Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 27/11: Hàn Quốc sẽ ghi nhận 400-600 ca bệnh mỗi ngày đến đầu tháng 12
Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam:
Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, chiều hôm qua (26/11) có thêm 10 ca nhiễm là trường hợp nhập cảnh. Như vậy, đã 84 ngày, Việt Nam không có ca mắc mới ở cộng đồng. Tổng số ca mắc COVID-19 là 1.331 trường hợp.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 16.210.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến chiều hôm qua, nước ta đã chữa khỏi cho 1.166/1.331 bệnh nhân.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 8 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 13 ca, số ca âm tính lần 3 là 13 ca.
Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới
Theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 27/11, toàn thế giới có tổng cộng hơn 61,28 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,43 triệu người tử vong và 42,37 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 69%).
Đến nay, 216 quốc gia và vùng lãnh thổ, 2 tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.
Bloomberg News hôm qua dẫn lời ông Pascal Soriot, Giám đốc điều hành (CEO) hãng dược phẩm liên doanh Anh-Thụy Điển AstraZeneca, cho biết hãng có thể sẽ tiến hành một cuộc thử nghiệm bổ sung thay vì tiếp tục thử nghiệm tại Mỹ, nhằm đánh giá lại về hiệu quả của vắc xin COVID-19 do hãng phát triển. Một số nhà khoa học nghi ngờ về sự ổn định của tỉ lệ hiệu quả 90%, do trong quá trình thử nghiệm đã xảy ra nhầm lẫn.
Tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 13,24 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 104.976 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 1.271 ca, nâng tổng số lên 269.520. Tổng số người phục hồi là hơn 7,84 triệu người (tỉ lệ phục hồi đạt 59%). Số ca mắc COVID-19 mới, tử vong và nhập viện trên toàn nước Mỹ đang tăng cao vượt tầm kiểm soát.
Nhiều người Mỹ trên toàn quốc đang cần sự giúp đỡ để tránh bị đói trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Theo phân tích của tổ chức hỗ trợ thực phẩm Feeding America ước tính rằng sẽ có thêm 15 triệu người dân không có đủ thực phẩm trong năm nay, theo USA Today.
Giới chức Mỹ đang khuyến cáo người dân ở nhà, tránh đi nghỉ và gặp gỡ người thân, tập trung đông người trong Lễ Tạ ơn để ngăn chặn tạo ra làn sóng lây nhiễm mới. Dù vậy, dự kiến vẫn có khoảng 50 triệu người dân sẽ di chuyển khắp cả nước trong dịp Lễ Tạ ơn dài 5 ngày từ 25-29/11, theo Reuters.
Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 9,3 triệu ca nhiễm và 135.734 (1,5%, một tỉ lệ tương đối thấp) ca tử vong, tăng lần lượt 42.054 và 473 so với ngày hôm trước. Tỉ lệ phục hồi đạt 94% với tổng 8,71 triệu người đã khỏi bệnh.
Các trường hợp nhiễm COVID-19 đang hoạt động ở Ấn Độ đã tăng trở lại trong những ngày qua. Đây là một dấu hiệu cho thấy đại dịch có thể bùng phát trở lại, theo Times of India.
Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 37.672 và 698 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 6,2 triệu và 171.497 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 5,52 triệu, tỉ lệ phục hồi đạt 90%.
Số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày tại Brazil đang có xu hướng tăng trong 2 tuần qua. Giới chuyên gia đánh giá nước này có thể chưa vượt qua làn sóng COVID-19 đầu tiên.
Nga hôm nay đã vượt Pháp trở thành vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm các con số cao kỉ lục 25.487 ca mắc và 524 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 2,18 triệu trường hợp, trong đó 38.062 trường hợp tử vong, và hơn 1,68 triệu người hồi phục (đạt 77%). Số ca nhiễm mới hàng ngày tại Nga đang tăng dần.
Moscow hôm qua đã tăng cường thêm các biện pháp phòng dịch cho đến ngày 15/1, bao gồm lệnh tự cô lập đối với người dân từ 65 tuổi trở lên và yêu cầu 30% nhân viên của tất cả các doanh nghiệp phải làm việc từ xa.
Tại vùng Altai, do tình trạng thiếu giường trầm trọng, các bệnh nhân COVID-19 đã được đưa vào một bệnh viện đổ nát, không còn sử dụng được. Khu vực với dân số 2,3 triệu người này đã xác nhận hơn 25.000 trường hợp nhiễm bệnh và hơn 1.000 người không qua khỏi, theo The Moscow Times.
Hy Lạp sẽ kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc tới ngày 7/12 khi số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng mạnh. Chính phủ nước này đã tái áp đặt các biện pháp và áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc lần thứ hai đến ngày 30/11, trong đó có lệnh giới nghiêm ban đêm từ 21h-5h, theo TTXVN.
Chính phủ Phần Lan khuyến nghị giới chức các địa phương tạm thời đóng cửa tất cả các không gian công cộng ở những khu vực có nguy cơ cao trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 mới đang tăng mạnh trong gần 2 tháng qua.
Các sự kiện tập trung đông người ở cả trong không gian kín và ngoài trời tại khu vực xung quanh thủ đô Helsinki sẽ bị cấm, học sinh từ 15 tuổi trở lên phải học trực tuyến...
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết, nước này ghi nhận thêm 21 ca nhiễm mới, trong đó có 9 ca nội địa ở khu tự trị Nội Mông, và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19.
Hiện Trung Quốc có tổng cộng 86.490 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 81.550 (94%) bệnh nhân được chữa khỏi.
Cùng với thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, các thùng container chứa hàng hóa nhập khẩu cũng bị giám sát chặt chẽ hơn ở Trung Quốc để ngăn chặn sự bùng phát COVID-19 vào mùa đông.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này đã ghi nhận tổng cộng 32.318 ca, trong đó có 515 trường hợp tử vong và 26.950 người đã hồi phục (84%). Trung tâm cũng dự đoán các ca bệnh mới hàng ngày sẽ dao động trong khoảng từ 400-600 cho đến đầu tháng 12.
Ca mắc COVID-19 mới trong thời gian qua tại Hàn Quốc tăng mạnh do hàng loạt các trường hợp lây nhiễm lẻ tẻ khắp đất nước, tất cả 17 tỉnh thành phố lớn đều báo cáo thêm các ca bệnh, theo Yonhap.
Các cơ quan y tế đã cố gắng kiềm chế đợt dịch thứ ba trước kì thi đại học trên toàn quốc diễn ra vào thứ năm tuần sau, nhưng các ca lây nhiễm từ các cuộc tụ tập nhỏ, các cơ sở công cộng, bệnh viện và quân đội đang cản trở những nỗ lực này.
Dù đã nâng cấp độ các biện pháp phòng dịch, tình hình số ca nhiễm virus vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm, các cơ quan y tế có thể sẽ xem xét phương án thực thi các qui định giãn cách xã hội cứng rắn hơn trên toàn quốc.