|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cạnh tranh không lành mạnh sẽ “giết chết” hiệu quả kinh doanh

08:26 | 06/11/2016
Chia sẻ
“Cạnh tranh là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng để có sự cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt đối xử… lại phải giải quyết hàng loạt vấn đề hóc búa cả ở tầm luật pháp, thực thi pháp luật, hành xử của doanh nghiệp và chắc chắn không thể thiếu được sự đóng góp bằng thái độ tích cực của người tiêu dùng”.

PGS.TS. Phạm Tất Thắng - Nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công Thương khẳng định tại hội thảo “Đánh giá tình hình thực thi Luật Cạnh tranh Việt Nam và định hướng hoàn thiện” do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) tổ chức cuối tuần vừa qua.

Cạnh tranh không lành mạnh “ngày càng trắng trợn”

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, sau 10 năm thi hành Luật Cạnh tranh, những kết quả thực thi bước đầu đạt được đã giúp nâng cao nhận thức của toàn cộng đồng xã hội về vai trò và tầm quan trọng của cạnh tranh, giúp định hình văn hoá cạnh tranh trong kinh doanh và giúp điều chỉnh hành vi ứng xử cho phù hợp không chỉ đối với cộng đồng các doanh nghiệp mà cả đối với các cơ quan quản lý nhà nước và toàn thể cộng đồng xã hội.

Rõ ràng, kết quả bước đầu đạt được trong thực thi các quy định về chống các hành vi hạn chế cạnh tranh, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của cơ quan cạnh tranh đã tác động một cách trực tiếp tới nhận thức và hành vi không chỉ của các doanh nghiệp kinh doanh trên thị trường mà còn cả đối với mọi tổ chức, cá nhân khác trong xã hội.

canh tranh khong lanh manh se giet chet hieu qua kinh doanh
Hợp tác, cùng cạnh tranh lành mạnh là hướng đi để các doanh nghiệp phát triển bền vững.

Luật Cạnh tranh không chỉ giúp bảo vệ các hoạt động cạnh tranh, góp phần giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng xã hội về cạnh tranh và bảo vệ cạnh tranh, mà còn giúp điều chỉnh hành vi của các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh và mọi cá nhân, tổ chức khác trong xã hội cho phù hợp để hướng tới một môi trường cạnh tranh có văn hoá, lành mạnh và bình đẳng.

Trong 10 năm qua, trung bình mỗi năm Cục Quản lý cạnh tranh thực hiện điều tra tiền tố tụng từ 10 đến 12 vụ việc liên quan đến các hành vi hạn chế cạnh tranh. Đồng thời, thông qua quá trình điều tra, xử lý 08 vụ việc hạn chế cạnh tranh, với gần 70 DN bị điều tra, các cơ quan cạnh tranh đã ra quyết định xử lý, thu về ngân sách nhà nước tổng số tiền phạt và phí xử lý vụ việc cạnh tranh gần 5,5 tỷ đồng. Mặc dù trong các vụ việc này ngoài hình thức xử phạt tiền, không có hình thức xử phạt bổ sung và/hoặc biện pháp khắc phục hậu quả nào được áp dụng, nhưng Cục Quản lý cạnh tranh và Hội đồng cạnh tranh cũng đã đưa ra một số khuyến nghị đối với các DN, hiệp hội và các cơ quan quản lý nhà nước về việc tuân thủ pháp luật cạnh tranh, tránh thực hiện các hành vi vi phạm tương tự trong tương lai.

Tuy nhiên, “những năm gần đây xuất hiện ngày càng nhiều hành vi cạnh tranh không lành mạnh, lạm dụng độc quyền, nhiều biểu hiện xấu không thể chấp nhận được trong môi trường cạnh tranh” - PGS.TS Phạm Tất Thắng cảnh báo.

Tình trạng này thể hiện rất rõ qua hành vi quảng cáo không trung thực, thậm chí “ngày càng trắng trợn” trên phương tiện thông tin đại chúng, hiện tượng bố trí “quân xanh, quân đỏ” trong đấu thầu, đấu giá; ngày càng phổ biến các hình thức khuyến mại tinh vi, nhập nhằng về nhãn hiệu, công dụng của sản phẩm để đánh lừa người tiêu dùng, gây nhầm lẫn trong lựa chọn tiêu dùng sản phẩm; việc “bao sân” thị phần của một số DN nhờ dựa được vào “sự chỉ đạo” ngay trong hệ thống hành chính của quan chức nhà nước...

