|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình COVID-19 ngày 28/7: Không phát hiện thêm ca mới, Việt Nam có 431 ca bệnh

07:30 | 28/07/2020
Chia sẻ
Tính đến 6h sáng nay, thế giới có hơn 16 triệu ca mắc COVID-19. Trung Quốc giúp Hong Kong xây bệnh viện dã chiến. Việt Nam không có thêm ca nhiễm mới nào.

Thêm 11 ca mắc COVID-19 liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng, trong đó có 4 nhân viên y tế, Việt Nam có 431 ca bệnh

Xem thêm: Cập nhật tình hình COVID-19 ngày 29/7

Theo trang Sức khỏe & Đời sống, Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 thông báo, tính đến 6h ngày 28/7, Việt Nam hiện ghi nhận 431 ca mắc COVID-19.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 15.033.

Cập nhật tình hình COVID-19 ngày 28/7: Không phát hiện thêm ca mới, Việt Nam có 431 ca bệnh - Ảnh 1.

Tình hình các ca mắc COVID-19 tại Việt Nam (Nguồn: Bộ Y tế).

Về 11 ca nhiễm mới, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch cho biết hôm qua đã ghi nhận 11 ca mắc COVID-19 có liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng, trong đó có 4 nhân viên y tế. 

Các bệnh nhân có độ tuổi từ 24-70, trong đó có 7 bệnh nhân đang điều trị tại các Khoa (Tim mạch, Hồi sức tích cực chống độc, Y học nhiệt đới, Nội thận- Nội tiết) và 4 nhân viên y tế của Bệnh viện Đà Nẵng.

Sau khi được phong toả ngày 26/7, Bệnh viện Đà Nẵng đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Đà Nẵng, kết quả xét nghiệm ngày 27/7 có 11 mẫu dương tính với SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân đang được cách li, điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Về tình hình điều trị, Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này đã có 365/420 ca bệnh COVID-19 của nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 84,7% tổng số ca bệnh.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ đa số đều có sức khoẻ ổn định, hiện có 5 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1- 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 61 bệnh nhân dương tính với virus gây COVID-19.

Riêng 2 trường hợp bệnh nhân số 416 và 418 đang điều trị tại Bệnh viện TP Đà Nẵng đang trong tình trạng nặng.

Theo đó, bệnh nhân 416, là nam, 57 tuổi, được chẩn đoán viêm đường hô hấp cấp do nhiễm SARS-CoV 2 (COVID-19) - Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển - Sốc nhiễm khuẩn. Bệnh nhân đã được đặt ECMO (ECMO tĩnh mạch - tĩnh mạch, phổi nhân tạo) ngày thứ 4; tiếp tục được lọc máu và thở máy hỗ trợ.

Hiện các chỉ số và chức năng trong phạm vi kiểm soát, nhưng tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong cao, khả năng vẫn tiếp tục thở máy, ECMO phổi nhân tạo, lọc máu liên tục.

Đối với bệnh nhân 418, nam, 61 tuổi, được chẩn đoán viêm đường hô hấp cấp nặng do nhiễm SARS-CoV 2 (COVID-19) – trên bệnh nhân Tăng huyết áp, đái tháo đường type 2 – Biến chứng: Suy hô hấp, suy tim – Tổn thương thận cấp, tiên lượng rất nặng, tiếp tục thở máy và lọc máu liên tục.

Các chuyên gia đánh giá, bệnh nhân 418 nặng hơn bệnh nhân 416 vì tuổi cao, mắc các bệnh nền như Tăng huyết áp, đái tháo đường nhiều năm, bệnh nhân nhiễm toan nặng; tổn thương thận biểu hiện rõ, bạch cầu tăng, cần xem xét thực hiện ECMO.

Thế giới có hơn 16 triệu ca nhiễm, Trung Quốc giúp Hong Kong xây bệnh viện dã chiến

Trên toàn thế giới, theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 28/7, toàn thế giới có tổng cộng 16.613.853 ca mắc COVID-19, trong đó có 655.567 người tử vong và 10.212.510 bệnh nhân phục hồi.

Đến nay, 215 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có hai tàu du lịch) trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã vượt mốc bốn triệu ca nhiễm COVID-19, cụ thể là 4.425.907 (chiếm 26,64% số ca nhiễm toàn cầu), sau khi ghi nhận thêm 54.068 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 447 ca, nâng tổng số lên 150.295.

Từ hồi tháng 6, Mỹ đã chứng kiến các ca nhiễm mới tăng nhanh trở lại và hiện các ca tử vong cũng có dấu hiệu tăng cao, dẫn tới tình trạng quá tải tại bệnh viện và nhà xác, và phòng thí nghiệm xét nghiệm.

