Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 11/8: Mỹ cán mốc 5 triệu ca nhiễm, New Zealand tự tin ngăn chặn lây nhiễm
Việt Nam: Không có ca mắc mới COVID-19, nhiều bệnh nhân ở Đà Nẵng, Huế âm tính
Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 12/8
Theo cập nhật từ Bộ Y tế, sáng nay (11/8) Việt Nam không ghi nhận thêm ca nhiễm mới COVID-19. Việt Nam hiện ghi nhận 847 ca mắc.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 165.983.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này đã có 399/847 ca bệnh COVID-19 của nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 47,1% tổng số ca bệnh COVID-19 trong cả nước.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ, hiện có 45 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1-2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 389 bệnh nhân dương tính với COVID-19. Số trường hợp tử vong: 15 ca.
New Zealand hơn 100 ngày không có ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng
Trên toàn thế giới, theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 11/8, toàn thế giới có tổng cộng 20.231.230 ca mắc COVID-19, trong đó có 737.649 người tử vong và 13.037.330 bệnh nhân phục hồi (đạt 64,4%).
Đến nay, 215 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có hai tàu du lịch) trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.
Theo thống kê, số ca nhiễm mới hàng ngày toàn cầu đang tăng.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã cán mốc 5 triệu ca nhiễm COVID-19, cụ thể là 5.246.066 (chiếm 25,93% số ca nhiễm toàn cầu), sau khi ghi nhận thêm 44.420 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 467 ca, nâng tổng số lên 166.090. Tổng số người phục hồi là 2.699.503 (tỉ lệ phục hồi đạt 51,45%). Các số liệu mới trong 24 giờ qua đều giảm so với những ngày trước đó.
Từ hồi tháng 6, Mỹ đã chứng kiến các ca nhiễm mới tăng nhanh trở lại và hiện các ca tử vong cũng có dấu hiệu tăng cao, dẫn tới tình trạng quá tải tại bệnh viện và nhà xác, và phòng thí nghiệm xét nghiệm.
Các điểm nóng về COVID-19 ở Mỹ vẫn báo cáo số ca nhiễm mới tăng mạnh, với 4.155 ca ở Florida, 4.471 ca ở Texas và 8.118 ca ở California. Một số bang khác cũng bắt đầu nổi lên như Georgia ghi nhận thêm 2.429 ca, Illinois 1.319 ca.
Theo Guardian, những người nghèo tại các hạt nằm sâu ở phía nam nước Mỹ, nơi tiếp cận y tế khó khăn, chính sách sai lầm cũng như nạn chia rẽ và phân biệt sắc tộc kéo dài qua nhiều thế hệ đã khiến tỉ lệ tử vong vì COVID-19 tăng cao trong vài tháng gần đây.
Theo Reuters dẫn lời Tổng thống Donald Trump hôm 8/8, ông đã kí các sắc lệnh hành pháp nhằm gia hạn hỗ trợ tài chính cho hàng chục triệu người Mỹ bị mất việc làm do COVID-19.
Theo ông Trump, một trong các sắc lệnh then chốt sẽ cấp thêm 400 USD/tuần cho khoản trợ cấp thất nghiệp của người Mỹ, ít hơn so với mức 600 USD/tuần được thông qua trước đó.
Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 là 21.888 và 616 ca, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là 3.057.470 và 101.752. Trong đó tổng số ca phục hồi là 2.118.460 (tỉ lệ phục hồi đạt 69,3%).
Theo thống kê, số ca nhiễm mới và tử vong trong vài ngày qua giảm mạnh, nhưng tổng quan vẫn đang có xu hướng tăng.
Theo AFP, giới chuyên gia cho rằng số ca mắc COVID-19 tại Brazil trên thực tế có thể cao hơn gấp 6 lần số lượng thống kê nếu tiến hành xét nghiệm một cách hiệu quả.
Tối 7/8, sau khi số ca tử vong do SARS-CoV-2 ở Brazil vượt 100.000 người, TV Globo, một trong những mạng lưới truyền hình nhiều người xem nhất Brazil đã mở đầu bản tin bằng cách chỉ trích rất nhiều về những phản ứng của Bolsonaro với cuộc khủng hoảng sức khỏe trong nước.
Bolsonaro sau đó một ngày cho biết TV Globo đang sử dụng đại dịch COVID-19 cho các mục đích chính trị, thêm rằng "thông tin sai lệch giết chết nhiều người hơn cả virus". Tổng thống Brazil khẳng định ông là người "lương tâm trong sạch" và đã "làm mọi điều có thể để cứu mọi người".
Ngay từ khi đại dịch bùng phát, Tổng thống Bolsonaro đã coi nhẹ đại dịch này và gọi đó là "cúm vặt". Ông cũng cho rằng thiệt hại về kinh tế bởi các lệnh phong tỏa ngăn COVID-19 còn nguy hiểm hơn virus.
