Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 30/1: EU kiểm soát xuất khẩu vắc xin, trong đó có loại Việt Nam mua
Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam:
Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, sáng hôm nay (30/1) có thêm 34 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng ở Hải Dương (32), Quảng Ninh (2).
Như vậy, Việt Nam có tổng cộng 873 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 743 ca.
Theo Báo Sức khỏe & Đời sống, Bộ Y tế đã phê duyệt vắc xin phòng COVID-19 của Astra Zeneca cho trường hợp khẩn cấp. Đây là vắc xin COVID-19 đầu tiên được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Astra Zeneca đã cam kết cung cấp cho Việt Nam khoảng 30 triệu liều trong năm 2021. Dự kiến trong quý I, người dân sẽ bắt đầu được tiêm vắc xin này.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 21.857.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến chiều hôm qua, nước ta đã chữa khỏi cho 1.448 bệnh nhân.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 5 ca; số ca âm tính lần hai là 3 ca, số ca âm tính lần ba là 8 ca.
Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới
Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 102,58 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2,21 triệu người tử vong và 74,29 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 72%).
Đến nay, 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, hai tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.
AFP đưa tin đại sứ các nước thành viên EU ngày hôm qua thông qua một bản đồ mới về những vùng nguy hiểm do COVID-19 trên toàn khối, cho phép nhà chức trách áp đặt các hạn chế đi lại chặt chẽ hơn.
Bên cạnh đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã bắt đầu kế hoạch giám sát xuất khẩu vắc xin được sản xuất tại các quốc gia thành viên dự kiến sẽ có hiệu lực tới cuối tháng 3 và áp dụng với các loại vắc xin được mua trước đó theo thỏa thuận giữa các công ty dược phẩm và EC, trong đó có vắc xin của AstraZeneca, và Pfizer/BioNTech.
Theo đó, việc xuất khẩu vắc xin sẽ cần tới giấy phép đặc biệt của EU và sẽ chỉ được cấp phép sau khi các nhà sản xuất giao đủ liều cho các nước thành viên theo thoả thuận. Đối với khách hàng là các nước nghèo và chương trình COVAX được miễn trừ và không cần xin giấy phép.
Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) hôm qua đã ra khuyến cáo về việc sử dụng AstraZeneca. Qua đánh giá, EMA cho biết vắc xin này an toàn và hiệu quả ở những người trên 18 tuổi. Hiện chưa có đủ kết quả đánh giá ở những người trên 55 tuổi.
Theo CNN, vắc xin COVID-19 tiêm một mũi duy nhất của Johnson & Johnson được công bố đạt hiệu quả 85% trong ngăn ngừa người nhiễm bệnh nhập viện và tử vong.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 26,49 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 153.742 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 3.279 ca, nâng tổng số lên 447.087. Tổng số người phục hồi là hơn 16,18 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 60%). Số ca nhiễm và tử vong hàng ngày vì đại dịch tại Mỹ vẫn ở mức cao.
Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 10,72 triệu ca nhiễm và 154.069 ca tử vong, tăng lần lượt 6.269 và 22 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 97% với tổng 10,39 triệu người đã khỏi bệnh. Các ca bệnh đang hoạt động liên tục giảm từ tháng 9.
Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 58.691 và 1.099 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 9,11 triệu và 222.775 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 7,96 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 86%. Nước này vẫn chưa vượt qua được đợt dịch thứ hai nghiêm trọng nhất.
EFE đưa tin ít nhất hai ca bệnh đã được xác nhận nhiễm đồng thời hai biến thể virus SARS-CoV-2 gồm biến thể B.1.1.28 tìm thấy ở Rio và biến thể virus từ Nam Phi.
Các triệu chứng của hai bệnh nhân tương đối nhẹ. Cả hai bệnh nhân này đều tự hồi phục mà không cần phải nhập viện. Các chuyên gia cho biết sự tồn tại cùng lúc của hai biến thể trong một cơ thể có thể tăng tốc độ đột biến của các biến thể mới.
