|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 21/1: Bắc Kinh phong tỏa một phần

08:04 | 21/01/2021
Chia sẻ
Tình hình dịch COVID-19 ngày 21/1 có những tin đáng chú ý như Việt Nam thử nghiệm trên người vắc xin thứ hai, Nga đăng ký lưu hành vắc xin Sputnik V tại EU, Pfizer chậm giao vắc xin.

Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam


Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, chiều hôm qua (20/1) có thêm 4 ca nhiễm mới là trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay. Tổng số ca mắc COVID-19 là 1.544 trường hợp. Như vậy, Việt Nam đã trải qua 50 ngày không có ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng.

Tính đến hôm qua, Việt Nam đã hoàn tất hơn nửa chặng đường thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I vắc xin Nanocovax với kết quả xét nghiệm vào các ngày 7, 14 và 28 sau tiêm cho thấy vắc xin sinh miễn dịch rất tốt, đảm bảo an toàn.

Dự kiến vắc xin Covivax của Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) hôm nay cũng sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trên người. Giai đoạn I thử nghiệm trên 120 tình nguyện viên trong độ tuổi từ 18 - 59, kéo dài trong ba tháng.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 18.168.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến chiều hôm qua, nước ta đã chữa khỏi cho 1.406/1.544 bệnh nhân.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 14 ca; số ca âm tính lần hai là 10 ca, số ca âm tính lần ba là 8 ca.

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 97,26 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2,08 triệu người tử vong và 69,82 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 71%).

Đến nay, 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, 2 tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.

AFP đưa tin hãng dược Mỹ Pfizer mới đây thông báo việc giao vắc xin sẽ bị trì hoãn trong vòng một tuần do tiến độ sản xuất tại nhà máy chính của hãng ở Bỉ. Sự chậm trễ này đã làm dấy lên mối lo ngại trên khắp châu Âu, nơi đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Ngoài ra, đây là loại vắc xin được công bố có khả năng chống lại biến thể virus SARS-CoV-2 mới từ Anh.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 24,98 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 175.787 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 3.982 ca, nâng tổng số lên 415.502. Tổng số người phục hồi là hơn 14,96 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 59%). Số ca nhiễm và tử vong hàng ngày vì đại dịch tại Mỹ tiếp tục ở mức cao. 

Nhiều chuyên gia dự đoán tháng 2 và 3 là những tháng cao điểm bùng phát dịch COVID-19 tại Mỹ, khi một số biến chủng dễ dây lan hơn đang lưu hành ở hầu hết các bang và việc tiêm chủng đại trà bắt đầu có dấu hiệu chậm lại.

Số ca tử vong có thể sẽ bắt đầu giảm từ tháng 3 và giảm mạnh vào tháng 6, nếu chiến dịch tiêm chủng hàng loạt được tiến hành một cách nghiêm túc.

Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 10,61 triệu ca nhiễm và 152.906 ca tử vong, tăng lần lượt 15.277 và 152 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 96% với tổng 10,26 triệu người đã khỏi bệnh. Các ca bệnh đang hoạt động liên tục giảm từ tháng 9. 

Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 64.126 và 1.382 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 8,63 triệu và 212.893 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 7,56 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 89%.

Nước này đang trải qua đợt dịch thứ hai tồi tệ khi số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày đều ở mức cao.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 21.152 ca mắc và 597 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 3,63 triệu trường hợp, trong đó 67.220 trường hợp tử vong, và hơn 3,02 triệu người hồi phục (đạt 81%). Số ca nhiễm mới tại Nga có xu hướng giảm dần.

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 21/1: Bắc Kinh phong toả một phần - Ảnh 1.

Hình minh hoạ. (Ảnh: Moskva News Agency).

Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho rằng nước này có thể đạt được miễn dịch cộng đồng trong nửa đầu năm nay khi 60% người dân được tiêm phòng COVID-19. Theo ông, các ca mắc mới hàng ngày tại Nga đang giảm, một phần là nhờ chương trình tiêm chủng đại trà đang được tiến hành, theo TTXVN.

Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) đã nộp đơn đăng ký xin lưu hành vắc xin COVID-19 Sputnik V tại Liên minh châu Âu (EU) và dự kiến quy trình phê duyệt chính thức sẽ được bắt đầu vào tháng sau.

