|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 5/2: Hàn Quốc có thể đối mặt với một đợt dịch khác vào tháng 3

09:10 | 05/02/2021
Chia sẻ
Tình hình dịch COVID-19 ngày 5/2 có những tin đáng chú ý như vắc xin EpiVacCorona của Nga hoàn tất thử nghiệm ở người cao tuổi, châu Phi sắp nhận 90 triệu liều vắc xin, dịch bệnh tại châu Âu vẫn phúc tạp.

Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam

Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 6/2

Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, sáng hôm nay (5/2) không có ca mắc COVID-19 nào.

Như vậy, Việt Nam có tổng cộng 1.068 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 375 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 80.113.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến chiều hôm qua, nước ta đã chữa khỏi cho 1.465 bệnh nhân.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 10 ca; số ca âm tính lần hai là 3 ca, số ca âm tính lần ba là 2 ca.

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 105,38 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2,29 triệu người tử vong và 77 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 72%). Các ca nhiễm mới trên toàn cầu đã giảm ba tuần liên tiếp.

Đến nay, 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, hai tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.

Tại nhiều quốc gia châu Âu như Anh, Pháp, Đức,... số ca bệnh vẫn đang ở mức cao, thậm chí tiếp tục gia tăng khiến giới chức các nước chưa thể nới lỏng các biện pháp phong tỏa.

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 5/2: Hàn Quốc có thể đối mặt với một đợt dịch khác vào tháng 3 - Ảnh 1.

Cảnh vắng vẻ ở London, Anh trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngày 27/3. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Bà Matshidiso Moeti, Giám đốc khu vực châu Phi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm qua cho biết gần 90 triệu liều vắc xin COVID-19 của AstraZeneca/ Oxford được đàm phán thông qua chương trình COVAX sẽ được chuyển đến châu Phi trong tháng này, giúp 3% dân số được tiêm phòng, theo Reuters.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 27,26 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 109.793 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 3.068 ca, nâng tổng số lên 466.534. Tổng số người phục hồi là hơn 17,0 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 61%). Số ca nhiễm và tử vong hàng ngày vì đại dịch tại Mỹ đã có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao.

Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 10,8 triệu ca nhiễm và 154.841 ca tử vong, tăng lần lượt 11.708 và 99 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 98% (một trong những tỷ lệ cao nhất trên toàn cầu) với tổng 10,49 triệu người đã khỏi bệnh. Các ca bệnh đang hoạt động liên tục giảm từ tháng 9.

Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 57.848 và 1.291 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 9,37 triệu và 228.883 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 8,29 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 87%. Nước này vẫn chưa vượt qua được đợt dịch thứ hai tồi tệ nhất.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 16.714 ca mắc và 521 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 3,91 triệu trường hợp, trong đó 75.205 trường hợp tử vong, và hơn 3,38 triệu người hồi phục (đạt 85%). Số ca nhiễm mới tại Nga đang giảm dần, nhưng số ca tử vong vẫn duy trì ở mức cao.

EpiVacCorona, vắc xin COVID-19 thứ hai được đăng ký ở Nga đã hoàn tất các thử nghiệm lâm sàng ở những người cao tuổi và không ghi nhận tác dụng phụ mạnh nào. vắc xin này sẽ được sử dụng để tiêm chủng hàng loạt cho người dân Nga từ tháng 3, theo EN24 News.

Israel hiện là quốc gia dẫn đầu cuộc đua tiêm chủng COVID-19 trên thế giới, với hơn 20% dân số đã được tiêm cả hai mũi và 37% nhận được ít nhất một liều tiêm. Nước này đặt mục tiêu 5 triệu dân được tiêm phòng đến giữa tháng 3, theo Bloomberg.

Tuy nhiên tình hình dịch trong tháng 1 ở Israel vẫn tàn khốc khi 1.400 ca tử vong được báo cáo, chiếm khoảng 1/3 tổng số trường hợp tử vong kể từ đầu đại dịch. Chủ yếu là những người cao tuổi không được tiêm phòng kịp thời. 

Bên cạnh đó, việc kiểm soát dịch khó khăn do một bộ phận lớn người dân nước này từ chối tuân thủ các biện pháp phòng dịch, và một phần do những biến chủng virus mới tại Anh và Nam Phi.

Giới chức nước này đang lo ngại về sự xuất hiện của một biến chủng làm vô hiệu hóa các vắc xin COVID-19 hiện nay.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 30 ca nhiễm mới, trong đó có 17 ca nội địa (8 trường hợp ở tỉnh Cát Lâm, 4 ở tỉnh Hắc Long Giang, ba ở Thượng Hải, hai ở tỉnh Hà Bắc), và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19.

Hiện Trung Quốc có tổng cộng 89.649 ca nhiễm, trong đó có 4,636 ca tử vong và 83.602 (92%) bệnh nhân được chữa khỏi.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận 451 ca mắc mới, với 429 ca nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 79.762 ca, trong đó có 1.448 trường hợp tử vong, và 69.704 người đã hồi phục (86%).

Các ca nhiễm mới ở Hàn Quốc đã tăng trở lại vượt mức 400 trường hợp trong ngày thứ hai liên tiếp, khi các cụm dịch tiếp tục bùng phát trên khắp đất nước, theo Yonhap.

KDCA cho biết Hàn Quốc có khả năng xảy ra đợt đại dịch lần thứ tư vào tháng 3 khi số lượng các trường hợp nhiễm biến thể của virus gia tăng.

Tỷ lệ người xét nghiệm dương tính với kháng thể nCoV là 0,31%, thấp hơn nhiều so với con số 10% ở các nước khác, khi 55/17.890 công dân địa phương và tân binh được kiểm tra có kháng thể.

Chương trình tiêm chủng sẽ bắt đầu vào tháng này. Trước đó, khoảng 1.900 người Hàn Quốc đang làm việc cho Mỹ tại Hàn Quốc đã nhận được vắc xin COVID-19 từ cuối năm ngoái cùng với các binh sĩ Mỹ.

Tại ASEAN, tình hình COVID-19 vẫn nghiêm trọng nhất ở Indonesia khi virus SARS-CoV-2 đã lây lan ra toàn bộ 34 tỉnh, thành. Trong khi đó, MalaysiaPhilippines cũng thông báo ghi nhận thêm hàng nghìn ca nhiễm mới. Indonesia chính thức bãi bỏ kỳ thi quốc gia trong bối cảnh số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày đang tăng cao không ngừng, theo TTXVN.

Campuchia hôm qua đã chính thức phê duyệt việc sử dụng khẩn cấp vắc xin COVID-19 của Sinopharm (Trung Quốc).

Cùng ngày, Malaysia thông báo sẽ hoàn tất chương trình tiêm vắc xin COVID-19 cho 80% dân số vào tháng 2/2022. Lô vắc xin đầu tiên của Pfizer/BioNTech sẽ được chuyển tới nước này vào ngày 26/2 tới. Nước này cũng đã đạt được các thỏa thuận để mua 25 triệu liều vắc xin Pfizer, 18,4 triệu liều các loại vắc xin khác do Viện Nghiên cứu Gamaleya của Nga và Sinovac Biotech của Trung Quốc sản xuất.

Như Ý

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.