|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 9/12: Nhân viên y tế Nga từ chối vắc xin Sputnik V, muốn tiêm vắc xin của nước ngoài

08:01 | 09/12/2020
Chia sẻ
Tính đến 7h sáng nay 9/12, thế giới đã vượt 68 triệu ca nhiễm. FDA có thể cấp phép cho vắc xin của Pfizer/BioNTech cuối tuần này. Indonesia công bố vắc xin CoronaVac của Trung Quốc hiệu quả 97%.

Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam:

Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, chiều hôm qua (8/12) có thêm 10 ca mắc là người nhập cảnh. Tổng số ca mắc COVID-19 là 1.377 trường hợp.  

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 20.262.

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 6/11: Trung Quốc tạm ngừng nhập cảnh với một số nước - Ảnh 1.

Hình minh hoạ. (Ảnh: Sức khỏe và Đời sống).

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến chiều hôm qua, nước ta đã chữa khỏi cho 1.224/1.377 bệnh nhân.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 8 ca; số ca âm tính lần hai với SARS-CoV-2 là 5 ca, số ca âm tính lần 3 là 4 ca.

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 68,54 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,56 triệu người tử vong và 47,44 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 69%). 

Đến nay, 218 quốc gia và vùng lãnh thổ, 2 tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 15,56 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 182.133 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 2.563 ca, nâng tổng số lên 293.064. Tổng số người phục hồi là hơn 9,06 triệu người (tỉ lệ phục hồi đạt 58%). Tình hình dịch bệnh tại Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Mỹ ghi nhận hơn 15.600 ca tử vong vì COVID-19 trong một tuần qua, mức tử vong trong một tuần cao nhất kể từ tháng 4, theo CNN.

Cục Quản lí Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ FDA hôm qua kết luận vắc xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech "đáp ứng tiêu chuẩn theo qui định" trong nghiên cứu lâm sàng và có thể được cấp phép cuối tuần này, theo WSJ.

Pfizer và BioNTech cũng đã nộp đơn xin phê duyệt lên Cơ quan Quản lí Dược phẩm châu Âu (EMA), và cho biết vắc xin có thể được đưa ra thị trường châu Âu trước cuối năm 2020 nếu được EMA chấp thuận.

Miền Nam California đã áp lệnh phong toả nghiêm ngặt nhất trong ba tuần từ 7/12, với hơn 20 triệu người phải thực hiện lệnh ở nhà sau khi các bệnh viện phải đối mặt với tình trạng quá tải bởi số ca bệnh COVID-19 tăng cao kỉ lục trong thời gian gần đây, theo AFP.

Số trường hợp tử vong trung bình tháng do đại dịch được dự đoán sẽ tăng gần gấp đôi trong tháng 12 và tháng 1/2021, sau đó sẽ giảm xuống. Trước tình hình này, các bang khắp nước Mỹ đã ra lệnh hạn chế hàng loạt các hoạt động kinh tế xã hội.

Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 9,73 triệu ca nhiễm và 141.398 (1,5%, một tỉ lệ tương đối thấp) ca tử vong, tăng lần lượt 32.067 và 404 so với ngày hôm trước. Tỉ lệ phục hồi đạt 94% với tổng 9,21 triệu người đã khỏi bệnh. 5 bang gồm Maharashtra, Kerala, Karnataka, Tây Bengal và Delhi chiếm 54% tổng số ca bệnh COVID-19 đang hoạt động của nước này.

Các ca bệnh đang hoạt dộng liên tục giảm từ tháng 9. Chuyên gia nước này cho biết tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ đã ổn định, theo Times of India.

Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 47.850 và 796 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 6,67 triệu và 178.184 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 5,85 triệu, tỉ lệ phục hồi đạt 87%. 

Số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày tại Brazil đang có xu hướng tăng trở lại. Giới chuyên gia đánh giá nước này có thể chưa vượt qua làn sóng COVID-19 đầu tiên.

Bộ trưởng Bộ Y tế Eduardo Pazuello cho biết lô vắc xin đầu tiên của AstraZeneca sẽ đến Brazil từ tháng một đến hai năm sau với khoảng 15 triệu liều, và 100 triệu liều sẽ đến tay khách hàng vào nửa đầu năm 2021. Tiếp đó, nước này sẽ có thể sản xuất thêm 160 triệu liều sau khi chuyển giao công nghệ, theo Reuters.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 26.097 ca mắc và 562 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 2,51 triệu trường hợp, trong đó 44.159 trường hợp tử vong, và hơn 1,98 triệu người hồi phục (đạt 78%). Số ca nhiễm mới hàng ngày tại Nga đang tăng dần.

