Cảnh báo COVID-19 bùng phát trở lại trong mùa đông sắp tới
Dù thế giới được cho là đã chuẩn bị tốt hơn để ứng phó với đại dịch, các chuyên gia vẫn cho rằng rủi ro tái bùng dịch tại nhiều quốc vẫn tương đối cao trong mùa đông sắp tới.
Nhiều quốc gia đã triển khai tiêm chủng trên diện rộng và ngăn chặn thành công sự lây lan của các biến chủng nguy hiểm, song thành quả chống dịch này hoàn toàn có thể bị đe dọa bởi bối cảnh nhiều quốc gia nghèo trên thế giới vẫn đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn nguồn lực, theo SCMP.
"Điểm mù" trong năng lực phát hiện và ngăn ngừa biến thể mới
Theo ông Jerome Kim, Tổng giám đốc Viện Vắc xin Quốc tế, năng lực xét nghiệm và phòng chống dịch có phần yếu kém tại các quốc gia nghè đã vô hình chung tạo ra những "điểm mù" trong khả năng phát hiện và ngăn ngừa sự lây lan của các biến thể mới.
"Tôi lo lắng về mùa đông sắp tới", ông Kim nói. "Có quá nhiều người sẽ không được tiêm chủng vắc xin trước tháng 12. Ngay cả tại các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao vẫn tồn tại một số nhóm người chưa tiêm vắc xin".
Điển hình như tại Mỹ, khoảng 58% dân số đã được tiêm chủng. Song, số ca tử vong do COVID-19 tại những địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp vẫn ở ngưỡng tương đối cao. Theo số liệu của Worldometers, tính trong tuần gần nhất từ ngày 13/10 - 19/10, trung bình nước này ghi nhận gần 1.400 ca tử vong do COVID-19 mỗi ngày.
Theo ông Kim, ngay cả khi những khu vực tiêm chủng thấp thuyết phục được nhiều người dân đi tiêm chủng nhiều hơn thì sự thiết hụt nguồn lực xét nghiệm ở những quốc gia khác vẫn sẽ là mối đe dọa cho cả thế giới.
"Các đợt bùng phát mới tạo cơ hội cho biến thể xuất hiện, dù chiến dịch tiêm chủng đã làm chậm đi phần nào khả năng phát triển của chúng", ông Jerome Kim cho biết.
"Điểm mù trong việc xét nghiệm nằm ở nguồn kinh phí hạn hẹp, cùng với năng lực giải trình tự ở các nước có thu nhập thấp và trung bình", ông Kim nói. Những điểm mù nói trên có thể làm "xói mòn" khoản đầu tư trị giá 20 tỷ USD của Mỹ vào vắc xin COVID-19 và tất cả những thành quả đạt được trong 9 tháng qua.
Mối đe dọa đối với nhiều quốc gia trong mùa đông sắp tới có thể đến từ sự nguy hiểm của biến chủng Delta, cộng hưởng với những tác động từ quyết định nới lỏng giãn cách tại một số quốc gia.
Giáo sư Ali Mokdad thuộc Đại học Washington nhận định: "Số bệnh nhân COVID-19 ở Bắc bán cầu có thể sẽ tăng mạnh do tính chất phát triển theo mùa của virus. Khả năng lây nhiễm cao hơn cũng như chính sách nới lỏng ở nhiều quốc gia sẽ khiến số ca mắc mới tăng vọt".
Vắc xin đã được chứng minh là hiệu quả trong việc giảm nhập viện và tử vong, song việc suy giảm khả năng miễn dịch ở những người đã tiêm vắc xin sớm ở những nơi như Mỹ và châu Âu có khả năng khiến dịch bệnh dễ bùng phát hơn.
Sự suy giảm miễn dịch là một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhiều chuyên gia, bởi khả năng miễn dịch của cơ thể đã được chứng minh sẽ giảm dần theo thời gian và cần được tăng cường sau 6 tháng tiếp nhận vắc xin.