Các điểm nóng về COVID-19 ở Mỹ báo cáo số ca nhiễm mới có dấu hiệu giảm nhưng vẫn ở mức cao, với 8.892 ca ở Florida, 3.986 ca ở Texas và 4.780 ca ở California.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ O'Brien xét nghiệm dương tính với nCoV hôm nay và đang tự cách li tại nhà.

Theo tờ Bloomberg của Mỹ cho biết Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O'Brien đã cho kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV hôm qua (27/7) sau một sự kiện gia đình và đang tự cách li tại nhà. Một trong các nguồn tin tiết lộ O'Brien đã không xuất hiện ở văn phòng từ tuần trước và ông vẫn điều hành Hội đồng An ninh Quốc gia qua điện thoại. Nhà Trắng khẳng định Tổng thống Donald Trump và Phó tổng thống Mike Pence không gặp nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Cập nhật tình hình COVID-19 ngày 28/7: Không phát hiện thêm ca mới, Việt Nam có 431 ca bệnh - Ảnh 2.

Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O'Brien dương tính với nCoV (Ảnh: AFP)

Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ. Số người nhiễm nCoV tại Brazil tăng gấp đôi trong chưa đầy một tháng và vượt con số hai triệu hôm 16/7.

Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 là 22.474 và 566 ca, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là 2.442.375 và 87.618. 

Hai ngày nay, số ca nhiễm và tử vong tại nước này giảm mạnh so với những ngày trước đó. Nhiều chuyên gia cho rằng số ca nhiễm COVID-19 thực tế ở Brazil cao hơn rất nhiều so với báo cáo do hạn chế xét nghiệm.

Theo AFP, công đoàn đại diện hơn một triệu y bác sĩ Brazil đã gửi hồ sơ, kêu gọi Tòa Hình sự Quốc tế điều tra cách chính quyền Bolsonaro ứng phó COVID-19.

Công đoàn cáo buộc chính quyền của Bolsonaro "sơ suất trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19, gây nguy hiểm đến tính mạng của các y bác sĩ và người dân Brazil - nơi có số ca tử vong do đại dịch cao thứ hai thế giới."

Bolsonaro nhiều lần đánh giá thấp mối đe dọa của dịch bệnh, gọi đây chỉ là "cúm vặt" và bỏ qua các qui tắc, biện pháp cách biệt cộng đồng, bao gồm đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Ông cho rằng những biện pháp hạn chế ngăn COVID-19 gây nên hậu quả còn tồi tệ hơn đại dịch.

Ấn Độ hiện đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 1.482.503 ca nhiễm và 33.448 ca tử vong, tăng lần lượt 46.484 và 636 so với ngày hôm trước.

Theo thống kê, số ca nhiễm mới hàng ngày của Ấn Độ đang trên đà tăng mạnh. Về số ca tử vong, Ấn Độ đã vượt Pháp, trở thành vùng dịch có số ca tử vong đứng thứ 6 thế giới chỉ xếp sau Mỹ, Brazil, Anh, Mexico và Itali.

Theo CNN, Thủ tướng Ấn Độ Modi nói cách những người dân của ông cùng nhau chiền đấu chống COVID-19 trong vài tháng qua đã chứng minh nhiều nhận định của thế giới đã sai.

Ông Modi tuyên bố trong bài phát biểu hàng tháng trên chương trình phát thanh hôm 26/7 rằng tỉ lệ phục hồi ở Ấn Độ tốt hơn ở các nước khác nhưng cảnh báo rằng mối đe dọa của căn bệnh này vẫn còn.

"Chúng ta cần phải cảnh giác. Chúng tôi phải nhớ rằng COVID-19 vẫn nguy hiểm như lúc ban đầu", ông nói thêm.

Tình hình dịch bênh đặc biệt nghiêm trọng ở Delhi, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch nhất của đất nước. Nghiên cứu được thực hiện bởi Trung tâm kiểm soát dịch bệnh quốc gia Ấn Độ cho thấy gần một phần tư cư dân ở Delhi đã nhiễm virus.

Ấn Độ đặt lệnh phong tỏa toàn quốc từ 25/3, khi chỉ mới ghi nhận 519 ca nhiễm và 10 ca tử vong. Lệnh phong tỏa khiến hàng nghìn người dân làm công ăn lương bị mất việc làm, thiếu thực phẩm. Nhiều người đã tử vong trên hành trình dài để trở về quê nhà ở các bang xa xôi.

Khi các hạn chế được nới lỏng ngày 30/5, Ấn Độ đã ghi nhận hơn 180.000 ca nhiễm và hiện tăng mạnh.