Hiện có ít nhất 5 biến thể virus SARS-CoV-2 khác nhau đang lây lan tại bang Rio Grande do Sul phía Nam Brazil. Các nhà khoa học lo ngại các biến thể mới mang đến nguy cơ lây lan lớn hơn và khả năng kháng lại các loại vắc xin hiện hành.
Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 19.238 ca mắc và 534 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 3,81 triệu trường hợp, trong đó 72.185 trường hợp tử vong, và hơn 3,25 triệu người hồi phục (đạt 84%). Số ca nhiễm mới tại Nga có xu hướng giảm dần, nhưng số ca tử vong vẫn duy trì ở mức cao.
Tất cả các trường đại học tại Nga sẽ được tiếp tục các lớp học trực tiếp từ ngày 8/2. Nga đã nối lại các chuyến bay với Phần Lan, Ấn Độ, Qatar và Việt Nam hôm 27/1 và sẽ nối lại các chuyến bay với Hy Lạp và Singapore từ ngày 8/2.
Hơn một nửa trong số 12 triệu dân của Moscow đã bị nhiễm COVID-19 kể từ khi bắt đầu đại dịch, gấp hơn 6 lần con số đã được công bố (925.000 trường hợp), Thị trưởng Sergei Sobyanin cho biết. Ông nói thêm rằng ít hơn 1% các trường hợp được ghi nhận là tái nhiễm.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 52 ca nhiễm mới, trong đó có 36 ca nội địa (21 trường hợp ở tỉnh Hắc Long Giang, 13 ở tỉnh Cát Lâm, một ở thành phố Bắc Kinh, một ở tỉnh Hà Bắc), và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19.
Hiện Trung Quốc có tổng cộng 89.378 ca nhiễm, trong đó có 4,636 ca tử vong và 82.940 (92%) bệnh nhân được chữa khỏi.
Dịch bệnh tại tỉnh Hà Bắc đang lắng xuống khi số ca nhiễm mới hàng ngày ghi nhận ở mức một con số trong ba ngày liên tiếp. Thủ phủ của tỉnh Thạch Gia Trang, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Hà Bắc, cũng đang dần trở lại hoạt động xã hội bình thường.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận 469 ca mắc mới, với 479 ca nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 77.395 ca, trong đó có 1.399 trường hợp tử vong, và 66.503 người đã hồi phục (83%).
Các ca nhiễm mới trong một ngày qua của Hàn Quốc giảm xuống dưới mức 500 trường hợp do ít xét nghiệm hơn trong thời tiết lạnh giá, mặc dù các ca bệnh liên quan đến cơ sở tôn giáo tiếp tục gia tăng, theo Yonhap.
Số trường hợp mắc mới trung bình hàng ngày là 430 ca trong tuần qua, tăng so với mức 300 của tuần trước.
Thái Lan dự kiến sản xuất vắc xin Astra Zeneca trong nước với công suất tới 18 triệu liều/tháng để chuẩn bị khởi động chiến dịch tiêm chủng hàng loạt vào tháng 6 trong bối cảnh dịch bệnh tại đây tiếp tục diễn biến khó lường, theo Reuters.
Quốc gia này đã đặt hàng 61 triệu liều vắc xin AstraZeneca sản xuất trong nước, đủ cho khoảng 30 triệu người.
Thái Lan cũng dự kiến nhận 50.000 liều vắc xin Astra Zeneca nhập khẩu vào tháng 2 và nhận thêm 100.000 liều nữa trong vòng vài tháng tới. Hai triệu liều vắc xin Sinovac Biotech của Trung Quốc cũng đã được đặt hàng, dự kiến 200.000 liều sẽ được chuyển tới vào tháng 2, dù vắc xin này hiện chưa được Thái Lan phê duyệt.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/