Ấn Độ hiện đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 2.267.153 ca nhiễm và 45.353 ca tử vong, tăng lần lượt 53.016 và 887 so với ngày hôm trước. Tỉ lệ phục hồi đạt 69,7% với tổng 1.581.640 người đã khỏi bệnh.
Theo thống kê, số ca nhiễm mới hàng ngày của Ấn Độ càng ngày càng tăng. Về số ca tử vong, Ấn Độ đã vượt Itali, trở thành vùng dịch có số ca tử vong đứng thứ 5 thế giới chỉ xếp sau Mỹ, Brazil, Mexico, và Anh.
Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, ghi nhận thêm 5.118 ca mắc và 70 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là 892.654 trường hợp, trong đó 15.001 trường hợp tử vong, và 696.681 người hồi phục (đạt 78%). Số ca nhiễm mới trong ngày của Nga đang chững lại ở mức 5.000-6.000 ca.
Đây là ngày thứ 45 liên tiếp nước này có số ca nhiễm mới trong một ngày của Nga dưới 7.000 kể từ cuối tháng 4.
Chính phủ Nga thông báo họ đã kiểm soát được đại dịch, nhưng vẫn sẵn sàng phương án đối phó đợt bùng phát thứ hai có thể diễn ra vào mùa thu, và cho biết, vắc xin COVID-19 đầu tiên trên thế giới sẽ được đăng kí vào ngày 12/8.
Nam Phi là nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ 5 thế giới. Cụ thể, tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này là 563.598 ca, trong đó, tổng số ca tử vong là 10.621, số ca bình phục là 417.200 (74%)
Theo thống kê, số ca nhiễm mới hàng ngày tại nước này đang có xu hướng giảm, nhưng số ca tử vong lại có xu hướng tăng.
Mexico là nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ 6 thế giới, với tổng số ca nhiễm bệnh là 480.278 ca, trong đó có 52.298 ca tử vong - cao thứ 3 thế giới, và 322.465 người hồi phục (67,1%).
Theo thống kê, số ca nhiễm mới hàng ngày của nước này trong vài ngày nay đang có xu hướng giảm.
Trung Quốc thông báo trong 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 49 ca nhiễm mới và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Hiện Trung Quốc có tổng cộng 84.668 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 79.232 (93,6%) bệnh nhân được chữa khỏi.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết nước này ghi nhận thêm 14 ca nhiễm nội địa (đều ở khu tự trị Tân Cương) và 35 ca ngoại nhập (18 trường hợp ở thành phố Thượng Hải, 4 trường hợp ở tỉnh Sơn Đông, 4 trường hợp ở tỉnh Tứ Xuyên, 3 trường hợp ở tỉnh Quảng Đông, 3 trường hợp ở tỉnh Thiểm Tây, 2 trường hợp ở tỉnh Liêu Ninh và 1 trường hợp ở tỉnh Chiết Giang).
Phần lớn ca nội địa được phát hiện ở khu tự trị Tân Cương, nơi một ổ dịch bùng phát ở thủ phủ Urumqi giữa tháng 7, và tỉnh Liêu Ninh do một ổ dịch xuất hiện hôm 24/7 ở thành phố Đại Liên.
Theo Reuters, Hội Chữ thập Đỏ cử hơn 43.000 tình nguyện viên tới Triều Tiên, gồm cả thành phố Kaesong đang bị phong tỏa, để hỗ trợ ứng phó COVID-19 và lũ lụt.
Trước đó, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un ban bố tình trạng khẩn cấp và phong tỏa thành phố Kaesong từ tháng trước, sau khi phát hiện ca nghi nhiễm COVID-19 là một người đào tẩu đã quay trở lại sau khi sang Hàn Quốc từ năm 2017. Bình Nhưỡng chưa khẳng định người này nhiễm SARS-CoV-2 và vẫn tuyên bố "sạch bóng" COVID-19.
New Zealand không ghi nhận thêm ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 từ 6/8.
Theo Fox News, nước này đánh dấu 100 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng hôm 9/8, cho thấy những dấu hiệu khả quan về ứng phó COVID-19 ở nước này.
New Zealand ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 bằng cách áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt ngay sau khi 100 người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 hồi cuối tháng 3, đồng thời đóng cửa biên giới. Trong những tháng qua, các ca nhiễm mới chỉ là các ca nhập cảnh, đã được tiến hành cách li ngay.
Quốc gia Nam Thái Bình Dương với dân số gần 5 triệu người này, tới nay chỉ ghi nhận 1.569 ca nhiễm COVID-19 và 22 ca tử vong. Đầu tháng 6, Thủ tướng Jacinda Ardern tuyên bố rằng các quan chức nước này "tự tin đã loại bỏ được sự lây nhiễm của COVID-19 ở New Zealand".