Cao su thiên nhiên xuất khẩu 9 tháng đầu năm tăng 14,6%
ANRPC: Sản lượng cao su thiên nhiên trong 9 tháng đầu năm giảm nhẹ |
Bộ NN&PTNT ước tính, lượng xuất khẩu cao su tháng 9 đạt 135.000 tấn, trị giá 172 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2015, lượng xuất khẩu cao su 9 tháng đầu năm đạt 854.000 tấn, trị giá 1,1 tỷ USD, tăng 14,6% về lượng và tăng 1% về giá trị.
Thời gian này, giá cao su thành phẩm trong nước cũng diễn biến tăng theo chiều hướng tích cực. Tại 3 tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, cao su thành phẩm báo giá tăng từ 1.400-1.500 đồng/kg. Dù mức giá này có tăng, song vẫn còn thấp hơn so với 3 tháng trước.
Cụ thể, cao su SVR3L tăng từ 23.900 đồng lên 29.700 đồng/kg (mức cao hồi tháng 6 là 31.600 đồng/kg); cao su SVR10 tăng từ 23.500 đồng lên 27.900 đồng/kg.
Ngược lại, mủ cao su dạng nước tại Bình Phước trong tháng 9 giảm 500 đồng, từ 7.520 đồng xuống chỉ còn 7.040 đồng/kg đối với mủ tạp 32 độ.
Trong 9 tháng đầu năm, sản lượng cao su thiên nhiên ở Việt Nam tăng 4,4%, tổng tiêu thụ tăng 14,5%, xuất khẩu ra nước ngoài tăng 8,9%, theo số liệu từ Hiệp hội sản xuất Cao su thiên nhiên (ANRPC).
Nguồn tin từ Tạp chí cao su cho biết, tính đến ngày 9/9, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) đã khai thác được trên 128 tấn cao su thiên nhiên, đạt 52% kế hoạch năm 2016. Dù sản lượng khai thác thấp hơn cùng kỳ nhưng sản lượng thu mua đạt 38.574 tấn (64,6% kế hoạch năm), vượt 3.057 tấn.
Sản lượng cao su tiêu thụ đạt 173.409 tấn cao su các loại. Trong đó, xuất khẩu và ủy thác xuất khẩu 54.497 tấn; tiêu thụ nội địa 118.912 tấn. Giá bán bình quân tính đạt 29,2 triệu đồng/tấn.
Báo cáo Phát triển Việt Nam 2016 của Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận sự tiến bộ vượt bậc của ngành nông nghiệp với việc Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu hàng đầu các mặt hàng nông sản, lương thực và nằm trong nhóm 5 nước xuất khẩu lớn nhất về thủy sản, gạo, cà phê, chè, hạt điều, hạt tiêu đen, cao su và sắn.