Đặc biệt, sau sự cố VINASTAS công bố hàm lượng asen trong nước mắm một cách mập mờ (không nói rõ asen hữu cơ và vô cơ), dư luận nhìn nhận “có sự cấu kết giữa DN làm ăn bất chính với một bộ phận truyền thông làm “sân sau” và một số cán bộ quản lý nhà nước biến chất ngày càng được dàn dựng một cách bài bản, tinh vi, làm méo mó thị trường”, PSG. TS Phạm Tất Thắng phản ánh. Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương từng thừa nhận, Cục đã xử lý không ít vụ việc cạnh tranh không lành mạnh dựa vào các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo cơ quan hành chính.

Luật thôi chưa đủ!

Mặc dù Chính phủ đang có rất nhiều nỗ lực để cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển DN nhằm xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh, bình đẳng, lành mạnh, song tình trạng cạnh tranh không lành mạnh vẫn đang hiện hữu.

Nghiên cứu viên Phạm Tất Thắng nhận thấy, đâu đó vẫn còn quá nhiều ưu đãi cho DN nhà nước do T.Ư quản lý, dồn DN tư nhân, đặc biệt là DN nhỏ và vừa vào thế “thân cô, thế cô” không thể tiếp nhận được các yếu tố đầu vào phục vụ cho sản xuất – kinh doanh. Đây chính là một trong những biểu hiện của tình trạng “ưu ái DN lớn, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh” của thị trường.

Đánh giá của các chuyên gia cho rằng, việc có Luật Cạnh tranh và dàn văn bản định hướng hùng hậu nhưng tình trạng cạnh tranh không lành mạnh vẫn diễn ra trước hết là vì mục tiêu lợi nhuận. Nhưng quan trọng chính là hoạt động cạnh tranh đó được “dựa hơi” nhờ thể chế chưa phù hợp, nội dung chống độc quyền trong Luật Cạnh tranh hiện hành còn khá “khiêm tốn”, chưa tạo được môi trường kinh doanh nói chung và môi trường cạnh tranh nói riêng phù hợp với thực tế, cũng như những yếu kém trong việc thực thi pháp luật về quản lý cạnh tranh.

Do vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cùng nhận định, phải thay đổi tư duy trong xây dựng, ban hành chính sách pháp luật cũng như quản lý cạnh tranh để thúc đẩy cạnh tranh công bằng. Nếu chỉ hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý là chưa đủ để xóa bỏ những hành vi cạnh tranh không lành mạnh. TS. Warren Mundy, Ủy viên Hội đồng Ủy ban Năng suất khuyến nghị, thách thức của Việt Nam hiện nay là xây dựng được một hệ thống pháp lý đủ mạnh để tạo ra môi trường đầu tư công bằng cho tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ngoài ra, nhiều ý kiến xoáy vào vai trò của cơ quan quản lý cạnh tranh. Trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt của nền kinh tế thị trường nhưng nước ta hiện vẫn chưa có một cơ quan riêng biệt chỉ thực hiện chức năng quản lý, giám sát cạnh tranh. Thiếu một cơ quan giám sát cạnh tranh độc lập và đủ năng lực sẽ đẩy DN trong nước vào thế bấp bênh khi các DN nước ngoài tràn vào, lợi dụng những kẽ hở trong quản lý thị trường, giám sát cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường, đánh bật các DN trong nước ngay trên “sân nhà”. Vì vậy, Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh từng nhiều lần đề nghị: “Phải nâng cấp cơ quan quản lý cạnh tranh, phải tách bạch thành cơ quan chỉ chuyên làm giám sát cạnh tranh, không đồng thời làm chính sách, chủ sở hữu, hay xúc tiến thương mại… Và phải làm rất gấp!”.