Nga cũng cho biết năng lực sản xuất vắc xin Sputnik V của các đối tác nước ngoài có thể đạt khoảng 350 triệu liều vắc xin/năm.      

Italy hôm 19/1 cảnh báo sẽ có hành động pháp lý nhằm vào hãng dược Pfizer của Mỹ trong vài ngày tới vì chậm bàn giao vắc xin COVID-19, dẫn đến 29% trong số vắc xin đã cam kết không được chuyển đến Italy trong tuần này, theo AFP.

Italy hiện là vùng dịch lớn thứ 7 trên thế giới với số ca nhiễm và tử vong hàng ngày vẫn đang ở mức cao, hơn 1,2 triệu người đã tiêm chủng.

Bồ Đào Nha, quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất thế giới xét trên quy mô dân số, hôm 19/1 ghi nhận số ca tử vong theo ngày cao kỷ lục trong bối cảnh hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này đang đứng trước nguy cơ sụp đổ, theo TTXVN.

Chính phủ Bồ Đào Nha đã ban bố lệnh phong tỏa trên toàn quốc trong hai tuần nhằm kể cuối tuần trước. Ngày 18/1, nước này tiếp tục tăng cường các biện pháp cứng rắn như cấm người dân di chuyển giữa các thành phố vào các ngày cuối tuần và cấm mọi hoạt động kinh doanh, trừ bán các mặt hàng thực phẩm.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết, nước này ghi nhận thêm 103 ca nhiễm mới, trong đó có 88 ca nội địa, (46 trường hợp ở tỉnh Cát Lâm, 19 ở tỉnh Hà Bắc, 16 ở tỉnh Hắc Long Giang và 7 ở thành phố Bắc Kinh), và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19.

Hiện Trung Quốc có tổng cộng 88.557 ca nhiễm, trong đó có 4.635 ca tử vong và 82.449 (94%) bệnh nhân được chữa khỏi.

AFP đưa tin Bắc Kinh hôm qua đã phải phong toả quận Đại Hưng với 1,6 triệu dân sau khi ghi nhận 6 ca nhiễm mới trong cộng đồng.

Bắc Kinh sẽ kéo dài thời gian theo dõi sức khỏe lên 28 ngày đối với du khách từ nước ngoài vào thành phố. Mô hình "14 + 7 + 7" mới bao gồm cách ly tập trung 14 ngày, cách ly tại nhà hoặc tập trung một tuần và một tuần theo dõi sức khỏe.

CNBG thuộc Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Sinofarm, nhà phát triển của hai loại vắc xin COVID-19 đã được sử dụng tại Trung Quốc, tuyên bố vắc xin của họ có thể tạo phản ứng miễn dịch kéo dài ít nhất 6 tháng và có ít nhất một loại an toàn với trẻ em.      

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận 403 ca mắc mới, với 373 ca nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 73.518 ca, trong đó có 1.300 trường hợp tử vong, và 60.180 người đã hồi phục (70%).

Các ca nhiễm mới hàng ngày của Hàn Quốc dao động ở mức 400 ca trong ngày thứ ba liên tiếp, theo Yonhap.

Chính phủ đang làm việc để bảo đảm vắc xin COVID-19 từ công ty Novavax cho 20 triệu dân thông qua thỏa thuận của công ty dược phẩm Hoa Kỳ với nhà sản xuất thuốc địa phương SK Bioscience. 

Hàn Quốc đã bảo đảm vắc xin COVID-19 cho 56 triệu người sau khi ký kết hợp đồng với AstraZeneca, Pfizer và Johnson & Johnson's Janssen vào năm ngoái.

Nhật Bản hôm qua đã đạt thoả thuận mua thêm vắc xin của hãng dược Mỹ Pfizer, cộng với số vắc xin đặt mua từ năm ngoái, nước này sẽ có đủ vắc xin tiêm cho 72 triệu người trong tổng số 126 triệu dân, theo Japan Times.

Vắc xin của Pfizer/BioNTech hiện là loại vắc xin COVID-19 duy nhất đang được Nhật Bản xem xét để phê chuẩn. Chính phủ Nhật Bản cho biết đang chuẩn bị cho chương trình tiêm chủng COVID-19, dự kiến bắt đầu vào cuối tháng 2 trong bối cảnh số ca bệnh đang tiếp tục tăng cao chưa từng thấy.

Như Ý