đó, Châu Âu hiện vẫn đang là điểm nóng của đại dịch COVID-19.
Cụ thể, Tây Ban Nha - ổ dịch lớn nhất Châu Âu và lớn thứ 2 trên thế giới ghi nhận tổng cộng 141.942 ca nhiễm và 14.045 ca tử vong, tăng lần lượt 5.267 và 704 ca so với một ngày trước đó.
Italy, ổ dịch COVID-19 lớn thứ hai tại Châu Âu và lớn thứ 3 thế giới đang ghi nhận những diễn biến tốt dần lên của dịch bệnh. Trong vòng 24h qua, quốc gia này đã ghi nhận thêm 3.039 ca nhiễm (thấp nhất kể từ ngày 19/3) và 604 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 135.586 và 17.127 ca.
Pháp đã vượt Đức và trở thành ổ dịch lớn thứ 4 trên thế giới với 109.069 ca nhiễm và 10.328 người chết, tăng lần lượt 11.059 và 1.417 so với một ngày trước đó. Giới chức y tế Pháp khẳng định hiện chưa phải lúc tính đến việc dỡ bỏ lệnh hạn chế đi lại, vì nước này vẫn trong giai đoạn tăng cao của dịch bệnh.
Đức hiện đang là ổ dịch lớn thứ 4 tại Châu Âu và lớn thứ 5 trên thế giới với 107.663 ca nhiễm, 2.016 ca tử vong; tăng lần lượt 4.288 và 206 ca so với một ngày trước đó.
Đến sáng nay, Anh có thêm 3.634 ca nhiễm COVID-19 và 786 ca tử vong (cao nhất trong một ngày tại Anh kể từ đầu dịch tới nay), nâng tổng số lên lần lượt 55.242 và 6.159 ca. Theo hãng tin AFP, Thủ tướng Anh Boris Johnson vẫn đang được chăm sóc đặc biệt sau khi được đưa vào bệnh viện Luân Đôn vào tối thứ Hai (10 ngày sau khi được chẩn đoán nhiễm virus). Tuy nhiên, ông chưa phải sử dụng máy thở.
Iran vẫn là tâm dịch lớn nhất Trung Đông và lớn thứ hai tại Châu Á (sau Trung Quốc đại lục) với 62.589 ca nhiễm và 3.872 ca tử vong, tăng lần lượt 2.089 và 133 ca so với một ngày trước đó. Đáng chú ý, đây là ngày thứ 7 liên tiếp quốc gia này ghi nhận số ca nhiễm trong ngày giảm.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo dịch bệnh tại nước này có thể kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí đến cuối năm. Tuy nhiên, ông cho biết chính quyền đã đồng ý nối lại một số hoạt động kinh tế nhất định từ ngày 11/4.
Tình hình tại Đông Nam Á
Tính đến sáng nay, Malaysia vẫn đang là ổ dịch lớn nhất khu vực với 3.963 ca nhiễm và 63ca tử vong, tăng lần lượt 179 và 1 ca so trong vòng 24h qua. Số ca tử vong Khu vực có số người mắc COVID-19 nhiều nhất ở Malaysia là thủ đô Kuala Lumpur.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự đoán COVID-19 ở Malaysia sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 4, trong khi số ca bệnh nguy kịch ước tính sẽ đạt đỉnh vào tuần tới.
Philippines – ổ dịch lớn thứ 2 khu vực ghi nhận tổng cộng 3.764 ca nhiễm và 177 ca tử vong, tăng lần lượt 104 và 14 ca. Hôm qua (7/4) cũng là ngày quốc gia này ghi nhận nhiều ca tử vong nhất trong số các nước Đông Nam Á.
Indonesia vẫn là quốc gia ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất khu vực. Tính đến sáng nay, quốc gia này ghi nhận tổng cộng 2.738 ca nhiễm và 221ca tử vong; tăng lần lượt 247 và 12 ca so với một ngày trước đó.
Thái Lan hôm qua ghi nhận thêm 38 ca nhiễm SARS-CoV-2 (giảm đáng kể) và 1 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm bệnh và tử vong lên lần lượt là 2.258 và 27 ca.
Singapore tính đến sáng nay ghi nhận tổng cộng 1.481 ca nhiễm và 6 ca tử vong do COVID-19. Trong vòng 48h qua, quốc gia này không ghi nhận thêm ca tử vong nào.
Chính phủ nước này đã ra lệnh đóng cửa các doanh nghiệp không thiết yếu bắt đầu từ hôm qua và kéo dài đến ngày 4/5, các trường học tại Singapore sẽ đóng cửa từ hôm nay (8/4).