Theo Reuters, tại Assam, bang đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt tại đông bắc Ấn Độ, chứng kiến số ca COVID-19 gia tăng trong tình trạng cạn kiệt thuốc men, chính quyền bang đang cố gắng thuyết phục người nhiễm COVID-19 đã khỏi bệnh chấp nhận hiến huyết tương, loại '"thuốc" được cho là giàu kháng thể chống nCoV, dù chưa có nghiên cứu nào xác thực điều này.

Chính quyền còn đặt ra những ưu tiên và hỗ trợ cho những người hiến huyết tương sau khi khỏi bệnh 4 tuần.

Assam dự đoán sẽ đạt đỉnh COVID-19 vào giữa tháng 9. Bang hiện ghi nhận hơn 32.000 ca nhiễm và 79 ca tử vong.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, ghi nhận thêm 5.635 ca mắc và 85 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là 818.120 trường hợp, trong đó 13.354 trường hợp tử vong. Số ca nhiễm mới trong ngày của Nga đang chững lại ở mức 5.000-6.000 ca.

Đây là ngày thứ 32 liên tiếp nước này có số ca mới trong một ngày của Nga dưới 7.000 kể từ cuối tháng 4.

Chính phủ Nga thông báo họ đã kiểm soát được đại dịch, nhưng vẫn sẵn sàng phương án đối phó đợt bùng phát thứ hai có thể diễn ra vào mùa thu.

Nam Phi đã vượt Peru trở thành nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ 5 thế giới. Cụ thể, tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này là 452.529 ca, trong đó, tổng số ca tử vong là 7.067.

Theo thống kê, số ca nhiễm mới hàng ngày tại nước này đang có xu hướng tăng nhanh.

Trung Quốc thông báo trong 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 61 ca nhiễm mới và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Hiện Trung Quốc có tổng cộng 83.891 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 78.918 bệnh nhân được chữa khỏi. 

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm qua cho biết nước này ghi nhận thêm 57 ca nhiễm nội địa và 4 ca ngoại nhập. Phần lớn ca nội địa (41 ca) được phát hiện ở khu tự trị Tân Cương, nơi một ổ dịch bùng phát ở thủ phủ Urumqi giữa tháng này.

14 ca nhiễm được ghi nhận ở tỉnh Liêu Ninh do ổ dịch xuất hiện ở thành phố Đại Liên tuần trước. Thêm hai ca nhiễm được xác định ở tỉnh Cát Lâm, giáp biên giới Triều Tiên. 

Trước đó, theo Global Times, chính quyền Đại Liên, đông bắc Trung Quốc hôm 26/7, tuyên bố sẽ xét nghiệm axit nucleic cho toàn bộ 6 triệu dân nhằm chặt đứt chuỗi lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Đại Liên hôm 24/7 phát hiện ba ca nhiễm mới có triệu chứng và 12 ca nhiễm không triệu chứng, liên quan tới trường hợp là một người đàn ông 58 tuổi làm việc tại nhà máy chế biến hải sản nhập khẩu được phát hiện dương tính với COVID-19 hôm 22/7.

Tất cả số ca nhiễm mới đều chưa từng rời khỏi Đại Liên trong 14 ngày gần đây. Các ca nhiễm hiện đã lan sang 7 thành phố thuộc các tỉnh Liêu Ninh, Cát Lâm, Hắc Long Giang và Phúc Kiến.

Cập nhật tình hình COVID-19 ngày 28/7: Không phát hiện thêm ca mới, Việt Nam có 431 ca bệnh - Ảnh 3.

Người dân trong một khu dân cư ở Đại Liên xếp hàng chờ nhận thực phẩm hôm 23/7, sau khi khu vực này bị phong tỏa vì có người nhiễm COVID-19. (Ảnh: Reuters)

Vụ việc về ổ dịch mới ở Đại Liên một lần nữa khiến dư luận Trung Quốc bất an về chuỗi nhập khẩu thực phẩm từ một số nhà cung cấp nước ngoài liên quan tới COVID-19.

Theo AFP, Trung Quốc sẽ giúp Hong Kong xây dựng một bệnh viện dã chiến khẩn cấp có thể cung cấp tới 2.000 giường bệnh khi các trường hợp nhiễm COVID-19 gia tăng ở thành phố bán tự trị, một quan chức chính phủ cao cấp cho biết hôm qua (27/7).

Hong Kong (Trung Quốc) trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 145 ca nhiễm mới và 4 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số lên 2.779 ca, trong đó có 22 trường hợp tử vong. Ca nhiễm mới hàng ngày của Hong Kong đang trên đà tăng nhanh.


Như Ý

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.