|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Căng thẳng thương mại với Trung Quốc khiến nông sản Mỹ 'điêu đứng'

14:46 | 20/06/2018
Chia sẻ
Giá nông sản Mỹ đồng loạt lao dốc vào ngày 19/6, với giá đậu nành giao sau xuống thấp nhất trong gần 10 năm, sau khi Tổng thống Donald Trump dọa đánh thuế bổ sung lên 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, làm dấy lên lo ngại cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
cang thang thuong mai voi trung quoc khien nong san my dieu dung Reuters: Trung Quốc sắp bỏ thuế nhập khẩu cho nông sản Mỹ để ‘cởi trói’ ZTE
cang thang thuong mai voi trung quoc khien nong san my dieu dung Điểm mặt những nông sản Mỹ có nguy cơ nằm trong danh sách trả đũa của Trung Quốc

Giá đậu nành trên sàn Chicago Board of Trade (CBOT) giảm mạnh 6%, trong khi giá lúa mì giảm hơn 4%. Giá ngô, bông vải và ethanol giao sau cũng đồng loạt giảm mạnh.

Các hợp đồng thịt lợn nạc trên sàn Chicago Mercantile Exchange (CME) giảm hơn 2% vào đầu phiên 19/6. Hợp đồng tương lai gia súc sống có thời điểm giảm 1% do chứng khoán Phố Wall lao dốc và đồng USD mạnh khiến hàng hóa Mỹ kém hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.

cang thang thuong mai voi trung quoc khien nong san my dieu dung
Ảnh minh họa. Nguồn: United Soybean Board.

Đe dọa đánh thuế bổ sung 10% của Tổng thống Donald Trump được đưa ra sau quyết định đánh thuế nhập khẩu lên 50 tỷ USD hàng Trung Quốc hồi tuần trước, khiến Trung Quốc đánh thuế trả đũa lên hàng loạt mặt hàng của Mỹ, trong đó có đậu nành và ngô.

Mỹ xuất khẩu lượng đậu nành trị giá 12,4 tỷ USD vào Trung Quốc trong năm ngoái. Đây là loại nông sản có kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc lớn nhất của Mỹ.

Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới khiến nông dân Mỹ và thị trường lo ngại Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu đậu nành, thịt lợn và bông vải lớn nhất của Mỹ, sẽ giảm hoặc ngưng nhập khẩu các sản phẩm này và nhiều hàng hóa khác của Mỹ.

Theo ông Dan Basse – Chủ tịch hãng tư vấn AgResource Co, nông dân Mỹ ước tính thiệt hại khoảng 247 USD doanh thu trên mỗi ha đất trồng do cuộc chiến thương mại leo thang với Trung Quốc trong hai tuần qua. Đây là tốc độ giảm lợi nhuận nhanh nhất trong ngành trồng trọt Mỹ kể từ năm 1979 đến nay.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), thu nhập ròng trong ngành nông nghiệp được dự báo sẽ giảm 6,7% xuống 59,5 tỷ USD trong năm nay, thấp nhất trong 12 năm qua.

Trung Quốc, nước nhập khẩu khoảng 2/3 lượng đậu nành giao dịch trên toàn thế giới, đã không mua nhiều đậu nành Mỹ trong ba tuần qua. Các nhà giao dịch lo ngại Trung Quốc sẽ hủy hơn 3 triệu tấn đậu nành Mỹ đã đặt mua nhưng chưa được giao với trị giá hơn 1 tỷ USD.

Thị trường cho rằng Trung Quốc không thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ đậu nành khổng lồ nếu không nhập khẩu số lượng lớn từ Mỹ. Thế nhưng điều này có thể chỉ đúng trong ngắn hạn. Là quốc gia tiêu thụ nhiều đậu nành nhất thế giới, Trung Quốc có thể vẫn mua loại nông sản này từ Mỹ trong vài tháng, hoặc thậm chí là trong năm tới. Tuy nhiên, không phải không có khả năng Trung Quốc sẽ dần cho đậu nành Mỹ “ra rìa” trong dài hạn, điều sẽ gây tác động bất lợi và không thể cứu vãn đối với thị trường Mỹ.

Trung Quốc hiện nhập khẩu khoảng 100 triệu tấn đậu nành mỗi năm, chủ yếu từ Mỹ và Brazil – hai quốc gia đóng góp đến 70% tổng sản lượng đậu nành toàn cầu.

Trung Quốc cũng giảm mua ethanol của Mỹ trong khoảng 6 tháng qua dù nước này đặt mục tiêu tăng sử dụng loại nhiên liệu này. Ngành công nghiệp ethanol Mỹ ngày càng phụ thuộc vào xuất khẩu do tồn kho trong nước rất lớn.

Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc leo thang rơi đúng vào thời điểm căng thẳng thương mại giữa Mỹ với các quốc gia nhập khẩu nông sản lớn của nước này, trong đó có Canada và Mexico, đang lên cao trào sau khi Washington áp thuế nhôm, thép nhập khẩu.

Xem thêm

Trường Giang