Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 28/11: Dịch bệnh tại Nga, Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục xấu đi
Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam:
Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, chiều hôm qua (27/11) có thêm 8 ca nhiễm là trường hợp nhập cảnh. Như vậy, đã 85 ngày, Việt Nam không có ca mắc mới ở cộng đồng. Tổng số ca mắc COVID-19 là 1.339 trường hợp.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 15.994.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến chiều hôm qua, nước ta đã chữa khỏi cho 1.170/1.339 bệnh nhân.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 8 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 12 ca, số ca âm tính lần 3 là 11 ca.
Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới
Theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 28/11, toàn thế giới có tổng cộng hơn 61,93 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,44 triệu người tử vong và 42,75 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 69%).
Đến nay, 216 quốc gia và vùng lãnh thổ, 2 tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.
Một số nước châu Âu như Ý, Pháp, Bỉ... đang dần nới lỏng các biện pháp hạn chế khi dịch bệnh đang có những dấu hiệu tích cực, theo The Guardian.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 13,43 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 152.411 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 1.311 ca, nâng tổng số lên 270.938. Tổng số người phục hồi là hơn 7,92 triệu người (tỉ lệ phục hồi đạt 59%). Số ca mắc COVID-19 mới, tử vong và nhập viện trên toàn nước Mỹ đang tăng cao vượt tầm kiểm soát.
Ca nhiễm tăng cao dường như do hàng triệu người dân Mỹ đi lại trong dịp Lễ Tạ ơn, bất chấp khuyến cáo điều này có thể làm trầm trọng thêm tình hình dịch bệnh trong nước.
Số lượng bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại các bệnh viện trên khắp nước Mỹ tăng gần gấp đôi trong tháng qua, đạt 90.000 trường hợp tính tới thứ sáu. Tỉ lệ các ca nhập viện hiện ở mức cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu, khiến một số bệnh viện quá tải.
Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 9,34 triệu ca nhiễm và 136.190 (1,5%, một tỉ lệ tương đối thấp) ca tử vong, tăng lần lượt 39.414 và 438 so với ngày hôm trước. Tỉ lệ phục hồi đạt 94% với tổng 8,75 triệu người đã khỏi bệnh.
Các trường hợp nhiễm COVID-19 đang hoạt động ở Ấn Độ đã tăng trở lại trong những ngày qua. Đây là một dấu hiệu cho thấy đại dịch có thể bùng phát trở lại, theo Times of India.
Công ty dược phẩm Ấn Độ Hetero hôm qua cho biết sẽ sản xuất 100 triệu liều vắc xin COVID-19 Sputnik V của Nga theo một thoả thuận với Quĩ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF).
Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 33.780 và 501 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 6,23 triệu và 171.998 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 5,53 triệu, tỉ lệ phục hồi đạt 90%.
Số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày tại Brazil đang có xu hướng tăng trong hơn 2 tuần qua. Giới chuyên gia đánh giá nước này có thể chưa vượt qua làn sóng COVID-19 đầu tiên.
Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 27.543 ca mắc và 496 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 2,21 triệu trường hợp, trong đó 38.558 trường hợp tử vong, và hơn 1,71 triệu người hồi phục (đạt 77%).
Số ca nhiễm mới hàng ngày tại Nga đang tăng dần và tiếp tục lập con số cao kỉ lục trong 24 giờ qua. Về số ca tử vong, con số tại Moscow trong tháng 10 đã tăng 30% so với tháng trước trước đó.
Viện Vector đang chuẩn bị công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng vắc xin COVID-19 thứ hai của Nga có tên EpiVacCorona. Vắc xin này dự kiến sẽ được lưu hành dân sự vào đầu tháng 12.
Quân đội Nga đã phát động chiến dịch tiêm vắc xin cho gần nửa triệu quân nhân tại ngũ. Khoảng 80.000 binh sĩ dự kiến sẽ nhận được vắc xin vào cuối năm nay, theo The Moscow Times.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết, nước này ghi nhận thêm 5 ca nhiễm mới, tất cả đều là trường hợp nhập cảnh, và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19.
Hiện Trung Quốc có tổng cộng 86.495 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 81.558 (94%) bệnh nhân được chữa khỏi.
Cùng ngày, Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe Hong Kong (CHP) ghi nhận thêm 92 ca bệnh, trong đó có 89 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 17 ca không rõ nguồn lây, nâng tổng số ca nhiễm tại Đặc khu này lên 6.039 ca.
Các biện pháp phòng dịch tại Hong Kong đã được siết chặt trước tình hình dịch bệnh ngày càng xấu đi, theo TTXVN.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDA) thông báo nước này ghi nhận 569 ca mắc mới, trong đó có 525 trường hợp trong cộng đồng (phần lớn ở Seoul), nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 32.887 ca, trong đó có 516 trường hợp tử vong và 27.103 người đã hồi phục (88,6%).
KCDA dự đoán các ca bệnh mới hàng ngày sẽ dao động trong khoảng từ 400-600 cho đến đầu tháng 12.
Ca mắc COVID-19 mới trong thời gian qua tại Hàn Quốc tăng mạnh do hàng loạt các trường hợp lây nhiễm lẻ tẻ khắp đất nước, tất cả 17 tỉnh thành phố lớn đều báo cáo thêm các ca bệnh, theo Yonhap.
Dù đã nâng cấp độ các biện pháp phòng dịch, tình hình số ca nhiễm virus vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Số lượng giường bệnh cấp cho bệnh nhân COVID-19 nặng có thể không đủ nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến nghiêm trọng.
Philippines, vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á với hơn 420.000 ca nhiễm và hơn 8.200 người không qua khỏi vì COVID-19. Các hạn chế phòng dịch tại nước này đã được nới lỏng trong bối cảnh số ca nhiễm mới hàng ngày đang giảm dần.
Mới đây, Philippines đã kí hợp đồng mua 2,6 triệu liều vắc xin COVID-19 của Đại học Oxford và hãng dược AstraZeneca hợp tác phát triển. Lô vắc xin đặt mua có thể tới Philippines vào tháng 5 hoặc tháng 6 năm sau và có thể được tiêm cho khoảng 1,5 triệu người, theo Bloomberg.