|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 9/9: Việc phát triển vắc xin trên thế giới có nhiều biến động, có loại phải tạm dừng thử nghiệm

08:51 | 09/09/2020
Chia sẻ
Tính đến 7h sáng nay 9/9, thế giới có hơn 27 triệu ca nhiễm COVID-19, một loại vắc xin COVID-19 tiềm năng phải tạm dừng thử nghiệm, loại khác được lưu hành dân sự... Việt Nam không ghi nhận thêm ca nhiễm.

Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam

Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 10/9

Theo cập nhật từ Bộ Y tế, sáng nay (9/9) không có ca mắc mới COVID-19. Như vậy, đã 7 ngày, Việt Nam không có ca mắc mới ở cộng đồng. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam là 1.054 trường hợp.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 37.474.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 868/1.054 ca mắc.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại 18 cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 13 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 21 ca, số ca âm tính lần 3 là 24 ca.

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 9/9: Tình hình phát triển vắc xin trên thế giới có nhiều biến động, có loại phải tạm dừng thử nghiệm - Ảnh 1.

Số ca nhiễm mới và phục hồi hàng ngày tại Việt Nam từ 25/7 đến 6/9. (Biểu đồ: Như Ý).

Hiện có 6 trường hợp có tiên lượng rất nặng và tử vong, trong đó số tiên lượng rất nặng là 5/6 trường hợp và tiên lượng tử vong là 1 trường hợp. Đến thời điểm này số ca tử vong ở nước ta là 35 ca.

Việt Nam có số ca được chữa khỏi nhiều hơn hẳn số ca mắc mới ghi nhận thêm mỗi ngày.

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 8/9, toàn thế giới có tổng cộng hơn 27,71 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 900.773 người tử vong và 19,8 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 71,4%).

Đến nay, 215 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có hai tàu du lịch) trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 6,51 triệu ca nhiễm COVID-19, chiếm 23,48% số ca nhiễm toàn cầu, sau khi ghi nhận thêm 25.889 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 421 ca, nâng tổng số lên 193.955. Tổng số người phục hồi là hơn 3,78 triệu người (tỉ lệ phục hồi đạt 58,0%).

Số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày tại nước này đang có xu hướng giảm.

Các điểm nóng về COVID-19 ở Mỹ cũng báo cáo số ca nhiễm mới giảm, với 1.823 ca ở Florida, 3.188 ca ở Texas và 2.251 ca ở California, Georgia ghi nhận thêm 1.543 ca, Illinois 1.392 ca.

Theo CNN, công ty Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) tự tin tuyên bố vắc xin ngừa COVID-19 có tên BNT162 do hai công ty phát triển sẽ được phê duyệt vào giữa tháng 10 hoặc đầu tháng 11 tới.

BNT162 được dự định cung cấp 100 triệu liều cho tới cuối năm nay và khoảng 1,3 tỉ liều vào năm sau. Giám đốc BioNTech, ông Ugur Sahin tin rằng việc cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với ứng viên vắc xin này sẽ nhanh chóng được thông qua, thêm rằng "sự hiểu biết về phương thức hoạt động cùng với những dữ liệu an toàn từ quá trình thử nghiệm" khiến họ có rất nhiều niềm tin với BNT162.

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 9/9: Tình hình phát triển vắc xin trên thế giới có nhiều biến động, có loại phải tạm dừng thử nghiệm - Ảnh 2.

Một mẫu thử của loại vắc xin BNT162 do Pfizer và BioNTech hợp tác phát triển. (Ảnh: BioNTech SE).

Trươc đó, Mỹ đã đạt được thỏa thuận trị giá 1,95 tỉ USD với Pfizer để sản xuất 100 triệu liều vắc xin COVID-19. Thỏa thuận này cũng cho phép chính phủ Mỹ mua thêm 500 triệu liều.

Ấn Độ đã vượt Brazil trở thành nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 4,36 triệu ca nhiễm và 73.923 ca tử vong, tăng lần lượt 89.852 và 1.107 so với ngày hôm trước. Tỉ lệ phục hồi đạt 77,7% với tổng 3,39 triệu người đã khỏi bệnh.

Theo thống kê, số ca nhiễm mới hàng ngày của Ấn Độ đang tăng mạnh. Ấn Độ hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao thứ 3 trên thế giới chỉ xếp sau Mỹ, Brazil, sau khi ghi nhận thêm số ca tử vong trong một ngày qua cao nhất thế giới.

Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 17.330 và 516 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 4,16 triệu và 127.517 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 3,39 triệu, tỉ lệ phục hồi đạt 81,4%.

