Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 19/2: Biến chủng nCoV mới ở Phần Lan khó phát hiện qua xét nghiệm PCR
Dịch COVID-19 hôm nay ở Việt Nam
Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, sáng hôm nay (19/2) không có ca mắc mới COVID-19.
Như vậy, Việt Nam có tổng cộng 1.448 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 755 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 139.446.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến chiều hôm qua, nước ta đã chữa khỏi cho 1.605 bệnh nhân.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 69 ca; số ca âm tính lần hai là 39 ca, số ca âm tính lần ba là 55 ca.
Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới
Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 110,79 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2,45 triệu người tử vong và 85,73 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 73%). Ca bệnh mới trên toàn cầu đang giảm dần.
Đến nay, 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, hai tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.
WSJ đưa tin, các biến chủng mới lây lan mạnh ở châu Âu đang cản trở nỗ lực chống COVID-19, giữa lúc tiêm chủng bị đình trệ khi chỉ có 4,8% công dân Liên minh châu Âu (EU) được tiêm chủng kể từ cuối tháng 12/2020, đồng nghĩa với việc lục địa này chưa thể bắt đầu cuộc chiến với các biến chủng mà nhiều chuyên gia cho rằng sẽ là vấn đề trọng tâm trong chính sách y tế vài tháng hoặc vài năm tới.
Hầu hết quốc gia châu Âu chứng kiến số ca nhiễm giảm đều đặn sau nhiều tháng phong tỏa, nhưng việc các biến chủng mới ở Anh, Nam Phi và Brazil được cho dễ lây lan và có thể nguy hiểm hơn bản gốc, đang lây lan mạnh, có thể nhanh chóng "phủi sạch" thành quả chống dịch trước đó; đồng thời cản trở nỗ lực dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng dịch ở châu Âu,
Tại ASEAN, các nước đã thống nhất sử dụng 10,5 triệu USD từ Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19 để mua vắc xin hỗ trợ người dân các nước thành viên, trên cơ sở phân bổ đồng đều cho cả 10 nước, theo báo Chính phủ.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 28,51 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 60.311 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 2.246 ca, nâng tổng số lên 504.794. Tổng số người phục hồi là hơn 18,68 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 66%). Số ca nhiễm mới tại Mỹ giảm mạnh trong thời gian qua.
Trong báo cáo ngày 2/2 khi xem xét dữ liệu cả năm 2020, Theresa Andrasfay thuộc Đại học Nam California và Noreen Goldman ở Princeton ước tính tuổi thọ của người Mỹ sẽ giảm 1,13 năm do đại dịch. Trong đó người Mỹ da đen và Latinh sẽ chịu mức giảm nhiều hơn người Mỹ da trắng từ 3 đến 4 lần, theo Washington Post.
Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 10,96 triệu ca nhiễm và 156.121 ca tử vong, tăng lần lượt 12.540 và 83 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 97% với tổng 10,66 triệu người đã khỏi bệnh. Các ca bệnh đang hoạt động liên tục giảm từ tháng 9.
Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 51.350 và 1.432 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 10,03 triệu và 243.610 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 8,99 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 89%.
Số ca bệnh mới hàng ngày dao động thất thường nhưng nhìn chung, nước này vẫn chưa vượt qua được đợt dịch tồi tệ nhất.
Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 13.447 ca mắc và 480 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 4,12 triệu trường hợp, trong đó 81.926 trường hợp tử vong, và hơn 3,66 triệu người hồi phục (đạt 89%). Số ca nhiễm mới tại Nga đang giảm dần, nhưng số ca tử vong vẫn ở mức khá cao.
Interfax đưa tin, nước này dự định đăng ký vắc xin COVID-19 thứ ba mang tên CoviVac vào ngày 20/2 và đưa vào lưu hành dân sự vào tháng 3.
