|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Căng thẳng Biển Đỏ: Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

15:27 | 05/02/2024
Chia sẻ
Dự kiến ngày 6/2, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Ngoại giao họp bàn giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp trước căng thẳng Biển Đỏ.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trước căng thẳng Biển Đỏ, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình để đưa ra khuyến cáo với doanh nghiệp của Việt Nam có thể lựa chọn phương thức thay thế.

Chính vì vậy, dự kiến ngày 6/2, sẽ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Ngoại giao họp bàn giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp trước căng thẳng Biển Đỏ.

Tàu thuyền neo tại cảng ở thành phố Hodeida (Yemen), bên bờ Biển Đỏ. (Ảnh: TTXVN)

Theo ông Trần Thanh Hải, nội dung chính của cuộc họp bàn lần này nhằm cập nhật thông tin, thảo luận giải pháp gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trước tình hình căng thẳng Biển Đỏ phát sinh tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với khu vực châu Âu và Bắc Mỹ.

Do đó, ngoài sự phối hợp từ phía ba Bộ, còn có sự tham dự của đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiệp hội logistics, các hiệp hội ngành hàng, một số doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Nhận định từ các chuyên gia cho thấy, căng thẳng Biển Đỏ đang ảnh hưởng nghiêm trọng các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 khi phải đối mặt với nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Phần lớn, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bán giá FOB nên các đơn hàng cũ không bị tăng chi phí. Tuy nhiên, với doanh nghiệp nhập khẩu do phải trả thêm cước quá cao khiến việc đặt hàng của họ chững lại. Một số khách hàng tiềm năng giảm mua hàng và đề nghị đàm phán lại giá cả.

Điều này tác động ngược lại các doanh nghiệp xuất khẩu bởi trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp nỗ lực giảm giá bán, đưa ra mức giá cạnh tranh nhất có thể. Nếu giảm nữa, chắc chắn không có lãi, thậm chí lỗ.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), bất ổn ở Biển Đỏ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng toàn cầu khiến các hãng tàu phải định tuyến lại tuyến đường của họ. Hành trình vận chuyển giữa châu Á, châu Âu và bờ đông Bắc Mỹ trở nên dài hơn, đẩy giá cước vận tải tăng mạnh, kèm theo là bảo hiểm hàng hóa tăng.

Vì vậy, khó khăn không chỉ với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa mà với cả các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics. Bởi ngoài việc cước tàu biển đi châu Mỹ, châu Âu tăng mạnh, từ giữa tháng 1 đến nay, tuyến vận tải biển trong khu vực châu Á cũng tăng giá theo.

Hơn nữa, thị trường đang xảy ra tình trạng thiếu vỏ container, nhất là container hàng lạnh. Tình trạng này có khả năng kéo dài đến hết quý II/2024, tạo áp lực lớn với hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu của Việt Nam cũng như thế giới.

Uyên Hương