Số ca nhiễm mới hàng ngày tại nước này giảm mạnh ltrong 3 ngày qua.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, ghi nhận thêm 5.099 ca mắc và 122 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là hơn 1,03 triệu trường hợp, trong đó 17.993 trường hợp tử vong, và 850.049 người hồi phục (đạt 82,5%). Số ca nhiễm mới trong ngày của Nga đang chững lại ở mức 5.000 ca.

Các chuyên gia cho rằng số ca nhiễm thực tế có thể cao hơn nhiều so với số liệu báo cáo.

Viện virus học Vector tại Siberia, Nga, đã hoàn thành thử nghiệm giai đoạn II đối với loại vắc xin COVID-19 tiềm năng thứ hai của nước này. Rospotrebnadzor, cơ quan liên bang chịu trách nhiệm giám sát sự an toàn của người tiêu dùng Nga, cho biết trong một thông báo rằng các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm đã xuất viện và đều cảm thấy khỏe, theo Reuters.

Bộ Y tế Nga cho biết lô vắc xin Sputnik V đầu tiên, do trung tâm Gamaleya nghiên cứu và phát triển, đã vượt qua các bài kiểm tra chất lượng cần thiết và được đưa vào lưu hành dân sự hôm 7/9, theo Sputnik.

Lưu hành dân sự vắc xin trong giai đoạn này là việc ưu tiên tiêm chủng cho những công dân thuộc nhóm nguy cơ cao, chủ yếu là giáo viên và bác sĩ.

Peru là nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ 5 thế giới, với tổng số ca nhiễm bệnh là 691.575 ca, trong đó có 29.976 ca tử vong, và 522.251 người hồi phục (75,5%).

Số ca nhiễm mới COVID-19 ghi nhận hàng ngày tại nước này đang có xu hướng giảm sau khi xác lập kỉ lục hôm 16/8 với 10.143 ca nhiễm mới.

Nam Phi là nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ 7 thế giới. Cụ thể, tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này là 640.441 ca, trong đó, tổng số ca tử vong là 15.086 số ca bình phục là 567.729 (88,6%).

Theo thống kê, số ca nhiễm mới ghi nhận mỗi ngày tại nước này có xu hướng giảm mạnh.

Mexico là nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ 8 thế giới, với tổng số ca nhiễm bệnh là 637.509 ca, trong đó có 67.781 ca tử vong - cao thứ 4 thế giới, và 446.715 người hồi phục (70,0%).

Trung Quốc thông báo trong 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 10 ca nhiễm mới và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Hiện Trung Quốc có tổng cộng 85.144 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 80.335 (94,3%) bệnh nhân được chữa khỏi.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 10 ca nhiễm mới (đều là ca ngoại nhập). Như vậy nước này đã 23 ngày không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng.

China Daily dẫn lời Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng Trung Quốc đã minh bạch về COVID-19 và "đang dẫn đầu thế giới cả về kiểm soát dịch lẫn phục hồi kinh tế".

Hãng dược phẩm AstraZeneca của Thụy Điển - Anh tuyên bố hôm 8/9 tạm dừng thử nghiệm vắc xin COVID-19 của Đại học Oxford trên toàn cầu do một tình nguyện viên ở Anh bị ốm chưa rõ nguyên nhân để điều tra và nhằm đảm bảo duy trì tính toàn diện của thử nghiệm, theo CNN.

Hong Kong (Trung Quốc) 24 giờ qua báo cáo thêm 6 ca mắc và 1 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số lên lần lượt là 4.896 ca nhiễm và 99 trưởng hợp tử vong.

Số ca nhiễm mới tại Hong Kong đã giảm mạnh sau khi đạt kỉ lục hôm 30/7 với 149 ca mắc mới.

Theo Reuters, Hong Kong sẽ cho phép tụ tập nhóm 4 người và mở cửa trở lại nhiều địa điểm thể thao từ ngày 11/9. Tuy nhiên, các bể bơi trong thành phố vẫn được yêu cầu đóng cửa.

Tuần trước, chính quyền Hong Kong cũng đã cho phép mở cửa phòng gym, tiệm mát-xa và kéo dài thời gian ăn đêm.

Các công viên giải trí và trung tâm hội nghị Hong Kong có thể được mở cửa trở lại vào ngày 18/9 nếu điều kiện cho phép. Giới chức cũng đặt mục tiêu mở lại trường học từ ngày 23/9, sau khi 900.000 học sinh phải học tại nhà trong hơn 4 tháng qua.

Như Ý

Dow Jones tăng 400 điểm, Russell 2000 chạm đỉnh lịch sử sau khi ông Trump chọn Bộ trưởng Tài chính
Cổ phiếu tiếp tục vọt tăng sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump quyết định chọn ông Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính. Ông Bessent được kỳ vọng sẽ đưa ra những chính sách có lợi cho thị trường chứng khoán và hạn chế các chính sách bảo hộ của ông Trump.