Cùng quan điểm, PSG.TS.Phạm Tất Thắng cũng cho rằng đã đến lúc cần điều chỉnh, phân công lại chức năng của các cơ quan quản lý cạnh tranh cho phù hợp với thời cuộc. Cục Quản lý cạnh tranh với số lượng nhân lực còn hạn chế, chưa được đào tạo thật sâu và bài bản về kiến thức quản lý cạnh tranh, trong khi đó dường như lại được giao quá nhiều chức năng như: điều tra, bảo vệ người tiêu dùng, chống trợ cấp, áp dụng các biện pháp tự vệ…

“Cơ quan này phải đảm đương các hoạt động liên quan đến tố tụng, trong khi đó thẩm quyền xử lý vụ việc lại thuộc Hội đồng cạnh tranh đảm nhiệm. Câu hỏi Hội đồng cạnh tranh trực thuộc ai? Liệu có rơi vào tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong hoạt động kinh doanh thương mại vẫn đang được đặt ra vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng” – ông Thắng nêu vấn đề.

Cùng với việc tăng cường năng lực cho cơ quan quản lý cạnh tranh, cần xây dựng cơ chế hợp tác trong khu vực chú ý đến văn hóa kinh doanh, văn hóa trong cạnh tranh, có biện pháp hữu hiệu và quyết liệt ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh… đang là những công việc cấp bách để hội nhập kinh tế quốc tế tốt hơn theo những yêu cầu mà Việt Nam đã cam kết.

Đồng thời để hướng đến một môi trường cạnh tranh lành mạnh, các DN nên có những cái nhìn bao quát hơn, đạo đức hơn trong kinh doanh, dựa vào những dữ liệu thực tế kết hợp với chiến lược kinh doanh của mình để đưa ra cho thị trường, người tiêu dùng những sản phẩm rẻ hơn và chất lượng hơn, chứ không phải dùng những chiêu trò “đâm bị thóc, chọc bị gạo”, hạ uy tín đối thủ một cách thiếu lành mạnh để chiếm thị trường và tìm kiếm lợi nhuận. Như vậy mới góp phần tăng tính hiệu quả cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay.

Nhiều DN tự bỏ quyền được bảo vệ vì ngại khiếu nại

Tính đến hết năm 2015, Cục Quản lý cạnh tranh đã thụ lý 28 vụ việc thông báo tập trung kinh tế và nhiều vụ việc tham vấn khác cả trước và trong quá trình các DN thực hiện tập trung kinh tế. Đồng thời, tiếp nhận hơn 300 khiếu nại về cạnh tranh không lành mạnh, tiến hành điều tra tổng số 158 vụ và ra quyết định xử phạt trong 150 vụ đã điều tra. “Có DN doanh thu 2000 tỷ đồng thì mức phạt cao nhất lên đến 10% doanh thu là một mức phạt nghiêm khắc” - ông Phùng Văn Thành, Phó trưởng phòng Điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh, Cục Quản lý cạnh tranh nhận xét.

Theo số liệu do Cục Quản lý cạnh tranh tổng hợp, nhóm vụ việc liên quan đến hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số các vụ việc được điều tra, xử lý (chiếm tới 62%), tiếp theo là các vụ việc liên quan tới hành vi bán hàng đa cấp bất chính (chiếm 17%). Số vụ việc liên quan tới các dạng hành vi khác như chỉ dẫn gây nhầm lẫn, gây rối hoạt động của DN khác, gièm pha DN khác, xâm phạm bí mật kinh doanh chiếm tỷ trọng thấp, chủ yếu là do việc phát hiện ra hành vi vi phạm còn phụ thuộc nhiều vào phản ánh từ phía các DN.

Đáng quan tâm, trên thực tế, nhận thức của DN đối với Luật Cạnh tranh còn thấp và tâm lý ngại khiếu nại đã dẫn đến tình trạng nhiều DN tự từ bỏ quyền được bảo vệ của mình. Bên cạnh đó, trong nhiều trường hợp các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương do chưa nhận thức hoặc chưa hiểu một cách đầy đủ các quy định của pháp luật cạnh tranh nên đã vô tình ban hành văn bản hoặc có những hành vi mang tính chất hành chính không phù hợp với các quy định của pháp luật.

Nam Khánh

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.