CoviVac là loại vắc xin bất hoạt, hai liều/người (mỗi lần cách nhau 14 ngày). vắc xin này có thể vận chuyển và bảo quản ở nhiệt độ từ 2 - 8 độ C. Qua nghiên cứu lâm sàng, Nga cho biết CoviVac an toàn tuyệt đối và có khả năng gây ra phản ứng thấp, tạo được khả năng miễn dịch ổn định trên hầu hết tình nguyện viên vào ngày thứ 28 kể từ lần tiêm đầu tiên.
Sputnik đưa tin, Phòng thí nghiệm Vita và Viện Công nghệ Sinh học thuộc Đại học Helsinki đã phát hiện ra một chủng virus SARS-CoV-2 chưa từng được biết đến trước đây trong một mẫu phẩm ở miền Nam Phần Lan.
Các đột biến của chủng virus này giúp nó không bị phát hiện bằng biện pháp xét nghiệm PCR đơn thuần. Hiện các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra dữ liệu về nơi chủng virus đột biến Fin-796H phát triển và chưa dám chắc Fin-796H đã phát triển tại Phần Lan vì tổng số ca nhiễm COVID-19 ở quốc gia này thấp hơn đáng kể so với các nước châu Âu khác. Khả năng kháng vắc xin của Fin-796H cũng chưa được xác định.
Theo Viện Y tế và An sinh Phần Lan, gần 240.000 người Phần Lan đã được tiêm phòng COVID-19, tương đương với 4% dân số. Số ca nhiễm mới hàng ngày gần đây tại nước này vẫn đang ở mức cao.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 11 ca nhiễm mới, tất cả đều là trường hợp nhập cảnh, và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Nước này trong 11 ngày qua chỉ ghi nhận thêm một ca nhiễm mới trong cộng đồng.
Hiện Trung Quốc có tổng cộng 89.806 ca nhiễm, trong đó có 4.636 ca tử vong và 84.650 (94%) bệnh nhân được chữa khỏi.
Bộ Giáo dục Trung Quốc đã yêu cầu các cơ sở mẫu giáo, nhà trẻ và trường tiểu học trên toàn quốc kiểm tra giấy chứng nhận tiêm chủng của trẻ em trước khi nhập học. Việc kiểm tra nhằm vào cả học sinh mới nhập học và chuyển trường trong vòng 30 ngày sau khi trẻ vào học, và tiến hành tiêm chủng lại nếu cần thiết.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận 621 ca mắc mới, với 590 ca nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 85.567 ca, trong đó có 1.544 trường hợp tử vong, và 75.896 người đã hồi phục (89%).
Các ca nhiễm mới tại Hàn Quốc đã tăng trở lại lên mức 600 ngày thứ hai liên tiếp, mức tăng nhiều nhất trong hơn một tháng qua, do các ca bệnh từ một loạt nhà máy sản xuất và bệnh viện gia tăng, khiến các nhà chức trách phải đề phòng nguy cơ bùng phát dịch, theo Yonhap.
Tổng cộng 151 chai kháng thể điều trị COVID-19 của Celltrion đã được phân phối đến 4 bệnh viện vào ngày đầu tiên của đợt triển khai hôm thứ tư, bệnh nhân sẽ được cung cấp thuốc miễn phí.
Celltrion thông báo CT-P59 vô hiệu hóa thành công loại biến thể virus được phát hiện lần đầu ở Anh, ngoài 6 đột biến gen đã được xác định trước đó. Tuy nhiên, thuốc điều trị này có hiệu quả kém hơn đối với biến thể từ Nam Phi.
Vì vậy, Celltrion đã bắt đầu phát triển thêm một liệu pháp điều trị bằng hỗn hợp kháng thể được biến đổi từ CT-P59 để có thể chống lại các loại biến thể mới xuất hiện khác, bao gồm cả loại từ Nam Phi, và đặt mục tiêu hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II loại thuốc mới này trong vòng 6 tháng tới.