Một số chuyên gia y tế và các nhà hoạch định chính sách bày tỏ sự lo ngại về viễn cảnh “đại dịch kép” khi dịch COVID-19 và bệnh cúm đồng thời bùng phát, theo SCMP.
Tỷ lệ mắc cúm mùa đã giảm ở nhiều nơi vào mùa đông năm 2020 nhờ vào việc đeo khẩu trang nơi công cộng, song các chính sách nới lỏng giãn cách mới đây có thể khiến tỷ lệ này gia tăng trở lại. Bới thể, khi một số nước nới lỏng quy định phòng dịch, các chuyên gia y tế kêu gọi người dân nhanh chóng tiêm phòng cúm mùa.
Jenny Harries, người đứng đầu Cơ quan An ninh Y tế Anh, nói với BBC rằng xứ sương mù đang đối mặt với “một mùa đông mơ hồ” khi nhiều người “có nguy cơ tử vong cao nếu nhiễm đồng thời hai loại virus (SARS-CoV-2 và cúm)”.
Những rủi ro từ chính sách mở cửa
Sau làn sóng dịch bệnh kinh hoàng vào tháng 5 vừa qua, Ấn Độ vẫn đang chật vật triển khai chương trình tiêm chủng COVID-19. Chỉ khoảng 18% dân số Ấn Độ được tiêm vắc xin, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 40% do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt ra.
“Số ca mắc COVID-19 ở các quốc gia thuộc Bắc bán cầu nhiều khả năng sẽ tăng mạnh, đặc biệt là những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp như Ấn Độ”, giáo sư Vincent Pang Junxiong thuộc Đại học Quốc gia Singapore nhận định.
Ông Pang nói thêm rằng các biến chủng mới của nCoV vẫn có thể xuất hiện dù nhiều khu vực có độ phủ vắc xin cao.
Singapore, Malaysia hay Thái Lan - những quốc gia châu Á đã đạt được thành tựu nhất định trong chiến dịch tiêm chủng đang dần nới lỏng các quy định giãn cách xã hội. Giới chức các quốc gia này cũng quyết định mở cửa biên giới và các đường bay quốc tế.
Tuy nhiên, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác lại không lựa chọn cách tiếp cận này. Dù có tỷ lệ tiêm chủng cao, Trung Quốc vẫn thận trọng theo dõi số ca dương tính với SARS-CoV-2 thông qua đường nhập cảnh ở các nước láng giềng.
Tại một hội nghị vào ngày 12/10, ông Zhang Wenhong, Giám đốc khoa bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Hoa Sơn, Thượng Hải cho rằng kế hoạch tái mở cửa của chính quyền Bắc Kinh sẽ phụ thuộc vào khả năng ngăn chặn sự lây lan của virus.
"Hơn 80% người dân Singapore đều đã được tiêm chủng, nhưng chẳng có dấu hiệu nào cho thấy dịch bệnh tại đây thoái trào. Singapore mở cửa khiến số ca mắc mới gia tăng", ông cho biết thêm.
Trung Quốc, Mỹ và một số nước châu Âu đã bắt đầu triển khai kế hoạch tiêm mũi vắc xin COVID-19 tăng cường.
Giới chức Mỹ đã cho phép tiêm mũi vắc xin Pfizer thứ ba cho những người trên 65 tuổi, người có bệnh nền và nhân viên tuyến đầu chống dịch.
Các cố vấn của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 15/10 cũng khuyến nghị cơ quan này cấp phép tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm vắc xin Johnson & Johnson (J&J).
Khả năng xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn nhiều biến thể Delta vẫn đang là ẩn số. Theo ông John Moore, Giáo sư vi sinh vật và miễn dịch học tại Đại học Y Weill Cornell, New York, mối nguy hiểm tiềm ẩn của những loại biến thể này vẫn đang trong quá trình nghiên cứu.
"Liệu có khả năng xuất hiện một loại virus làm lây lan biến thể Delta và chống lại kháng thể Beta hay không? Đó là điều mà chúng tôi rất quan tâm", ông John Moore nói.