|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 31/12: Dịch bệnh tại Mỹ phức tạp, vắc xin phân phối chậm

08:25 | 31/12/2020
Chia sẻ
Anh cấp phép sử dụng vắc xin COVID-19 của AstraZeneca. Nga phát triển thuốc chữa COVID-19. Vắc xin của Sinopharm (Trung Quốc) có hiệu quả 79,34%.

Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam

Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, chiều hôm qua (30/12) có thêm hai ca nhiễm là trường hợp nhập cảnh được cánh ly ngay. Tổng số ca mắc COVID-19 tăng lên 1.456 trường hợp. 

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 16.700.  

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến chiều hôm qua, nước ta đã chữa khỏi cho 1.323/1.456 bệnh nhân.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 10 ca; số ca âm tính lần hai là 10 ca, số ca âm tính lần ba là 10 ca.

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 82,99 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,81 triệu người tử vong và 58,8 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 70%). 

Đến nay, 218 quốc gia và vùng lãnh thổ, 2 tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.  

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 20,17 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 193.017 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 3.099 ca, nâng tổng số lên 349.997. Tổng số người phục hồi là hơn 11,95 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 58%). Số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày tại Mỹ tăng mạnh trở lại dù nhiều bang đã tăng cường các biện pháp phòng dịch cứng rắn.

Tình hình dịch bệnh ngày càng tồi tệ, tất cả niềm hy vọng giờ đây được đặt vào tiêm chủng. Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden cho rằng việc phân phối vắc xin đang "bị tụt lại phía sau rất xa" và cam kết sẽ đẩy nhanh tốc độ, theo Fox News.

Hồi đầu tháng này, chính quyền của Tổng thống Donald Trump tuyên bố dự kiến khoảng 20 triệu liều vắc xin sẽ được phân phát vào cuối năm. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 11,4 triệu liệu được phân phối và chỉ 2,1 triệu người được tiêm.

AP dẫn lời ông Biden cho biết rằng với tốc độ hiện nay, Mỹ sẽ mất mất nhiều năm mới có thể tiêm phòng cho người dân.

Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 10,26 triệu ca nhiễm và 148.774 ca tử vong, tăng lần lượt 21.957 và 299 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 95% với tổng 9,85 triệu người đã khỏi bệnh. Các ca bệnh đang hoạt động liên tục giảm từ tháng 9. Tình hình dịch bệnh nước này đã ổn định. 

Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 55.853 và 1.224 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 7,61 triệu và 193.940 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 6,7 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 87%. Số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày tại Brazil dao động thất thường nhưng có xu hướng tăng mạnh trở lại.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 26.513 ca mắc và 599 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 3,13 triệu trường hợp, trong đó 56.426 trường hợp tử vong, và hơn 2,56 triệu người hồi phục (đạt 79%). Số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày tại Nga đang duy trì ở mức cao.

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 31/12: Dịch bệnh tại Mỹ gay go, vắc xin phân phối chậm - Ảnh 1.

Hình minh hoạ. (Ảnh: TASS).

RT đưa tin Cơ quan Sinh học và Y học Liên bang Nga (FMBA) đang phát triển một loại thuốc chữa COVID-19. Nếu thử nghiệm thành công, đây sẽ là thuốc kháng virus SARS-CoV-2 trực tiếp đầu tiên trên thế giới.    

Anh, vùng dịch lớn thứ 6 thế giới đã cấp phép sử dụng vắc xin COVID-19 của hãng AstraZeneca hợp tác với Đại học Oxford phát triển. AstraZeneca cho biết lô vắc xin đầu tiên đã được phân phối trong ngày 30/12. 

Hãng đặt mục tiêu cung cấp hàng triệu liều vắc xin trong quý I/2021, một phần trong thỏa thuận cung cấp 100 triệu liều. Thỏa thuận này đồng nghĩa với việc 50 triệu người tại Anh (khoảng 75% dân số) có thể được tiêm chủng, theo TTXVN.

Dịch bệnh nước này vẫn đang trầm trọng khi các ca bệnh mới tăng cao kỷ lục trong những ngày gần đây.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết, nước này ghi nhận thêm 24 ca nhiễm mới, trong đó có 7 ca nội địa (5 trường hợp ở tỉnh Liêu Ninh, một trường hợp ở thành phố Bắc Kinh, một trường hợp ở tỉnh Hắc Long Giang), và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19.

Hiện Trung Quốc có tổng cộng 87.027 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 82.037 (94%) bệnh nhân được chữa khỏi. 

Loại vắc xin COVID-19 bất hoạt do Viện Sản phẩm Sinh học Bắc Kinh của Sinopharm phát triển có thể tạo ra kháng thể ở 99,52% người nhận và có độ hiệu quả là 79,34%, đã đáp ứng yêu cầu của Tổ chức Y tế Thế giới và Cơ quan Quản lý Sản phẩm Y tế Quốc gia, nhà sản xuất cho biết trong một tuyên bố ngày hôm qua. Hiện công ty đã chính thức đệ trình yêu cầu phê duyệt lên cơ quan quản lý.

Một chuyên gia nổi tiếng về bệnh đường hô hấp của Trung Quốc cho biết có rất ít rủi ro để đại lục chứng kiến một đợt bùng phát COVID-19 lớn mới trong những tháng tới vì nước này đã hình thành các cơ chế ngăn chặn và biện pháp phòng dịch rất hiệu quả, nghiêm ngặt. 

Chuyên gia nói thêm rằng Trung Quốc không cần phải cấm dân chúng đi lại trong những ngày lễ tết và lễ hội mùa xuân sắp tới. Và người dân không được khuyến khích đi du lịch nước ngoài và thăm các khu vực và thành phố đã được liệt kê là khu vực có nguy cơ trung bình và thấp ở đại lục.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDA) thông báo nước này ghi nhận 1.048 ca mắc mới, với 1.025 ca nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 59.773 ca, trong đó có 879 trường hợp tử vong, và 41.435 người đã hồi phục (70%). 

Các trường hợp nhiễm COVID-19 hàng ngày của Hàn Quốc đã tăng trở lại hơn 1.000 ca ngày thứ hai liên tiếp, và các trường hợp nhiễm chủng virus mới từ Anh đã tăng lên 5, theo Yonhap.

Hàn Quốc có kế hoạch bắt đầu tiêm chủng vào tháng 2/2021 với các nhân viên y tế và những người dễ bị tổn thương là đối tượng ưu tiên.


Như Ý