|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cảng Sài Gòn 'bẻ lái' giữ cổ phần Ngọc Viễn Đông

14:36 | 29/01/2019
Chia sẻ
Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn muốn tiếp tục nắm giữ 5,56% cổ phần tại Công ty cổ phần Ngọc Viễn Đông - nhà đầu tư đang sở hữu siêu bất động sản tại TP.HCM là Dự án Khu phức hợp Nhà Rồng - Khánh Hội.
cang sai gon be lai giu co phan ngoc vien dong
Kinh doanh hành khách tàu biển tại khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội mang lại lợi nhuận tương đối cho Cảng Sài Gòn. Ảnh: Đ.T

Xin dừng thoái vốn

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) vừa đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) xem xét, chấp thuận trình Thủ tướng Chính phủ về việc Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn xin dừng thoái vốn tại Công ty TNHH Đầu tư Phát triển đô thị Ngọc Viễn Đông (Ngọc Viễn Đông).

Trước đó, VIMC cho biết đã nhận được đề xuất của người đại diện phần vốn của Tổng công ty tại Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn (VIMC nắm 65,5% vốn điều lệ) về việc thay đổi chủ trương thoái toàn bộ 5,56% vốn điều lệ tại Ngọc Viễn Đông.

Năm 2018, trên cơ sở đề xuất của VIMC, khi đó vẫn mang thương hiệu cũ Vinalines, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn được thoái toàn bộ phần vốn góp tại Ngọc Viễn Đông, đơn vị đang sở hữu dự ánbất động sản đình đám tại Khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội (TP.HCM).

Lý do được VIMC đưa ra để xin thoái vốn tại Ngọc Viễn Đông là, với ngành nghề kinh doanh chính là khai thác cảng biển, việc quản lý bất động sản không phải thế mạnh của Cảng Sài Gòn. Việc thoái vốn tại Ngọc Viễn Đông sẽ giúp Cảng Sài Gòn có thêm ít nhất 300 tỷ đồng cho các dự án di dời, phát triển cảng biển (ngành nghề được cho cốt lõi của đơn vị).

Được thành lập năm 2014, Ngọc Viễn Đông có số vốn điều lệ 1.153,85 tỷ đồng, trong đó, Cảng Sài Gòn góp 300 tỷ đồng (chiếm 26%) bằng giá trị tài sản và giá trị lợi thế vị trí địa lý kinh doanh của cầu tàu từ K6-K10 Khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội. Do nhu cầu tăng vốn điều lệ để triển khai dự án, năm 2016, Ngọc Viễn Đông có chủ trương điều chỉnh tăng vốn điều lệ từ 1.153,85 tỷ đồng lên 5.400 tỷ đồng theo hướng phát hành thêm cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu.

Để tạo điều kiện cho Cảng Sài Gòn tập trung nguồn lực hoàn thành đầu tư xây dựng Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước (giai đoạn I) và thực hiện di dời, chấm dứt hoạt động khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội theo đúng kế hoạch, tháng 1/2016, Vinalines đã đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép Cảng Sài Gòn không tiếp tục duy trì tỷ lệ 26% vốn điều lệ tại Ngọc Viễn Đông và thực hiện việc chuyển nhượng quyền góp vốn.

Trên cơ sở sự chấp thuận của Thủ tướng (tháng 2/2016), Bộ GTVT đã yêu cầu Vinalines chỉ đạo người đại diện của Vinalines tại Cảng Sài Gòn phối hợp với Ngọc Viễn Đông triển khai tăng vốn điều lệ, trong đó Cảng Sài Gòn không góp thêm vốn. Vì vậy, tỷ lệ vốn góp của Cảng Sài Gòn tại Ngọc Viễn Đông đã giảm từ 26% xuống 5,56%. Đây là tỷ lệ vốn nắm giữ được chính lãnh đạo Vinalines đánh giá tại thời điểm xin thoái năm 2018 là gần như không ảnh hưởng đáng kể hoặc không phủ quyết được quyết định của Ngọc Viễn Đông.

Giữ địa bàn

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc VIMC, tại thời điểm đưa ra đề xuất thoái vốn tại Ngọc Viễn Đông (tháng 5/2017), Cảng Sài Gòn rất khát vốn phục vụ công tác di dời các cảng biển khỏi khu vực nội đô TP.HCM như: xây dựng mới trụ sở làm việc; khu dịch vụ hậu cần tại Hiệp Phước và bổ sung nguồn vốn đầu tư do phải trích lập dự án phòng tổn thất đầu tư tài chính dài hạn tại các cảng biển liên doanh mà doanh nghiệp này góp vốn tại khu vực Cái Mép - Thị Vải.

Tuy nhiên, theo báo cáo của người đại diện phần vốn, hiện tình hình tài chính của Cảng Sài Gòn đã được cải thiện. Áp lực về nguồn vốn đã giảm bớt sau khi Cảng Sài Gòn trích lập xong tổn thất đầu tư tài chính dài hạn tại các cảng liên doanh với số tiền 878 tỷ đồng.

“Tại thời điểm ngày 30/9/2018, lượng tiền mặt của Cảng Sài Gòn còn tới 150 tỷ đồng, các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn là 707,6 tỷ đồng, trong khi nguồn vốn cần thực hiện các dự án đến năm 2020 chỉ khoảng 331 tỷ đồng”, ông Tuấn cho biết.

Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải lý do quan trọng nhất khiến Cảng Sài Gòn đột ngột xin “bẻ lái” với lô cổ phần tại Ngọc Viễn Đông. Theo Cảng Sài Gòn, tại khu vực vị trí cảng cũ (khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội) mà Ngọc Viễn Đông được chấp thuận làm chủ đầu tư, Dự án chuyển mục đích sử dụng đang được Sở GTVT TP.HCM kiến nghị UBND TP.HCM tiếp tục quy hoạch giữ lại một phần cầu cảng làm bến tàu khách phục vụ tàu du lịch quốc tế, tàu nhà hàng, tàu du lịch trên sông. Vì vậy, việc duy trì phần vốn góp tại Ngọc Viễn Đông sẽ tạo thêm điều kiện để Cảng Sài Gòn có lợi thế trong cuộc đua tiếp tục kinh doanh khai thác tàu khách tại Khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội.

Lĩnh vực kinh doanh hành khách tàu biển tại khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội mang lại nguồn lợi nhuận hàng năm tương đối cao cho Cảng Sài Gòn (năm 2016 là 9,2 tỷ đồng, năm 2017 là 12,4 tỷ đồng và năm 2018 là 25,48 tỷ đồng).

“Trường hợp thoái vốn tại Ngọc Viễn Đông ở thời điểm này, Cảng Sài Gòn có thể sẽ không còn quyền ưu tiên khai thác dịch vụ, qua đó vừa mất địa bàn vừa mất nghề truyền thống mang lại giá trị cao”, lãnh đạo VIMC cho biết.

Xem thêm

Anh Minh

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện nhà băng có lợi nhuận tăng bằng lần
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.