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 9/12: Nhân viên y tế Nga từ chối vắc xin Spunik V, muốn tiêm vắc xin của nước ngoài - Ảnh 2.

Hình minh hoạ. (Ảnh: AFP).

Theo kết quả cuộc thăm dò được công bố hôm 8/12, hơn 50% nhân viên y tế của Nga không có kế hoạch tiêm vắc xin COVID-19. Hơn 21% số người được hỏi cho biết họ muốn tiêm vắc xin do nước ngoài sản xuất thay vì vắc xin của Nga. Các bác sĩ ở Moscow cũng bày tỏ sự miễn cưỡng, hoặc hoàn toàn từ chối về việc sử dụng một loại vắc xin chưa vượt qua đủ các giải đoạn thử nghiệm để được quốc tế phê duyệt. 

Ngoài ra, it nhất 7 bệnh viện quản lí vắc xin Sputnik V ở Moscow và khu vực xung quanh không thực hiện mệnh lệnh ưu tiên cho các nhân viên trong lĩnh vực y tế, giáo dục và xã hội.

Giá tối đa của vắc xin Sputnik V là 1.942 rúp (26 USD), công dân Nga được tiêm vắc xin này miễn phí. Việc tiêm chủng hàng loạt đã bắt đầu ở Moscow. Người dân thuộc các nhóm có nguy cơ có thể nhận vắc xin tại 70 phòng khám trên khắp thủ đô nước này, theo The Moscow Times.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết, nước này ghi nhận thêm 12 ca nhiễm mới, trong đó có 2 trường hợp nội địa ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19.

Hiện Trung Quốc có tổng cộng 86.646 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 81.732 (94%) bệnh nhân được chữa khỏi.

Thành Đô đã kích hoạt kế hoạch khẩn cấp vào ngày 7/12 và bắt đầu điều tra dịch tễ sau khi xác nhận các trường hợp COVID-19 mới tại địa phương lần đầu tiên kể từ đầu năm nay.

Nước này tuyên bố sẽ có khoảng 600 triệu liều vắc xin COVID-19 sẵn sàng được đưa ra thị trường trong năm nay, các vắc xin đang thử nghiệm ở giai đoạn cuối, theo South China Morning Post.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDA) thông báo nước này ghi nhận 594 ca mắc mới, với 566 ca nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 38.755 ca, trong đó có 552 trường hợp tử vong và 29.650 người đã hồi phục (76%). 

Các ca nhiễm mới của Hàn Quốc đã giảm nhẹ xuống dưới 600 trong 24 giờ qua khi các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn ở Seoul và các khu vực khác bắt đầu được thực hiện.

Giới chức y tế nước này cảnh báo nếu các qui định hạn chế trong ba tuần không ngăn chặn được sự lây lan của virus, làn sóng đại dịch lớn hơn ở Seoul sẽ nhấn chìm toàn bộ đất nước.

Bộ Y tế nước này cho biết đã bảo đảm quyền tiếp cận sớm vắc xin COVID-19 do 4 công ty dược phẩm gồm AstraZeneca Inc., Pfizer, Johnson & Johnson's Janssen và Moderna phát triển, và từ một dự án vắc xin toàn cầu cho 44 triệu người. Bên cạnh đó, ba loại vắc xin trong nước phát triển sẽ được tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người.

Tại Indonesia, các ca mắc COVID-19 tiếp tục gia tăng và hàng trăm ổ dịch gia đình mới xuất hiện.

Công ty dược phẩm quốc doanh Bio Farma của nước này cho biết dữ liệu thử nghiệm sơ bộ của CoronaVac, vắc xin COVID-19 do hãng công nghệ sinh học Trung Quốc Sinovac phát triển cho thấy hiệu quả 97%. Tuy nhiên, không nói rõ kết quả này có phải rút ra từ quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối hay không, theo Reuters.

1,2 triệu liều vắc xin của Sinovac đã được chuyển đến Indonesia hôm 7/12 và sẽ được sử dụng vào đầu năm 2021 đủ cho 600.000 người.

Như Ý