|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 17/9: Hàn Quốc lo ngại tình trạng mất dấu F0

09:00 | 17/09/2020
Chia sẻ
Tính đến 7h sáng nay 17/9, thế giới đã vượt mốc 30 triệu ca nhiễm COVID-19. Indonesia, Ấn Độ ghi nhận số ca mắc mới cao kỉ lục, Hàn Quốc nhiều ca nhiễm không rõ nguồn gốc. Việt Nam không ghi nhận thêm ca nhiễm.

Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam

Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 18/9

Theo cập nhật từ Bộ Y tế, sáng nay (17/9) không có ca mắc mới COVID-19. Như vậy, đã 15 ngày, Việt Nam không có ca mắc mới ở cộng đồng. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam là 1.063 trường hợp. 

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 30.653.

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 17/9: Các nước châu Âu đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ hai - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Bộ Y tế).

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 936/1.063 ca mắc.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 16 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 12 ca, số ca âm tính lần 3 là 18 ca.

Hiện có 3 trường hợp có tiên lượng nặng, rất nặng và nguy kịch phải thở oxy hỗ trợ, trong đó 01 trường hợp nặng thở máy xâm nhập. Đến thời điểm này số ca tử vong ở nước ta là 35 ca.

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 17/9, toàn thế giới có tổng cộng hơn 30,02 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 944.637 người tử vong và 21,77 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 72,5%).

Đến nay, 215 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có hai tàu du lịch) trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.

Theo NYTimes, các nước châu Âu tiếp tục chứng kiến số ca lây nhiễm tăng cao, đối mặt với nguy cơ về sóng lây nhiễm thứ hai.

Các ca nhiễm mới đang tăng vọt những tuần gần đây, đặc biệt ở Pháp và Tây Ban Nha. Pháp báo cáo thêm hơn 10.000 ca nhiễm mỗi ngày vào tuần trước. Do tổng số ca xét nghiệm hàng ngày được thực hiện đã tăng gấp 10 lần so với hồi mùa xuân.

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 17/9: Các nước châu Âu đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ hai - Ảnh 2.

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Vénissieux, Pháp, hồi tuần trước. (Ảnh: AFP).

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 6,82 triệu ca nhiễm COVID-19, chiếm 22,75% số ca nhiễm toàn cầu, sau khi ghi nhận thêm 37.792 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 1.070 ca, nâng tổng số lên 201.267. Tổng số người phục hồi là hơn 4,10 triệu người (tỉ lệ phục hồi đạt 59,8%).

Số ca nhiễm mới hàng ngày tại nước này đang có xu hướng giảm.

Các điểm nóng về COVID-19 ở Mỹ vẫn báo cáo số ca nhiễm cao, với 2.355 ca ở Florida, 3.734 ca ở Texas và 2.250 ca ở California, Georgia ghi nhận thêm 2.223 ca, Illinois 1.941 ca.

Các quan chức từ Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ và Lầu Năm Góc cho biết nước này có khả năng phân phối một số lượng vắc xin COVID-19 hạn chế chỉ trong vòng 24 giờ sau khi vắc xin được cấp phép, và có thể có vắc xin vào đầu tháng 11, nguồn cung sau đó có sẽ tăng lên đáng kể vào năm 2021, theo Reuters.

Ấn Độ đã vượt Brazil trở thành nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 5,11 triệu ca nhiễm và 83.230 ca tử vong, tăng lần lượt 97.859 và 1.139 so với ngày hôm trước. Tỉ lệ phục hồi đạt 78,6% với tổng 4,02 triệu người đã khỏi bệnh.

Theo thống kê, số ca nhiễm mới hàng ngày của Ấn Độ đang tăng mạnh và xác lập kỉ lục mới trong 24 giờ qua. Ấn Độ hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao thứ 3 trên thế giới chỉ xếp sau Mỹ, Brazil, sau khi ghi nhận thêm số ca tử vong trong một ngày qua cao nhất thế giới.

Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 37.387 và 967 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 4,42 triệu và 134.174 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 3,72 triệu, tỉ lệ phục hồi đạt 84,1%.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, ghi nhận thêm 5.670 ca mắc và 132 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là hơn 1,07 triệu trường hợp, trong đó 18.917 trường hợp tử vong, và 890.114 người hồi phục (đạt 83,1%). Số ca nhiễm mới trong ngày của Nga đang chững lại ở mức 5.000 ca.

Peru là nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ 5 thế giới, với tổng số ca nhiễm bệnh là 738.020 ca, trong đó có 30.927 ca tử vong, và 580.753 người hồi phục (78,6%).

Số ca nhiễm mới COVID-19 ghi nhận hàng ngày tại nước này vẫn đang ở mức cao.

Mexico đã vượt Nam Phi trở thành nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ 7 thế giới, với tổng số ca nhiễm bệnh là 676.487 ca, trong đó có 71.678 ca tử vong - cao thứ 4 thế giới, và 481.068 người hồi phục (71,1%).

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 12 ca nhiễm mới (đều là ca ngoại nhập), và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Như vậy nước này đã 31 ngày không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng.

Hiện Trung Quốc có tổng cộng 85.214 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 80.437 (94,3%) bệnh nhân được chữa khỏi.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) thông báo nước này ghi nhận 113 ca mắc mới, trong đó có 105 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 22.504 ca, trong đó có 367 trường hợp tử vong và 19.310 người đã hồi phục.

Đây là ngày thứ 14 ngày liên tiếp nước này ghi nhận số ca mắc mới dưới ngưỡng 200 ca/ngày.  Tuy nhiên, giới chức y tế Hàn Quốc đang lo ngại về tình trạng nhiều ca mắc không truy vết được nguồn lây và sự bùng phát ổ dịch mới.

Indonesia thông báo thêm 3.963 ca nhiễm mới và 135 ca tử vong trong một ngày qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt lên 228.993 ca và 9.100 ca. Đây là ngày có số ca nhiễm bệnh cao nhất từ khi dịch xuất hiện tại nước này. Indonesia hiện là nước có số ca tử vong cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Như Ý

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.