|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 22/1: Biến thể virus mới tại Nam Phi có nguy cơ gây tái nhiễm

08:53 | 22/01/2021
Chia sẻ
Tình hình dịch COVID-19 ngày 22/1 có những tin đáng chú ý như nhiều nước phê duyệt vắc xin, thủ đô Nga nới lỏng hạn chế, Mỹ áp đặt quy định đeo khẩu trang.

Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam


Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, chiều hôm qua (21/1) có thêm hai ca nhiễm mới là trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay. Tổng số ca mắc COVID-19 là 1.546 trường hợp. Như vậy, Việt Nam đã trải qua 50 ngày không có ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 18.603.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến chiều hôm qua, nước ta đã chữa khỏi cho 1.411/1.546 bệnh nhân.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 9 ca; số ca âm tính lần hai là 15 ca, số ca âm tính lần ba là 7 ca.

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 98,03 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2,09 triệu người tử vong và 70,43 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 71%).

Đến nay, 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, hai tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 25,17 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 175.391 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 3.855 ca, nâng tổng số lên 419.768. Tổng số người phục hồi là hơn 15,09 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 59%). Số ca nhiễm và tử vong hàng ngày vì đại dịch tại Mỹ tiếp tục ở mức cao. 

Ngay sau khi nhậm chức ngày 20/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội tại mọi tòa nhà liên bang và khu vực liên bang, theo TTXVN.

Nước này cũng có kế hoạch tham gia Cơ chế phân phối vắc xin toàn cầu COVAX nhằm tạo điều kiện cho các quốc gia nghèo được tiếp cận với nguồn vắc xin COVID-19.

Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 10,62 triệu ca nhiễm và 153.053 ca tử vong, tăng lần lượt 13.701 và 147 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 96% với tổng 10,28 triệu người đã khỏi bệnh. Các ca bệnh đang hoạt động liên tục giảm từ tháng 9. 

Viện Huyết thanh ở bang Maharashtra, nơi đang sản xuất hàng triệu liều vắc xin COVID-19 Covishield do AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển hôm qua đã bị cháy. Công ty khẳng định hỏa hoạn không ảnh hưởng tới việc sản xuất vắc xin, theo AFP.

Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 59,946 và 1.335 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 8,69 triệu và 214.228 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 7,58 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 89%.

Số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày của nước này vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 21.887 ca mắc và 612 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 3,65 triệu trường hợp, trong đó 67.832 trường hợp tử vong, và hơn 3,05 triệu người hồi phục (đạt 81%). Số ca nhiễm mới tại Nga có xu hướng giảm dần, nhưng số ca tử vong vẫn duy trì ở mức cao.

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 22/1: Biến thể virus mới tại Nam Phi có nguy cơ gây tái nhiễm - Ảnh 1.

Hình minh hoạ. (Ảnh: AFP).

UAE hôm qua đã cấp phép khẩn cấp cho vắc xin Sputnik V của Nga. Hôm 20/1, Hungary cũng cấp phép 6 tháng cho vắc xin Sputnik V để tiêm chủng trên quy mô lớn. 

Các bảo tàng, triển lãm, thư viện và trung tâm văn hóa của Moscow sẽ mở cửa trở lại vào ngày 22/1. Các rạp chiếu phim, rạp hát và phòng hòa nhạc cũng được hoạt động trở lại với tối đa 50% số chỗ ngồi được sử dụng, theo The Moscow Times.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết, nước này ghi nhận thêm 144 ca nhiễm mới, trong đó có 126 ca nội địa (68 trường hợp ở tỉnh Hắc Long Giang, 33 ở tỉnh Cát Lâm, 20 ở tỉnh Hà Bắc, hai ở Bắc Kinh, hai ở tỉnh Sơn Tây, một ở tỉnh Sơn Đông), và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19.

Hiện Trung Quốc có tổng cộng 88.701 ca nhiễm, trong đó có 4.635 ca tử vong và 82.468 (94%) bệnh nhân được chữa khỏi.

Các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát đang được nước này thực hiện, với sự cảnh giác 24/24 trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại, ngay cả sau khi tình hình đã được kiểm soát phần lớn ở Trung Quốc. Các cuộc xét nghiệm COVID-19 quy mô lớn trên cả nước được thực hiện đều đặn.

Nước này cũng ra quy định những người dân có ý định về quê ở các vùng nông thôn đón tết sẽ phải cung cấp kết quả xét nghiệm âm tính mới được thực hiện trong vòng 7 ngày, và thực hiện cách ly tại nhà trong 14 ngày.

Đến ngày 20/1, hơn 15 triệu liều vắc xin COVID-19 đã được sử dụng ở Trung Quốc kể từ khi chương trình tiêm chủng được triển khai vào tháng 12 năm ngoái.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận 400 ca mắc mới, với 380 ca nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 73.918 ca, trong đó có 1.316 trường hợp tử vong, và 60.846 người đã hồi phục (70%).

Các ca nhiễm mới hàng ngày của Hàn Quốc dao động ở mức 400 ca trong ngày thứ hai liên tiếp, theo Yonhap.

Reuters đưa tin Thái Lan đã cấp phép sử dụng vắc xin COVID-19 của hãng dược Astrazeneca, mở đường cho chương trình tiêm chủng được triển khai vào tháng 2 tới. Nước này vẫn đang trải qua đợt dịch thứ hai tồi tệ nhất khi ghi nhận hàng trăm ca nhiễm mỗi ngày.

Giới khoa học Nam Phi cho biết biến thể virus SARS-CoV-2 mới có tên 501Y.V2 được phát hiện tại nước này có "nguy cơ gây tái nhiễm rõ rệt", theo bioRxiv.

Điều này cũng ảnh hưởng đến việc sử dụng huyết tương của người bệnh đã hồi phục trong điều trị COVID-19 và cả các loại vắc xin được phát triển dựa trên phản ứng miễn dịch với protein gai của virus.

Chuyên gia Trevor Bedford tại Trung tâm Nghiên cứu Fred Hutchinson cảnh báo 501Y.V2 có thể "lây lan rộng hơn trong vài tháng tới". Ông cho biết nếu kết quả nghiên cứu tại Nam Phi được xác nhận, việc phát triển vắc xin ngừa biến thể mới này sẽ cần được tiến hành trong mùa thu năm nay.

Như Ý