Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 27/4: Một số nước Châu Âu đã qua đỉnh dịch, Việt Nam 11 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng
Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 28/4
Tính đến 7h sáng nay (27/4), toàn thế giới đã ghi nhận gần 3 triệu người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Trong đó, có 206.883 người đã tử vong và 877.254 người đã hồi phục (theo trang thống kê toàn cầu Worldometer).
Đến nay, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sau khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12/2019.
Việt Nam: Liên tiếp 11 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng
Theo cập nhật từ Bộ Y tế, đến sáng nay (27/4), Việt Nam không nhận thêm ca mới, tổng số ca dương tính với COVID-19 là 270, trong đó 225 người đã khỏi bệnh, còn 45 người đang điều trị tại 8 cơ sở y tế.
Trong số 45 ca đang điều trị tại các bệnh viện, kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 là 13 ca (4,8%); số ca có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần trở lên là 3 ca (11 %).
Như vậy, Việt Nam đã bước sang ngày thứ 11 không có ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng. Trong tổng số 270 ca bệnh, có 162 người từ nước ngoài (chiếm 60%), 108 người lây nhiễm thứ phát.
Tính đến sáng nay, có 52.428 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li). Trong đó, cách li tập trung tại bệnh viện là 323 người, cách li tập trung tại cơ sở khác là 11.311 người và cách li tại nhà, nơi lưu trú là 40.794 người.
Trên thế giới: Một số nước Châu Âu đã qua đỉnh dịch
Ghi nhận đến sáng nay, Mỹ tiếp tục là ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới với 986.818 ca nhiễm và 55.396 ca tử vong, tăng lần lượt 26.167 và 1.140 ca so với một ngày trước đó.
Trong vòng 24h qua, Mỹ tiếp tục là nước có số ca nhiễm và tử vong hàng ngày nhiều nhất thế giới. Trong đó, New York vẫn là bang chịu ảnh hưởng nặng nhất tại Mỹ, chiếm khoảng một nửa số ca tử vong.
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết giai đoạn đầu tiên của việc mở cửa trở lại sẽ bắt đầu vào ngày 15/5 nếu các ca nhập viện do virus giảm. Tuy nhiên, việc này sẽ được thử nghiệm đầu tiên ở phía bắc của tiểu bang chứ không phải toàn thành phố New York.
Châu Âu – nơi chiếm tới 2/3 tổng số ca tử vong trên toàn cầu tiếp tục ghi nhận những dấu hiệu cho thấy đỉnh dịch đã đi qua. Các quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất của châu Âu - Ý, Tây Ban Nha, Pháp và Anh, tất cả đều báo cáo tỉ lệ tử vong hàng ngày giảm vào hôm qua (26/4).
Tại Tây Ban Nha - ổ dịch lớn nhất Châu Âu và lớn thứ 2 trên thế giới, ghi nhận đến sáng nay có tổng cộng 226.629 ca nhiễm và 23.190 ca tử vong, tăng lần lượt 2.870 và 289 ca trong vòng 24h qua.
Chính phủ Tây Ban Nha đang lên kế hoạch dỡ bỏ dần các biện pháp phong tỏa do đại dịch COVID-19 trong nửa cuối tháng 5. Trẻ em đã được phép ra ngoài nhưng không được ra khỏi phạm vi hơn 1km tính từ nhà.
Italy, ổ dịch COVID-19 lớn thứ hai tại Châu Âu và lớn thứ 3 thế giới hôm qua ghi nhận thêm 2.324 ca nhiễm và 260 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 197.675 và 26.644 ca.
Chính phủ nước này cho biết đang chuẩn bị để một số lượng lớn các công ty mở cửa trở lại từ ngày 4/5. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte nói: "Chúng tôi không thể tiếp tục vượt qua việc phong tỏa này, chúng tôi có nguy cơ làm hỏng kết cấu kinh tế xã hội của đất nước".
Pháp hiện đang là ổ dịch lớn thứ 4 trên thế giới với 162.100 ca nhiễm và 22.856 ca tử vong, tăng lần lượt 612 và 242 ca so với một ngày trước đó. Chính phủ Pháp dự kiến sẽ nới lỏng lệnh phong tỏa từ ngày 11/5. Theo đó, một số trường học được mở cửa trở lại, những cơ sở kinh doanh không thiết yếu như quán cà phê, nhà hàng có thể vẫn tiếp tục ngừng hoạt động cho đến ít nhất là cuối tháng 5.
Đức hiện đang là ổ dịch lớn thứ 4 tại Châu Âu và lớn thứ 5 trên thế giới với 157.770 ca nhiễm và 5.976 ca tử vong; tăng lần lượt 1.257 và 99 ca so với một ngày trước đó.
Chính phủ Đức đã cho phép các cửa hàng và một số doanh nghiệp nhỏ mở cửa trở lại. Tuy nhiên, lệnh phong tỏa toàn quốc vẫn kéo dài đến hết 3/5.
Đến sáng nay, Anh - ổ dịch lớn thứ 5 tại Châu Âu có thêm 4.463 ca nhiễm COVID-19 và 413 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 152.840 và 20.732 ca.
Thủ tướng Anh Vladimir Johnson đã trở lại nơi cư trú chính thức ở phố Downing sau một tháng khi ông xét nghiệm dương tính với virus và sau đó được chăm sóc đặc biệt.
Trong vòng 24h qua, Nga ghi nhận thêm 6.361 ca mắc và 66 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 80.949 và 747 ca. Đại dịch đang khiến kinh tế nước này mất đi gần 100 tỉ Ruble mỗi ngày.
Tại Châu Á, Iran hiện đang là ổ dịch lớn nhất khu vực với 90.481 ca nhiễm và 5.710 ca tử vong, tăng lần lượt 1.153 và 60 ca so với một ngày trước đó. Chính phủ nước này đang có kế hoạch nối lại một vài hoạt động. Trong tuần qua người dân Iran đã được phép tới cửa hàng, chợ và công viên.
Trung Quốc đại lục – nơi bùng phát dịch nhưng hiện không còn là tâm dịch của thế giới. Tính đến sáng nay, nước này ghi nhận tổng cộng 82.827 ca nhiễm COVID-19 và số ca tử vong vẫn giữ nguyên là 4.632.
Tại Đông Nam Á, Singapore hiện đang là ổ dịch lớn nhất khu vực với tổng cộng 13.624 ca nhiễm (tăng 931 ca) và 12 ca tử vong. Tốc độ tăng số ca nhiễm hàng ngày tại quốc gia này tuy đã chậm lại nhưng vẫn ở mức cao, trong khi tỉ lệ tử vong ở mức rất thấp. Lệnh cách li xã hội tại nước này sẽ được kéo dài tới ngày 1/6.
Indonesia hiện đang là ổ dịch lớn thứ 2 khu vực với tổng cộng 8.882 ca nhiễm và 943 ca tử vong (cao nhất khu vực), tăng lần lượt 275 và 23 ca so với một ngày trước đó.
Philippines hiện đang là ổ dịch lớn thứ 3 khu vực với 7.579 ca nhiễm và 501 ca tử vong, tăng lần lượt 285 và 7 ca so với một ngày trước đó.
Malaysia – ổ dịch lớn thứ 4 khu vực tính đến sáng nay ghi nhận tổng cộng 5.780 ca nhiễm (tăng 38 ca), số ca tử vong vẫn là 96.
Thái Lan hôm qua ghi nhận thêm 15 ca nhiễm, nâng tổng số lên 2.922, trong đó có 51 ca tử vong.